Nói chuyện với chúng tôi, cựu tù Côn Đảo kể, những ngày tháng chiến đấu âm thần trong "địa ngục trần gian" không chỉ là niềm tự hào của ông mà của cả những người đã anh dũng hi sinh ở chốn này.
Ông Tằng (người ngồi ngoài cùng bên trái), bà Nguyệt và người em trai
Những đòn tra tấn dã man
Người cựu binh mà chúng tôi muốn nhắc đến là ông Vũ Minh Tằng, 74 tuổi, người tù Côn Đảo nổi tiếng với 9 chiếc răng được lưu lại tại Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày (Phú Xuyên, Hà Nội). Có mặt tại gia đình ông vào buổi trưa mùa thu tại thôn Tiên Hào (xã Vĩnh Hào, Vụ Bản, Nam Định), chúng tôi được ông kể về những năm tháng bị địch bắt và tù đày ở "địa ngục trần gian".
Như một người ghi chép lịch sử, ông Tằng kể: "Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trên quê hương có truyền thống cách mạng. Chứng kiến cảnh nước nhà bị bọn thực dân đô hộ, cảnh sống cơ cực của nhân dân dưới chế độ thực dân phong kiến khiến tôi và nhiều người cảm thấy căm giận. Sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và Bác Hồ đã hun đúc chí căm thù giặc sâu sắc trỗi dậy lòng yêu nước trong tôi". Đúng ra ông Tằng thuộc diện được miễn đi bộ đội thời bấy giờ. Bởi ngày ấy, ông đang theo học tiếp để trở thành Y sĩ. Nhưng tháng 4/1962, ông quyết định để lại vợ con, mẹ già và em trai, tình nguyện lên đường giết giặc.
Nhưng chẳng được bao lâu, trong một trận càn của địch tại hang Đá Chẹt (Quảng Ngãi) vào năm 1968, ông Tằng bị địch bắt ra ngoài nhà tù Côn Đảo (Kiên Giang). Tại đây, lũ giặc ác ôn với những hành vi tra tấn dã man không chỉ với ông mà còn với rất nhiều người làm cách mạng khác. Ông Tằng cho biết: Chúng (những tên cai ngục tại nhà tù Côn Đảo - PV) có tất cả 74 kiểu tra tấn khác nhau. Kiểu nào cũng thuộc vào hạng "độc nhất vô nhị" ở trên đời. Khắp nhà tù, chỗ nào cũng thấy dụng cụ dùng để tra tấn tù binh. Năm 1967 lúc bị bắt, số hiệu của ông Tằng là tù nhân thứ 504. Năm 1973, lúc ông được ra tù con số tù nhân tại Côn Đảo đã lên hơn 41 nghìn, trong đó tù nhân nữ ngót nghét 15 nghìn người. Ở đảo Phú Quốc, địch chia ra 4 trại giam, mỗi trại chứa khoảng 1.800 người.
Dấu tích về những lần bị tra tấn trong tù, ông Tằng cho chúng tôi chiêm ngưỡng bằng việc giơ hai đầu gối ra cho tôi sờ. Quả đúng như lời ông nói, hai khớp đầu gối của ông bây giờ lổm nhổm những hạt li ti. Đó chính là những mảnh vụn của vết thương ngày ở tù Côn Đảo. Không những thế, bây giờ mảnh đạn R15 vẫn găm ở hốc mắt bên phải, sờ tay cũng thấy lổm nhổm. Ông Tằng bảo, chỉ cần đụng dao kéo vào phẫu thuật là mù.
Đứng trước âm mưu tiêu diệt, đàn áp cách mạng của địch nhưng những người tù trung kiên không chịu khuất phục. Họ vẫn đứng vững trước những đòn tra tấn dã man của kẻ thù. Các chiến sĩ trở về sau những lần tra tấn của địch thường được anh em tìm chỗ ưu tiên cho nằm. "Khi trở về trại giam khi bị địch tra tấn, tôi luôn được anh em trong phòng giam dùng tay áo quạt cho", ông Tằng tâm sự.
Ông Tằng cho biết: "Mặc dù rất đau đớn nhưng tôi vẫn giữ được năm cái răng bị rụng khi chúng tra tấn. Còn bốn cái nữa chúng bắt tôi nuốt. Sau nhiều lần đại tiện, tôi đã tìm lại được". Ông Tằng cho biết, lũ địch mất nhân tính bắt tù nhân trong nhà lao ăn cơm trộn với phân. Mỗi ngày chúng cho anh em trong nhà lao mỗi người khoảng 10cc nước".
Đến ngày Hiệp định Paris ký kết, tên Bảy Nhu, cai ngục khét tiếng buộc phải thả rất nhiều tù binh về. Ông Tằng được về trại B2. Một ngày vào đầu năm 1973 ông trở về với quê hương. Lúc ra đi ông nặng 54kg thì khi trở về ông chỉ có 23kg. Hơn nữa, người cựu tù Côn Đảo - Vũ Minh Tằng vẫn mang trên người những mảnh đạn cùng với chấn thương mà theo ông thì "nó vẫn hành hạ cho tới bây giờ".
Nửa thế kỷ thay chồng chăm sóc em
Khi ở chiến trường trở về, ông Tằng bị thương tật 67% (bệnh binh hạng 2). Khi mới về, mỗi tháng ông chỉ được trợ cấp 36 đồng/tháng (bây giờ được 1,8 triệu/tháng), không đủ tiền thuốc hàng ngày. Trong nhà, ông Tằng chỉ làm được những công việc nhẹ như cắm cơm, quét nhà… còn những công việc nặng nhọc lại đặt lên vai bà Lưu Thị Nguyệt (vợ ông Tằng, năm nay 76 tuổi). Nói chuyện với chúng tôi, bà Nguyệt cho biết, dù có khó nhọc về vật chất nhưng lại được thoải mái tinh thần. "Mặc dù cuộc sống rau cháo nhưng được sống cùng người mình yêu thương sau bao năm trời xa cách đó là niềm an ủi quá lớn. Tôi không mong muốn điều gì hơn nữa", bà Nguyệt chia sẻ.
Được biết, sau 58 năm chung sống, hiện nay ông bà đã có với nhau cả tất cả 5 người con (2 trai, 3 gái). Người con trai cả hiện đang làm việc trong quân ngũ còn người con gái út thì cũng vừa lập gia đình năm ngoái. Trong căn nhà ba gian rộng thêng thang bây giờ chỉ còn lại ba người già chung sống với nhau. Tuy nhiên, nó chưa bao giờ lạnh lẽo cả.
Căn nhà của ông bà luôn thoang thoảng mùi hương hoa nhài. Nền nhà, cốc chén, bàn ghế... được lau chùi sạch sẽ. Mọi thứ đều rất ngăn nắp. Ông Tằng khoe: "Tất cả là nhờ bàn tay của người phụ nữ đảm đang này đấy cháu ạ". Vừa nói ông Tằng vừa cầm tay bà Nguyệt đưa vào lòng. Ông thấy thương cho vợ nhiều lắm nhưng không biết làm sao được. Nhiều đêm nằm thương vợ, nghĩ vợ thiệt thòi nhiều, ông muốn làm gì đó cho vợ con mà sức khỏe không cho phép.
Những vết thương trong chiến tranh đến giờ luôn hành hạ người cựu chiến binh Vũ Minh Tằng. Bây giờ lúc nằm trở mình cũng khó vì hai đầu gối nhức nhối. Những hôm trái gió trở trời thì toàn thân ông đau buốt, chỉ biết nằm bệt ở giường mà không đi lại được. Với bà Nguyệt, những năm tháng lặn lội chăm chồng, chăm em, nuôi con cũng đã lấy đi một phần sức khỏe của bà. Bệnh thấp khớp làm hai đầu gối bà to sưng tấy và tê buốt. Còn người em trai tàn tật, bà Nguyệt đã thay chồng chăm sóc suốt 52 năm qua.
Bà Nguyệt nói vui: "Ba người chúng tôi bây giờ sống bởi thuốc chứ không sống bởi cơm nữa. Cơm có thể nhịn chứ thuốc thì không thể chậm bữa nào. Ngày nào cũng thế, ba người ba nồi thuốc Bắc. Những ngày thời tiết thay đổi, chân đau buốt lắm nhưng vẫn phải cố gượng dậy sắc thuốc cho chồng, cho em".
Ông Tằng nói thêm, cũng may vì những người đồng đội của ông vẫn còn sống. Biết hoàn cảnh ông khó khăn, thỉnh thoảng họ vẫn đến thăm hỏi. Đó là cái tình đồng đội.
Trung Tuyến