BOT Cai Lậy: Đau ruột thừa, sao mổ buồng trứng?

BOT Cai Lậy: Đau ruột thừa, sao mổ buồng trứng?

Nguyễn Thị Hà

Nguyễn Thị Hà

Thứ 6, 18/08/2017 11:13

Nếu dân được hỏi ý kiến 1 câu trước khi làm dự án BOT thì đã không phải gào thét hàng nghìn câu như bây giờ.

Hơn nửa tháng kể từ ngày trạm thu phí BOT Cai Lậy đi vào hoạt động, những diễn biến được báo chí và dư luận cập nhật theo từng phút. Căng thẳng ngày càng leo thang khi các phương tiện vận tải, các chủ xe đồng tâm đồng lực phản đối bằng nhiều hình thức khác nhau.

Thủ đô Hà Nội mấy ngày qua đều mưa, nếu đi theo Quốc lộ 14 và Quốc lộ 1A phải đi gần 1.700 km mới tới “điểm nóng” Cai Lậy – Tiền Giang.

Thế nhưng, dư luận vẫn đang nóng hơn bao giờ hết, đỉnh điểm là những phát ngôn của Thứ trưởng Bộ GTVT cùng chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy trong buổi họp báo chiều qua như đổ thêm dầu vào lửa.

Trước hết phải xác định rõ, những bức xúc của người dân và dư luận là vị trí đặt trạm thu phí hiện nay – ngay trên Quốc lộ 1 - chứ không phải mức phí 35.000 đồng mỗi lượt.

Chính vì lẽ đó, ngay cả khi Bộ GTVT có đồng ý giảm phí cho mọi phương tiện, miễn phí cho người dân 4 xã địa phương thì vẫn chỉ giống như “đau ruột thừa nhưng lại mổ buồng trứng” mà thôi!

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông có nói, việc đặt trạm thu phí như thế có cả quá trình chuẩn bị rất lâu và không quên khẳng định: “Trạm thu phí Cai Lậy nằm trong phạm vi dự án, căn cứ vào phạm vi tài chính để hoàn vốn”.

Về phía chủ đầu tư, ông Lưu Văn Hào, Phó chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang (BOT Tiền Giang) cho biết: “Trên phương án tài chính thì cả tuyến đường tránh và tuyến đường tăng cường nâng cấp đều nằm trên phạm vi dự án, trạm thu phí được đặt ở đó thì mới khả thi về phương án tài chính. Vị trí đặt trạm thu phí cũng đã được bộ GTVT, bộ Tài chính, UBND tỉnh Tiền Giang đồng thuận”.

Như vậy, việc xác định vị trí đặt trạm theo cả hai bên đều “đúng quy trình”, thế nhưng từ trước đến nay, chúng ta đã bỏ qua bên liên quan nhiều nhất, đó chính là người dân.

Không chỉ có BOT Cai Lậy, việc xây cầu Hạc Trì – Phú Thọ, việc đặt trạm ngay giữa thị trấn Lương Sơn – Hòa Bình, trạm BOT Bến Thủy – Nghệ An,… liệu đã có phương án tài chính nào có ý kiến của người dân?

Dân là người đóng phí để hoàn vốn cho dự án BOT, dân là người lưu thông qua trạm mỗi ngày, mỗi giờ.

Nếu dân không đồng thuận, dân không lưu thông, dân không trả phí thì kể cả Bộ GTVT, bộ Tài chính, UBND tỉnh Tiền Giang có “đúng quy trình” thế nào đi chăng nữa, phương án tài chính có hoàn hảo ra sao thì cũng sẽ phá sản!

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.