Theo tôi, tụt hạng là hoàn toàn xứng đáng. Thực tế, quy mô thị trường của chúng ta vẫn còn nhỏ, doanh thu dịch vụ và tiêu dùng xã hội không đáng kể.
Thêm vào đó, thể chế kinh tế của ta bất ổn, môi trường kinh doanh không hấp dẫn, lạm phát nhấp nhổm không thể thu hút đầu tư. Chính sách luôn luôn thay đổi, lúc thì thuế 50%, lúc 48%. Đất đai cũng bị “thổi phồng”, không thể thuê mặt bằng bán lẻ được.
Thêm nữa, vấn đề nguồn nhân lực cho công nghệ bán lẻ cũng chưa có. Ngoài ra, vấn đề buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nhiều “kinh khủng”, những người làm ăn chân chính chỉ có “chết”. Nói chung, thị trường bán lẻ đã như một khối “ung nhọt” có thể vỡ lúc nào không biết”.
Là người từng đưa ra ý tưởng kinh doanh siêu thị đầu tiên tại Hà Nội, ông Vũ Vĩnh Phú cực kỳ bức xúc với cách làm ăn cơ hội hiện nay của một số siêu thị. Ông Phú lấy ví dụ, 10 siêu thị cử 10 nhân viên đi mua dầu ăn, cứ mua 1.000 chai dầu thì được thưởng 4 chai. Đấy là cách làm ăn theo kiểu chụp giật, không có chiến lược phát triển. Hơn nữa, tư duy nhiệm kì cũng đang ngày càng “tác oai tác quái”. Ngay cả một số công ty thương mại, lương thực nhà nước “khoe” là có nghìn tỉ nhưng thực tế giúp ích gì cho thị trường đâu. Sốt giá, sốt sữa, sốt gạo… chẳng thấy vai trò bình ổn của họ đâu cả.
“Các nhà bán lẻ lúc nào cũng mang tâm lý “bảo thủ”, trông chờ vào “bầu sữa” bao cấp của xúc tiến thương mại. Hơn nữa, theo tôi, vai trò “nhạc trưởng” của ngành Công Thương quá mờ nhạt. Sở chẳng cần đến Hiệp hội, họ “đi thẳng” vào các siêu thị mà không cần thông qua chúng tôi. Thị trường bán lẻ như “miếng bánh” bị doanh nghiệp nước ngoài xâu xé”, ông Phú bức xúc.
Trao đổi với PV Người đưa tin, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, điều này phản ánh thực tế bức tranh kinh tế của Việt Nam những năm gần đây. Thị trường nhìn chung càng ngày càng khó khăn, tỉ lệ lạm phát cao, thu nhập của người dân giảm, dẫn đến tình trạng sức mua giảm sút một cách rõ rệt, nhất là thị trường bán lẻ. Những khó khăn về kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến người làm công ăn lương.
Riêng số lượng 100.000 doanh nghiệp đóng cửa, phá sản từ năm ngoái đến nay đã đủ minh chứng cho điều đó. “Hàng triệu người giảm thu nhập hoặc mất hẳn thu nhập thì làm sao sức mua khá lên được? Hơn nữa, thị trường bán lẻ trong nước “xuống mạnh” sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp khối kinh doanh, phân phối. Nó cũng tác động xấu đến các doanh nghiệp sản xuất, gây khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường”, chuyên gia này nói.
Cũng theo TS. Phạm Chi Lan, những nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ cảm thấy dè chừng. Một số nhà đầu tư vẫn “hăng hái” như Parkson hay các siêu thị như Lotte chỉ là hạt cát nhỏ giữa sa mạc. Về tương lai, Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn với dân số lớn, trẻ hóa, điều đó tạo thuận lợi cho thị trường bán lẻ. Tuy nhiên, tình hình như thế này chắc chắn họ cũng phải xem lại tốc độ mở rộng ở Việt Nam, nhất là bán lẻ. Thử hỏi mở ra mà không kinh doanh được thì là một tổn thất lớn với họ, không dại gì họ “lao đầu vào”.
Rào cản bảo vệ doanh nghiệp Ông Phạm Tất Thắng, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, thực tế, đây là rào cản cần thiết trong lúc Việt Nam mở cửa thị trường. Việc này nhằm bảo vệ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước xây dựng hệ thống của mình để chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, sớm muộn gì thì rào cản này cũng phải gỡ bỏ theo cam kết gia nhập WTO. Xét về tổng quan, thị trường Việt Nam vẫn là một thị trường đầy tiềm năng. Tuy nhiên, để trở lại với những vị trí cao trong bảng xếp hạng các thị trường bán lẻ hấp dẫn thì cần có nhiều giải pháp động bộ và tích cực. Phải xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh, hấp dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài phát triển. |
P.V