Ở một quốc gia có 1/3 dân số sống với thu nhập thấp khoảng 1 USD/ngày hoặc thấp hơn như tại Philippines, hàng triệu người nghèo vẫn phải sống trong các khu dân cư tạm bợ như Bagong Silang sinh sống tại khu nghĩa địa. Nhưng đó vẫn là điều may mắn, có những cá nhân thậm chí còn phải dựng nhà trên đầm lầy, dưới cầu hoặc trên các kênh nước thải bốc mùi hôi thối.
Quận Navotas nằm ở phía Bắc thủ đô Manila, Philippines là một trong những khu vực có mật độ dân cư đông nhất thế giới, chỉ đứng sau một vài thành phố Ấn Độ. Ở đây, có một cộng đồng cư dân nghèo phải sống chung với người chết trong một nghĩa trang.
Cộng đồng này có cái tên gọi là Bagong Silang. Thật ra với những người cư dân nghèo, khu nghĩa trang ấy có thể sẽ là nơi hoàn hảo nếu họ không ngại việc những mảnh xương người nằm rải rác.
Cộng đồng cư dân hiện đang cư trú tại khu nghĩa địa này lên đến 600 hộ. Trong nhiều năm qua, đa số người dân sống tại đây đều đã di cư từ đảo Samar, một trong những khu vực nghèo nhất nước, với trình độ dân trí rất thấp. Họ kiếm sống bằng các công việc tay chân nặng nhọc tại cảng Navotas, tại các khu chợ của thành phố, hoặc đi đánh cá bằng thuyền nhỏ.
Họ sống trong những lều tồi tàn làm từ các tấm nhựa, tre trúc và chút gỗ được dựng trên các ngôi mộ đã được xây kiên cố. Bản thân những ngôi mộ này cũng chồng lên nhau như các container chở hàng, tại khu nghĩa địa với lượng người được mai táng đông đúc không kém cộng đồng người sống.
Cư dân của nghĩa địa ăn, ngủ, nấu nướng, tắm giặt, vui chơi ngay trên các ngôi mộ. Cuộc sống của họ có thể khiến những người ngoài kinh hãi nếu mới nhìn thoáng qua. Cả khu dân cư này không có nhà vệ sinh hoặc đường cấp nước. Rác rưởi chất đầy dọc theo các ngôi mộ, khiến khu vực này đầy dán.
Ban đêm lũ dán bò ra ngoài “diễu hành”, chen nhau nhung nhúc khắp nghĩa địa. Những người cư dân này tin rằng không có một con ma nào trong nghĩa địa, và thậm chí nếu có thì cũng“chẳng có gì phải lo cả” vì “Nếu một con ma tìm tới, chúng tôi sẽ chửi bới để nó bỏ đi”.
Cuộc sống của cư dân trong nghĩa địa dù sao vẫn chưa ở mức bi đát. Khi mặt trời buông xuống, những người đàn ông cởi trần chơi bóng rổ hoặc hát karaoke với nhau trong khi những đứa trẻ trèo lên các ngôi mộ cao để thả diều. “Đôi khi bọn trẻ còn đùa nghịch cả với những chiếc đầu lâu”.
Jerry Doringo, phát ngôn viên chính quyền thành phố Navotas cho biết, cư dân địa phương được chôn cất miễn phí khi họ qua đời. Nhưng mỗi người chết chỉ được ở lại trong nghĩa địa khoảng 5 năm. “Sau thời gian đó, họ phải ra đi để nhường chỗ cho những người mới chết” .
Vậy sau 5 năm ấy, những số phận đã an nghỉ ấy sẽ đi về đâu. Không chỉ người sống mới phải chịu cảnh khổ ải mà người chết cũng chẳng khá khẩm hơn.
Do thiếu không gian trong nghĩa địa, các thi thể cũ thường bị đào khỏi mộ để nhường chỗ cho người mới chết. Mỗi lần mộ cũ bị khai quật, những mảnh xương bốc mùi lại bị vứt đầy trong nghĩa địa hoặc chất vào các bao tải rồi để cạnh những ngôi mộ.
Còn với các quan chức ở Novotas thì thành phố không phải là nới duy nhất với nghĩa trang đầy những người tới sống bất hợp pháp. Hiện nay, chính quyền thành phố đã mua một mảnh đất ở phía Nam Manila nhằm giải quyết một phần vấn nạn dân sống trong khu ổ chuột của Navotas.
Tuy nhiên, khu đất mới mua này có thể không đủ chỗ cho toàn bộ cư dân của Bagong Silang. Bản thân người dân Bagong Silang, vốn đã quen sống ở Navotas, cũng ngần ngại không thích di chuyển tới một địa điểm mới quá xa thành phố cảng, nơi việc làm khó kiếm hơn nhiều.
Minh Khuê (tổng hợp)