Người Kurd – vấn đề nan giải
Trong khi Mỹ phần lớn bị gạt ra rìa trong các cuộc đàm phán hòa bình về vấn đề chiến sự Syria thì Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng đóng vai trò trung gian đầy quan trọng trong mâu thuẫn Syria. Một vòng đàm phán hòa bình nữa sắp diễn ra, người Nga đang cố gắng thuyết phục lực lượng người Kurd ngồi vào bàn đàm phán.
Từ lâu, người Kurd vẫn là một trong những vấn đề nan giải nhất khu vực Trung Đông. Hiện có khoảng 25 triệu người Kurd trên thế giới nhưng họ không có nhà nước riêng. Người Kurd sống chủ yếu tại khu vực biên giới 4 quốc gia Iran, Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ và luôn mong muốn giành quyền tự trị.
Khi nội chiến Syria bắt đầu nổ ra, người Kurd từng tuyên bố họ không đứng về phía nào. Nhưng do tính toán chính trị của các bên nên vấn người Kurd ngày càng trở thành một vấn đề phức tạp. Nếu vấn đề này không được giải quyết thì tiến trình hòa bình Syria khó có thể thành công.
Về phía Syria, chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad không hề mong muốn người Kurd thiết lập nhà nước ở vùng biên giới bởi sẽ xâm phạm sự toàn vẹn, thống nhất lãnh thổ của đất nước, đe dọa sự ổn định của chính quyền ông Assad.
Với Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Tổng thống Erdogan cũng lo sợ người Kurd thành lập nhà nước riêng bởi cộng đồng này ở Thổ Nhĩ Kỳ có tới 15 triệu người, chiếm 1/5 dân số đất nước. Từ lâu, Thổ Nhĩ Kỳ đã coi đảng Công nhân người Kurd (PKK) và Liên minh dân chủ người Kurd (PYD) là khủng bố. Chính quyền ông Erdogan luôn tìm cách kiềm chế sự lớn mạnh của người Kurd ở biên giới nước này với Syria, vì thế Ankara đã cho khởi động chiến dịch Lá chắn Eupharates nhằm ngăn chặn người Kurd tập hợp và thành lập nhà nước ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, với Mỹ, người Kurd như một “quân tốt” giúp Washington đạt được 2 mục tiêu một lúc. Thứ nhất, Nhà Trắng muốn người Kurd là đối trọng gây khó khăn với chính quyền Tổng thống Assad mà Mỹ thường phản đối. Thứ hai, Washington muốn dùng lực lượng người Kurd chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bởi Mỹ gặp khó khăn lớn về khoảng cách cũng như Nhà Trắng không thể đưa thêm bộ binh vào chiến trường Syria do vấp phải sự phản đối trong nước.
Chính vì 2 lý do trên, Mỹ đã tăng cường hậu thuẫn cho người Kurd trong cuộc chiến tại Syria.
“Lá bài” của Nga
Đối với Nga, lập trường của Moscow là tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Syria và duy trì quan hệ đồng minh, ủng hộ chính quyền Tổng thống Assad, vì vậy, Nga cũng không thể để người Kurd hình thành một nhà nước tự trị đe dọa tới sự ổn định của chính quyền Syria.
Vì vậy, Nga đang nỗ lực kêu gọi người Kurd tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình Geneva dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng này. Trước đó, người Kurd không hề tham gia vào cả các vòng đàm phán tại Geneva và Astana.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định, Moscow đang nỗ lực đưa người Kurd và chính quyền Assad đứng trên cùng một nền tảng chung và hướng tới sự thống nhất đất nước.
Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) trước đó từng nói rằng họ đã nhận được sự đảm bảo từ nhiều nước, trong đó có Nga, rằng họ sẽ tham gia các cuộc họp tại Geneva, một động thái bị phản đối mạnh mẽ bởi các phe đối lập Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara coi nhóm người Kurd là phần mở rộng của đảng Công nhân người Kurd (PKK), và vì vậy đây cũng là một tổ chức khủng bố, mà khủng bố thì không được quyền ngồi vào bàn đàm phán.
Tuần trước, Nga tuyên bố rằng Moscow không xem PKK và YPG là tổ chức khủng bố, đối lập với lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ. Nga càng đẩy sự việc gây tranh cãi hơn khi đưa ra đề nghị trong hòa đàm Astana gần đây nhất, giới thiệu một bản hiến pháp Syria trong đó người Kurd có một khu vực tự trị.
Việc người Kurd đi theo hướng trên của Nga, trở thành lực lượng chính trị độc lập và tham gia tiến trình hòa giải do Liên Hợp Quốc làm trung gian dường như phù hợp với mong muốn của các bên hơn. Dẫu vậy, chính quyền Tổng thống Assad sẽ khó chấp nhận nếu cho người Kurd một khu vực tự trị giúp họ tập hợp sức mạnh lớn hơn. Chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ là tạm “yên tâm” bởi người Kurd sẽ không thành lập nhà nước riêng ở nước này nữa.
Nhưng giải pháp này cũng chưa thể thỏa mãn người Kurd, nhất là khi họ đang giành được nhiều ưu thế tại chiến trường Syria. Lực lượng này đang tỏ ra lớn mạnh và thuần thục trên chiến trường hơn lúc nào hết, đặc biệt họ là những người có kinh nghiệm trong cuộc chiến chống IS. Hình ảnh và giá trị của người Kurd trên bàn cờ địa chính trị Trung Đông ngày càng được khẳng định. Vì vậy, từ bỏ tham vọng xây dựng một nhà nước của người Kurd là khó chấp nhận với họ.
Tóm lại, vấn đề người Kurd vẫn vô cùng nan giải, đòi hỏi sự nhượng bộ và nỗ lực của các bên liên quan, trong đó vai trò chủ đạo thuộc và Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ khi vấn đề này được giải quyết, hướng đi tương lai cho tình hình Syria mới rộng mở hơn, người ta mới có thể hi vọng về một hòa bình cho đất nước Trung Đông này và sự ổn định cho toàn khu vực.
Xem thêm: Chiến sự al-Bab: Quân đội Syria giải phóng tiền đồn mạnh nhất của IS
Danh Tuyên