Khi tình trạng tắc đường đang diễn ra thường xuyên tại các thành phố lớn thì một giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc ấy luôn được nhiều người trông ngóng.
Thời gian gần đây, sự quan tâm của mọi người đang dành cho ý tưởng làm cáp treo kết nối công viên Gia Định với sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh). Rất nhiều ý kiến trái chiều đã được đặt ra.
Người đề xuất ý tưởng này thì cho rằng, đây là giải pháp góp phần giải quyết kẹt xe khu vực sân bay với chi phí thấp và hiệu quả. Tùy theo nhu cầu, hệ thống cáp treo có thể vận chuyển từ 3.000 - 4.500 lượt khách mỗi giờ.
Còn về phía chuyên gia, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP. Hà Nội thì cho rằng đây là giải pháp “hơi vô lý”.
Phóng viên: Trước khi có những đánh giá về giải pháp này, ông có thể cho độc giả biết, cáp treo thường được làm ở những khu vực như thế nào?
Ông Bùi Danh Liên: Cáp treo thường phục vụ cho nơi đèo sâu, núi cao, những nơi không thể làm đường, làm cầu vượt được thì con người làm cáp treo. Việt Nam cũng đã làm thành công cáp treo ở nơi được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương” – Đỉnh Fansipan. Rõ ràng phải xuất phát từ hạ tầng không đi được mới dùng cáp.
Phóng viên: Dựa trên những sự phân tích này của mình, ông nhận định như thế nào về vị trí địa lí từ công viên Gia Định vào sân bay Tân Sơn Nhất nói riêng cũng như ở TP. Hồ Chí Minh nói chung?
Ông Bùi Danh Liên: Đường từ nội thành vào sân bay không quá xa, đi theo đường chim bay thì tương đối gần.
TP. Hồ Chí Minh là thành phố có nhiều nhà cao tầng, dân cư đông đúc mà làm cáp treo thì không khoa học. Với dân đang sinh hoạt bình thường trên đường bộ, họ đi xe máy, đi ô tô giờ bảo đi cáp treo vào sân bay tôi thấy không ổn.
Phóng viên: Vậy ông có những đánh giá như thế nào về giải pháp này?
Ông Bùi Danh Liên: Làm đường trên không để phục vụ con đường trên không; đường đi trên mặt đất nâng cao để phục vụ đường đi trên không tôi thấy hơi phản cảm.
Tôi không thể hiểu hết ý tưởng của giải pháp này. Sự tưởng tượng hơi viển vông nên sẽ không nhận được sự đồng tình của dư luận.
Trong thành phố, người ta chỉ đi đường sắt trên cao hoặc tàu điện ngầm chứ không ai làm cáp treo. Vì vậy, tôi thấy đây là giải pháp vô lý. Mỗi giải pháp đưa ra phải sát thực với cuộc sống thì sẽ được đông đảo người dân ủng hộ.
Nhưng chúng ta cũng phải hoan nghênh những người đưa ra ý tưởng, giải pháp để giúp các nhà lãnh đạo, những người hoạch định chính sách có thêm những lựa chọn. Dù giải pháp ấy có thành công hay không thì cũng đáng được ghi nhận.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông.
Nguyễn Huệ