Mang thân gán bạc
Người đang cầm bát mì tôm trên đôi tay run rẩy ngồi trước mặt tôi là ông Nguyễn Phước L. (60 tuổi, người Rạch Giá, Kiên Giang). Đã ba ngày nay, ông cụ này lê la ở khắp các sòng bạc vùng biên nên đôi mắt sâu hoắm thâm quầng vì mất ngủ. Lúc ở bàn chơi, thấy tôi ngơ ngác với các con bài, ông L. đoán ngay tôi là người từ xa mới đến. Trong lúc tranh thủ ăn tối cùng nhau, tôi đã có dịp được nghe con bạc này kể về những luật lá ngầm trong thế giới casino. Nói chuyện với tôi, ông L. tâm sự: "Biết tôi ham chơi bài nên con cháu cũng chẳng ngăn cấm đi casino. Thỉnh thoảng có tiền, tôi lại bắt taxi lên đây ngồi mấy ngày thì về. Casino vùng này có chỗ ngủ, ăn uống rất tiện. Gần chục năm mài đũng quần ở đất này, tôi đã chứng kiến rất nhiều sự việc đau lòng".
Theo lời ông L., ở tất cả các casino vùng biên Campuchia có một luật bất thành văn, nếu ai thua hết tiền mà muốn chơi thì phải lấy bản thân ra thế chấp cho đường dây vay nặng lãi. Có lẽ, casino chính là nơi tính mạng con người bị coi là rẻ rúng nhất. "Đến đây, ai cũng đều thuộc luật, nếu không có tiền trả nợ thì sẽ bị chủ sòng giữ lại làm con tin. Con bạc phải làm mọi cách để liên lạc với người thân mang tiền sang chuộc. Nếu quá hạn, bọn bảo kê sẽ chặt dần đốt tay của con nợ đóng gói gửi về cho gia đình. Lúc ấy, dù có khó khăn đến đâu, người nhà con bạc sẽ cầm cố tài sản để đi chuộc về. Tôi đã chứng kiến rất nhiều vụ việc con bạc người Việt cầm cố mạng sống của mình để lấy tiền chơi. Anh cứ đến bất cứ bàn nào quan sát cũng thấy có người bị mất ngón tay. Họ đều là những nạn nhân đã gán thân mình vào đường dây của bọn chuyên cho vay nặng lãi", ông L. hất hàm, hướng về phía hàng chục cái đầu đang túm tụm trước một bàn chơi nói.
Thỉnh thoảng, ông L. lại thấy những người mẹ, người vợ của các con bạc khăn gói, lủi thủi mang tiền đến casino để chuộc con, chồng về. Gần đây nhất là vụ anh T. (24 tuổi, ngụ huyện Ba Hòn, Kiên Giang). Sau khi đến biên giới, T. cầm cố xe máy được 10 triệu đồng rồi vào xới bạc với hi vọng đổi đời. Nhưng chưa đầy 3 tiếng đồng hồ thì số tiền trên đã chạy thẳng vào túi nhà cái. Sợ mất xe, khó ăn nói với bố mẹ, thanh niên này đã cầm cố mạng sống của mình với giá 3.000 USD để "đòi lại giang sơn". Đến sáng hôm sau, khi đồng bạc cuối cùng ra đi, T. gục mặt xuống bàn khóc rưng rức thì cũng là lúc đám bảo kê đã đứng ở sau lưng. T. bị đưa vào một phòng khép kín và được gọi điện thoại "miễn phí" cho gia đình. Sau 15 ngày "ăn cơm tù" ở casino, người mẹ già của T. ở nơi quê nghèo lật đật ôm gần 80 triệu đồng (cả vốn lẫn lãi) đến chuộc cậu "quý tử" về. Ngày "mãn hạn tù", T. ra về với nét mặt xanh xao vì đói ăn, với những vết thương trên cơ thể, với ngón tay út bịt kín. Hai mẹ con dìu nhau ra khỏi casino trong sự tủi nhục, ê chề và gồng gánh luôn khoản nợ khổng lồ trên vai.
Ông L. cũng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đau lòng về những đốt ngón tay của một thanh niên tên N.T.D, chưa đầy 20 tuổi ở Chơn Thành, Bình Phước. Mặc dù ít tuổi nhưng D. đã có "thành tích" hai lần phải viết thư cầu cứu gia đình sang bên kia biên giới chuộc về. Từ lúc lớn lên, D. "báo hiếu" cha mẹ bằng việc đốt gần 200 triệu đồng vào trò đen đỏ. Lần thứ ba, kinh tế gia đình kiệt quệ, cha mẹ cậu đành nhắm mắt để mặc con mình trong "động quỷ". Tuy nhiên, cứ ba ngày, gia đình bà lại nhận được một "kiện hàng" không rõ địa chỉ gửi đến. Trong mỗi kiện hàng là một đốt ngón tay của cậu "quý tử". Đến lần thứ bốn, không chịu được lời đe dọa của đám cho vay nặng lãi, ông bà đành nhắm mắt bán đi mảnh đất cuối cùng mà ông cha để lại để chuộc con về. Trước những nỗi đau nhãn tiền như vậy, không ít người Việt vẫn mê muội vượt biên đánh bạc. Họ đâu biết rằng, mình cũng đang là con mồi trong chuyến đi săn không có điểm dừng của nhà cái.
Lật tẩy những chiêu trò
Ở những sòng bạc vùng biên này không thiếu những con bạc có tiền sử gá mình đánh bạc. Thậm chí, có người đã cụt mấy đốt tay nhưng vẫn ung dung đem mạng đổi tiền. Cậu bạn tên M. của tôi nói rằng, nơi đây, người "soạn luật" là nhà cái và người thực thi "luật" cũng là nhà cái. Chính vì thế, mỗi khi vào "động quỷ", các con bạc thường xác định đó là chuyến đi lành ít dữ nhiều. Có lẽ người nào biết điểm dừng thì thua ít, còn ai hừng hực máu ăn thua, muốn gỡ gạc lại thì càng nhúng sâu xuống bùn lầy nợ nần. Đối với những "sới" lớn dành cho các "quý ông", vì là khách hàng tiềm năng, có vai vế nên nhà cái không bao giờ dám gian lận. Thậm chí, nếu dám "lòe" khách chơi có máu mặt, "số má" trong dân "xã hội" thì đồng nghĩa với việc casino ấy cũng gặp khó khăn trong đường làm ăn.
"Mỗi bàn chơi, nhà cái đều chuẩn bị hai dealer (nhân viên chia bài). Cứ mỗi khi thua liên tiếp năm ván, nhà cái sẽ điều dealer khác đến chia bài để "cắt cầu". Bên cạnh đó là dàn tiếp viên trẻ đẹp, mặc váy như… không mặc gì đứng bên cạnh những anh mặt mày đã tím tái vì thua tiền để phục vụ. Những cô gái này rất biết cách móc túi người chơi. Họ rót mật vào tai, thúc các con bạc đặt tiền lớn để được… thua nhanh hơn. Sau khi hết tiền, tiếp viên sẽ gạ con bạc cầm mạng vay tiền. Lúc đó, người chơi vừa cay cú vì thua, vừa sĩ diện với gái nên sẵn sàng vay lãi với giá cắt cổ. Khi đã lạc vào ma trận, họ có muốn thoát khỏi thì cũng đã hết đường", M. chia sẻ. Cũng theo lời của cậu bạn tôi, đám bảo kê cho vay rất đơn giản, không cần giấy tờ và khách muốn vay bao nhiêu tùy thích. Tuy nhiên, khi đã nằm trong danh sách "đen" của chúng thì luôn được "chăm sóc" rất cẩn thận. Một người vay tiền sẽ được quản thúc bởi hai tên bảo kê mặt mày dữ tợn. Chỉ cần có ý định bỏ trốn, con nợ sẽ bị đưa vào phòng đặc biệt. Chính vì thế, khi thua hết tiền, các con bạc xác định sẵn phải gọi điện về gia đình xin giải cứu.
Sau khi ăn vội mát mì gói, ông L. kéo tôi ngồi quay lại bàn để tiếp tục chơi. Vừa bốc bài, ông vừa chia sẻ với tôi về những kỹ nghệ làm tiền của đám nhân viên chia bài ở các casino. "Ở sòng, nếu người chơi không tinh sẽ bị đám nhân viên chia bài qua mặt. Hơn hai tháng trước, có một sòng bài phải đóng cửa vì bị khách tẩy chay. Trong một ván bài bửu (bốn lá, binh hai tụ) có nhiều con bạc đặt lớn, số tiền lên đến cả trăm nghìn đô la, dealer của casino này đã giở trò, định múa rìu qua mắt thợ. Khi bắt bốn lá bài, trong số các con bạc có người phát hiện tụ bài của dealer có đến năm lá. Dealer chưa kịp làm ảo thuật thì người chơi la lối và rút lại tiền đặt cược. Thay vì thừa nhận sai, bảo vệ của casino này đã hành hung con bạc ép đưa tiền. Sau vụ việc, nhiều người bỏ chạy và trả thù sòng bằng cách tung tin ra bên ngoài. Mấy tuần không có khách đến chơi, chủ sòng đã quyết định sa thải hết nhân viên và đóng cửa cho đến tận bây giờ", ông L. kể.
Nhận diện "cò" casino nơi biên ải Đối với một sòng bài, nếu muốn đông khách, muốn hút được nhiều "máu" của con bạc thì phải nuôi một đội ngũ "cò mồi" hiểu việc của mình. Đám "cò" không những làm nhiệm vụ "chém gió", tâng bốc về casino chúng đang thuộc "biên chế" mà còn đưa khách qua biên giới. Sau khi đám "cò" này "rước" được người vào sòng bài sẽ chuyển giao nhiệm vụ cho đám "cò" khác. Nếu ai vào sòng bài tinh ý có thể thấy, nhiều khi "cò" là người ăn mặc lịch sự ngồi chơi với số tiền rất lớn và thường thắng đậm. Thấy người này gặp may, nhiều người nhảy vào đặt tiền xin "ké cửa". Kỳ lạ thay, từ khi có "gà" hùn vốn, vị khách này thua trắng túi. Bên cạnh đó, các nhà cái kiêm "đạo diễn" cũng cho các "cò" vào vai "đặt đâu thắng đấy" để lấy "số" đi "tư vấn" đặt tiền cho người chơi cùng bàn. Tất nhiên, lúc này, "cò" sẽ trở về đúng với nhiệm vụ thật của mình - "chỉ đâu chết đấy". |
Vương Chân