Làm đường 2 lần để cho xe bus nhanh chạy bon bon

Làm đường 2 lần để cho xe bus nhanh chạy bon bon

Thứ 4, 17/07/2013 09:33

Quyết định bỏ ra đầu tư 49 triệu USD bóc lớp nhựa mới tinh toàn tuyến từ bến xe Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa để thay thế bằng bê tông phục vụ xe bus nhanh 'cho thấy một sự bất cập và khá lãng phí'.

Hiện tuyến xe buýt vận chuyển hành khách dài 14 km có điểm đầu ở bến xe Kim Mã, qua Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương kéo dài - Lê Trọng Tấn - Quang Trung - Ba La - và điểm cuối là bến xe Yên Nghĩa đang được quây rào chắn để thi công.

Việt Nam Xanh - Làm đường 2 lần để cho xe bus nhanh chạy bon bon

Một cảnh bừa bộn trước công trình làm đường xe bus nhanh. Ảnh Đoàn Tân.

Đây là hạng mục thuộc hợp phần xây dựng xe buýt vận chuyển nhanh khối lượng lớn (thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội). Một số hạng mục đường của xe buýt nhanh tại Ba La, Lê Văn Lương đã và đang được thi công, Trung tâm điều hành giao thông tại Bến xe Kim Mã đã được khởi công.

Theo ghi nhận của Người đưa tin, nhiều đoạn trên đường Lê Văn Lương đã được đơn vị thi công hoàn tất. Suốt con đường này, nhiều hạng mục vẫn đang được đơn vị thi công hoàn thành và đang được chủ đầu tư quây tôn lại để bóc các lớp nhựa còn gần như mới tinh. Các phương tiện di chuyển qua đoạn đường này khá khó khăn.

Việt Nam Xanh - Làm đường 2 lần để cho xe bus nhanh chạy bon bon  (Hình 2).

Từng mảng đường nhựa còn mới tinh bị bóc lên để thay thế đường bê tông.

Quá trình triển khai này gặp nhiều ý kiến trái chiều của người dân. Theo phỏng vấn nhanh của Người đưa tin tại khu vực đường Lê Văn Lương, nhiều lái xe tỏ ra khó chịu bởi tình trạng ùn tắc vào các giờ cao điểm.

Theo tài xế Đ.Q.P (Hà Nội) chia sẻ, đoạn đường vốn đã nhỏ, từ ngày triển khai quây rào chắn xây dựng hạng mục này, đường thắt lại, sáng nào tôi cũng bị trễ giờ làm vì cứ đến đoạn này là bị nghẽn đường. Chẳng biết khi hạng mục hoàn thành tình trạng này có cải thiện được không.

Nhiều người dân trong khu vực tỏ ra khá băn khoăn trước quyết định lạ kỳ này của Sở giao thông vận tải (SGTVT) Hà Nội, vì chẳng hiểu thế nào, đang yên đang lành lại đem con đường nhựa bằng phẳng và chưa xuống cấp này ra “mổ”. Và liệu mặt đường bê tông có ổn hơn đường nhựa hay không.

Việt Nam Xanh - Làm đường 2 lần để cho xe bus nhanh chạy bon bon  (Hình 3).

Đá, cát, các cục bê tông lớn được vất ngổn ngang. Ảnh: Đoàn Tân

“Mình sống ở đây bao nhiêu năm, thấy con đường này chưa hề bị xuống cấp, mặt đường khá đẹp, xe lưu thông êm ái. Thay bằng bê tông chắc các ông ấy định phá đường đẹp xây đường xấu hay sao. Chẳng biết họ nghĩ thế nào mà lại đi thay thế đường bê tông thành đường nhựa. Có khi sáng tạo của ông ấy lại là hậu quả của người dân”, anh Phú, một người dân trong khu vực băn khoăn.

Để trả lời những thắc mắc này, Sở GTVT Hà Nội (chủ đầu tư), Dự án phát triển GTĐT Hà Nội bào chữa là do thiết kế đường nhựa mỏng và dễ lún khi có phương tiện khối lớn thường xuyên chạy qua nên để phục vụ được buýt nhanh, khối lượng lớn mặt đường phải được làm bằng chất liệu bê tông. Do vậy một phần mặt đường nhựa hai chiều trên đường Lê Văn Lương (phần tiếp giáp với dải phân cách giữa) được bóc ra để thảm bê tông.

Việt Nam Xanh - Làm đường 2 lần để cho xe bus nhanh chạy bon bon  (Hình 4).

Người dân trong khu vực, lưu thông kêu khổ. Ảnh Đoàn Tân

Việc giải thích có phần ấu trĩ này vấp phải ý phản đối của nhiều chuyên gia và những người làm trong ngành xây dựng. Bởi theo ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, việc bóc đường cũ vẫn còn sử dụng tốt để thay thế đường mới chứng tỏ “quy hoạch có vấn đề”.

Cũng theo ông Liêm, nhược điểm của mặt đường bê tông là co giãn nên phải có nhiều điểm nối, điều đó khiến cho mặt đường không được êm trong quá trình phương tiện lưu thông. Hơn nữa việc quy hoạch không có quy củ này dẫn đến dự án chồng dự án đã gây ra sự lãng phí lớn cho xã hội.

Việt Nam Xanh - Làm đường 2 lần để cho xe bus nhanh chạy bon bon  (Hình 5).

Cảnh đào bới thường thấy từ khi triển khai dự án xe bus nhanh. Ảnh Đoàn Tân

Ngay khi dự án được triển khai, một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho hay, Dự án Phát triển GTĐT Hà Nội trong đó có hợp phần: Nâng cao năng lực vận chuyển hành khách bằng xe buýt nhanh được UBND TP Hà Nội triển khai từ năm 2006 với tuyến đường Lê Văn Lương và Lê Văn Lương kéo dài sau này mới xây dựng nhưng đến nay mặt đường ở đây vẫn phải đào lên để đổ bê tông làm đường xe buýt nhanh là 'quá lãng phí và quy hoạch thiếu tầm nhìn của Hà Nội'.

Tuấn Nghĩa

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.