Từ cõi chết trở về
Khi chúng tôi hỏi đến nhà anh Bùi Văn Hiệu thì ở xóm Nội Xung, xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi, ai cũng biết. Cách đây vài năm nghe thông báo cột điện 35kv đã ngắt điện, anh bèn trèo lên để bắt sáo. Không ngờ anh trèo “nhầm” lên cột có điện. Bị điện giật dính luôn trên cột. May sao gần đó có mấy người thợ điện đang sửa đường dây, thấy vậy liền báo cắt cầu dao điện.
Anh Hiếu khi bị điện giật cháy xám
Lúc đưa anh xuống thì toàn bộ cơ thể anh đã bị điện giật cháy xám. Anh Hiệu kể: Hiện lúc đó tôi cảm tưởng đã chết 9/10 phần cơ thể. Cả cơ thể còn mỗi chỗ bụng là không bị cháy xám. Mọi người đưa tôi đi cấp cứu ở bệnh viện đa khoa tỉnh. Thấy bệnh nặng quá bệnh viện không có điều kiện chữa nên các bác sĩ khuyên gia đình tôi chuyển tôi đi Viện bỏng Quốc gia. Sau 1 tháng 2 ngày mặc dù các bác sĩ đã hết sức chữa trị nhưng do vết thương quá nặng đã bị nhiễm trùng, không thể chữa trị được nữa nên gia đình tôi đã đưa tôi về nhà. Bố mẹ tôi đã phải bán đất, vay mượn anh em để trả chi phí tiền thuốc chữa trị cho tôi (trên 30 triệu đồng). Khi về nhà, biết tôi khó qua khỏi, gia đình cũng đã chuẩn bị hậu sự cho tôi.
Anh Hiếu sau khi được cứu chữa
Thế rồi, nghe mọi người mách có cô Liên chữa bỏng bằng thuốc Nam rất giỏi, mẹ anh Hiệu tìm đến cô với hi vọng mong manh chữa được bệnh cho con. Cô Liên nhận lời chữa. Khi anh Hiệu đến nhà cô Liên, nhiều người hoảng sợ vì nước mủ từ vết nhiễm trùng trên người anh chảy dầm dề. Chiếc chăn quấn lên người cũng ướt sũng. Sau khi sát trùng cô Liên bôi thuốc cho anh, mỗi ngày bôi 2 lần. Sau 1 tháng thì da anh Hiệu dần liền và được cô Liên cho về nhà điều trị. Một thời gian sau thì khỏi hẳn. Mẹ anh Hiệu sau khi hết lời ca ngợi lương y Triệu Thị Liên, đã rưng rưng nói với chúng tôi: “Cô Liên cứu sống cháu Hiệu như thế mà tiền thuốc men hiện tôi vẫn còn nợ lại cô ấy 400 nghìn đồng chưa trả được”.
Chúng tôi đến nhà lương y Triệu Thị Liên thì tình cờ gặp chị Đặng Thị Nga ở số nhà 21, ngõ 183, phố Phúc Tân, Hà Nội. Chị Nga kể với tôi: Mấy năm trước chị bị ngộ độc khi ăn rau muống. Chất độc nhiễm vào dạ dày, thận, gan... nói chung là ngũ tạng đều bị nhiễm độc. Lúc bị nặng chị đã bị chết lâm sàng hai ngày. Gia đình đã chuẩn bị đến tình huống xấu nhất. Lúc đó chị chỉ còn 33 kg. Để dưỡng bệnh chị Nga phải thuê nhà ở khu suối khoáng Kim Bôi. Hàng ngày, chị phải đi bằng xe lăn, rồi thuê người bế đi sinh hoạt cá nhân. Nghe mọi người mách chị đến nhà chị Liên. Chỉ sau vài tháng được chị Liên chữa trị, chị Nga khỏe hẳn trở lại. “Giờ tôi coi chị Liên là ân nhân đã cứu sinh tôi. Hôm nay tôi về chơi thăm chị”, chị Nga nói.
Chữa bệnh là làm phúc
Năm ngoái chị Vũ Thị Bình ở xóm Mớ Đá, xã Hạ Bì huyện Kim Bôi bị 10 lít nước phở đổ vào chân. Chân chị bị lột hết da, sưng to. Chị được lương y Triệu Thị Liên chữa bằng thuốc lá, sau 15 ngày thì mọc da non. Chị Bình kể với tôi: Sau khi tôi được chị chữa khỏi thì đến lượt cháu ngoại tôi 9 tháng tuổi chẳng may bị phích nước đổ vào chân. Chân cháu phồng rộp. Tôi đưa cháu đến chị Liên chữa cũng chỉ khoảng nửa tháng là mọc da non. Gia đình tôi mang ơn cô Liên lắm.
Cô Liên bôi thuốc lá cây cho chị Bùi Thị Triền ở xã Cuối Hạ, Kim Bôi
Qua tìm hiểu thì thấy cách chữa bệnh bỏng của lương y Triệu Thị Liên cũng đơn giản. Sau khi rửa sạch vết thương bằng thuốc sát trùng và làm mát thì dùng thuốc cao lá cây rừng bôi lên vết thương. Nếu vết bỏng đã nhiễm trùng nặng. Do bệnh nhân sau khi bị bỏng một thời gian không mang đến chữa ngay thì dùng thuốc bột lá cây hút hết mủ. Cô Liên bảo đây là bài thuốc của mẹ cô truyền lại cho cô. Tất cả cây lá thuốc nấu cao đều lấy trên rừng. Và chỉ có cô là người bốc thuốc nấu được cao. Nếu có người nào muốn mua lại dù có hàng tỷ đồng, cô cũng không bán. Ngoài bài thuốc chữa bỏng, cô còn được mẹ truyền cho bài thuốc chữa bệnh trĩ nội, trĩ ngoại và chữa rắn cắn. Với bệnh trĩ thì chữa bằng thuốc tây y có khi gây đau đớn cho người bệnh. Với cách chữa của cô thì chỉ uống khoảng 30 thang thuốc nam sắc là trị được tận gốc của bệnh.
Chân của chị Vũ Thị Bình đã lành hẳn
Nhà lương y Triệu Thị Liên có 4 anh chị em, mẹ cô thấy cô là người hợp với nghề thuốc truyền lại cho cô. Cô có 3 người con và cô đang truyền lại bài thuốc này cho người con út là Nguyễn Hải Chi. Một lần Giáo sư Tiến sĩ khoa học Lê Quốc Trung- chủ tịch Hội Bỏng Việt Nam đề nghị cô Liên về chữa bệnh một thời gian ở Viện Bỏng Quốc gia. Ông muốn thử nghiệm cách chữa của cô và của viện. Nhưng cô không đi. Cô bảo: “Ở đây là mảnh đất đã sinh ra cô và cô đã gắn bó với những bệnh nhân của cô nhiều năm nay. Nếu cô đi thì chẳng ai chữa bệnh cho họ”.
Việt Lâm - Tuấn Nghĩa