Kém may mắn hơn nhiều người vì từ khi lọt lòng, Tuấn đã không thể nhìn thấy mọi thứ xung quanh, lại thêm gia cảnh khó khăn, Tuấn phải đi ăn xin để tự nuôi sống bản thân. Ấy vậy mà con người này chẳng hề bi quan mà luôn vui vẻ, cởi mở. Đặc biệt, anh luôn ẩn chứa một cái tâm sáng mà ít ai có thể tin được.
Nụ cười hiền của Tuấn, chàng mù ăn xin thích làm từ thiện
Xoa dịu vết thương cho người có H
Sinh ra trong một làng quê nghèo của tỉnh Hưng Yên, gia đình có 3 anh em trai, Tuấn là anh cả. Anh không muốn trở thành gánh nặng của gia đình, đến tuổi trưởng thành anh một thân một mình lên Hà Nội. Cũng kể từ đó, người ta quen với hình ảnh một người mù ngày ngày lặng lẽ đứng trước cửa nhà thờ Thái Hà để ăn xin.
Ngồi trò chuyện với anh trong sân nhà thờ vắng lặng, tôi không ngờ ở anh lại có những suy nghĩ và việc làm lạ lùng đến thế. Không lạ lùng sao được khi mà một người bữa no bữa đói lại có sở thích... làm từ thiện. Chợt nhớ đến câu chuyện đồng xu của bà góa, bà không cho đi cái bà đang thừa, bà cho đi cái bà đang có. Xét một khía cạnh nào đó, đồng xu của bà đáng trân trọng hơn đồng bạc của nhà trọc phú. Thế mới biết, bất cứ ai cũng có thể làm từ thiện, chỉ là có muốn hay không.
Ở Hà Nội được 7 năm thì anh mù đã có ngót nghét 4 năm làm từ thiện. Công việc thiện nguyện của anh không liên quan đến tài chính vì anh không có lấy một xu dính túi, chính anh cũng phải đi xin để sống qua ngày. Việc từ thiện của anh là đi thăm hỏi các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS ở các bệnh viện (bệnh viện Đống Đa và bệnh viện 09 (Hà Nội). Rảnh lúc nào là anh sang bệnh viện Đống Đa. Các bệnh nhân quá quen thuộc với hình ảnh một thanh niên cầm gậy lọ mọ vào từng phòng, hỏi thăm từng người một, tận tình còn hơn người nhà.
Thăm nhiều thành quen, bây giờ anh đã “có nghề” trong việc thăm nom bệnh nhân. Những bệnh nhân mắc “căn bệnh thế kỉ” thường có biểu hiện cực đoan. Có người còn nói với anh: “Tôi không cần ai đến thăm hết”. Có người luôn tỏ ra bất cần đời... nhưng anh Tuấn cho biết: “Thực chất đó chỉ là vỏ bọc của họ. Họ đã bị xã hội kì thị nên cần phải có thời gian để họ lấy lại niềm tin vào cuộc sống. Chẳng ai muốn mình bị “cho ra rìa” cả. Đặc biệt là những người đau ốm, họ càng cần sự quan tâm động viên của những người xung quanh”.
Anh Tuấn còn cho biết, trong thâm tâm nhiều người vẫn muốn sống tốt dù có H. Ở bệnh viện 09 tiếp nhận những bệnh nhân HIV/AIDS ở giai đoạn cuối. Những bệnh nhân ở đây rất phức tạp, có cả mại dâm, dân anh chị... và phần lớn đều nghiện ma túy. “Chính vì thế, họ cũng khó gần và khó tính hơn”, anh Tuấn nói.
Chỉ tuyển vợ có chung chí hướng
Càng khó khăn anh càng quyết tâm. Anh nhớ lại những lần đầu tiên tiếp xúc, có bệnh nhân còn đuổi mắng, đến nỗi anh tránh ra cửa rồi mà vẫn thấy tiếng “cốc vỡ, bát bay” lẻng xẻng đằng sau. Rồi anh đúc rút ra kinh nghiệm, với bệnh nhân mới, phải mất ít nhất 5 buổi “tỉ tê” trò chuyện may ra họ mới tin tưởng để cởi mở với mình. Mất công mất sức lại chẳng được gì nhưng mỗi khi nói chuyện được với bệnh nhân, anh vẫn thấy vui.
Ban đầu Tuấn chỉ thăm nom, trò chuyện, dần dần, anh thấy mình có thể đến gần hơn với bệnh nhân nếu có thể giúp đỡ gì đó cho họ. Nghĩ là làm, anh Tuấn xin theo học một khóa xoa bóp bấm huyệt. Sau 3 tháng “bám trụ” với trung tâm dạy nghề, anh trở về làm chàng ăn xin, “giắt túi” thêm kĩ năng xoa bóp bấm huyệt. Thế là mỗi lần vào thăm bệnh nhân, thấy ai kêu đau đầu, anh lại gợi ý: “Để con giúp cho, nếu không đỡ thì lần sau con không làm phiền nữa”. Nhưng anh đã làm thì lúc nào cũng đỡ, có người còn “nghiện” tay nghề của anh, ngày nào chưa thấy anh vào là lại nhờ người đi gọi. “Đắt hàng” là thế nhưng anh chỉ làm miễn phí, không lấy tiền của ai.
Cho dù vẫn phải ăn xin để sống nhưng anh nhất quyết với quan điểm sống của mình: Không lấy tiền của bệnh nhân. Có người nhà bệnh nhân muốn cảm ơn anh liền đút tiền thù lao vào tay. Anh gạt đi, thẳng thắn nói: “Nếu cứ đưa tiền thì lần sau con không thăm nữa đâu”. “Thế là người ta đành chịu đấy”, anh cười hiền nói. Tôi hỏi anh, bấm huyệt giỏi thế sao không xin vào trung tâm bấm huyệt dành cho người mù, vừa có thu nhập ổn định, vừa đỡ vất vả. Anh trả lời đơn giản: “Vào trung tâm liệu người ta có cho mình đi đến với bệnh nhân nhiễm H nữa không? Mình có bao nhiêu tiền dùng bấy nhiêu, cũng chưa bao giờ bị đói cả. Mình sẽ không gò bó bản thân vào nơi nào cả vì mình sẽ dành cả đời cho các bệnh nhân nhiễm H”.
Nói đến chuyện gia đình, Tuấn có vẻ buồn buồn. Năm nay anh đã 33 tuổi, hai người em ở quê đã có gia đình. Hỏi Tuấn bố mẹ anh có giục lấy vợ không, anh nói: “Chẳng ai giục gì cả, mình không muốn thì làm sao ép được mình”. Anh cũng đặt ra cho mình “chỉ tiêu tuyển vợ”: “Mình không cần gì cả, xinh đẹp thì mình cũng không thấy, nhưng cô ấy nhất định phải có tâm hồn đẹp. Vì mình đã xác định gắn bó với các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS nên cô ấy phải là người hiểu và đồng cảm với công việc của mình”. Tuy nhiên, “người đó” của anh bây giờ vẫn chưa xuất hiện.
Chẳng hiểu điều gì đã khiến anh, một chàng mù bẩm sinh, lại muốn dành cả đời cho những con người “nhiễm H”. Có lẽ ở anh, một người thiếu may mắn về nhiều thứ, lại có một thứ mà không phải người bình thường nào cũng có, đó là tình yêu thương đồng loại. “Tôi coi họ như người anh em của tôi, tôi không chấp nhận được việc họ bị bỏ rơi. Mỗi lần đến với họ, tôi thấy tâm hồn mình thanh thản, thấy mình còn có ích cho cộng đồng”, anh Tuấn nói trước khi chia tay tôi để sang bệnh viện Đống Đa, tiếp tục hành trình thăm hỏi những bệnh nhân đặc biệt của mình.
Xuân Thanh