Vốn là đất nước của những quan niệm thèm con như “trời sinh voi sinh cỏ”, “thêm con thêm lộc” nên chuyện “bỗng dưng” cho phép đẻ thoải mái được dự đoán là sẽ được người dân chào đón. Thế nhưng, dư luận xã hội lại chứng minh điều ngược lại.
Cứ tưởng dân ủng hộ, nào ngờ…
Rất nhiều người dân không hào hứng với chuyện “tháo khoán đẻ” này. “Tôi thấy thật nguy hiểm với việc khuyến khích đẻ vì nhiều người Việt vẫn còn tâm lý thích nhiều con, nhất là khi chưa có con trai. Cẩn thận không lại tốn bao tiền của, công sức mà không phanh kịp tốc độ tăng dân số”- một người dân chia sẻ.
Sự việc có vẻ diễn biến theo chiều hướng ngày càng nghiêm trọng nên tối ngày 18/7, ông Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) - Bộ Y tế, đã phải xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia để khẳng định rằng không có chuyện khuyến khích đẻ.
Ảnh minh họa
Nhưng ông Trọng cũng nhấn mạnh rằng nếu như năm 1970, mỗi phụ nữ VN có trung bình 6,8 con; đến năm 1990 đã giảm xuống còn 3,1 con và hiện nay là 2 con. Một số tỉnh phía Nam, mức sinh đang có chiều hướng xuống dưới ngưỡng 2 con/phụ nữ. Năm 2011, tại TPHCM là 1,3 con/phụ nữ. Chính xác lời khuyên của Tổng cục Dân số là phụ nữ TP.HCM nên sinh 2 con, “chứ không phải là sinh thêm con” như dư luận hiểu lầm.
Cần phải nói thêm rằng, tuy việc kế hoạch hóa gia đình đã kéo dài 50 năm qua nhưng Việt Nam không có chính sách chỉ cho phép sinh 2 con mà là vận động, tuyên truyền để mỗi cặp vợ chồng chấp nhận việc sinh 1-2 con. Đối với những gia đình sinh con thứ 3, Việt Nam cũng không có văn bản quy phạm pháp luật nào về xử phạt người dân. Người sinh con thứ 3 vẫn được hưởng chính sách thai sản như các lần sinh khác.
“Cán cân” dân số - vặn sao cho chuẩn?
Đã từ lâu nhiều chuyên gia khuyến cáo VN đang bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa dân số, nghĩa là tỉ lệ dân số ở độ tuổi lao động dần giảm đi. Nước ta hiện có khoảng 9 triệu người cao tuổi. Theo dự báo khoảng năm 2035 – 2038, 20% dân số là người cao tuổi, tức là chính thức ở giai đoạn dân số già.
Còn theo ông Dương Quốc Trọng, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ chủ động điều chỉnh tốc độ tăng dân số và ở mức sinh thấp hợp lý. Kiên quyết không để mức sinh tăng lên, nhưng đồng thời cũng không để mức sinh xuống quá thấp.
Vì nếu mức sinh xuống quá thấp sau này sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu dân số thiếu nguồn nhân lực, tốc độ già hóa tăng nhanh, không đáp ứng được mục tiêu CNH-HĐH đất nước.
Điều chỉnh sao cho chuẩn “cán cân dân số” là sự băn khoăn của nhiều người bởi, kinh nghiệm nhiều nước cho thấy khi dân số đã trượt xuống sự giảm sâu thì rất khó để đảo ngược.
Việt Nam hiện nay trung bình mỗi phụ nữ vẫn ở mức sinh là 2 con, nhưng người dân đang có xu hướng ít sinh con hơn. Mức sinh thấp và tiếp tục giảm, lại trong bối cảnh ưa thích con trai, làm trầm trọng hơn sự mất cân bằng giới tính khi sinh.
Nếu năm 2009, tỉ số giới tính khi sinh là 110,6; năm 2012 đã tăng lên 112,2. Năm 2050, Việt Nam đứng trước nguy cơ thừa khoảng 2 - 4 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn.
Bối cảnh trên đặt ra câu hỏi: Liệu có nên tiếp tục chính sách kế hoạch hóa gia định đã đi được chặng đường 50 năm qua? Cũng trong buổi trả lời trên sóng truyền hình quốc gia, ông Dương Quốc Trọng nhấn mạnh rằng:
“Mục tiêu lớn nhất của chiến lược dân số trong thời gian tới không chỉ chú ý đến giảm sinh mà có 5 lĩnh vực ưu tiên. Đó là tập trung nâng cao chất lượng dân số; cải thiện sức khỏe bà mẹ trẻ em; phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng; chủ động điều chỉnh tốc độ tăng dân số; kiểm soát bằng được tỷ số giới tính khi sinh. Mục tiêu quna trọng nhất là tập trung nâng cao chất lượng dân số”.
Theo Quỳnh Anh (Pháp luật VN)