Làm giàu bất chính, tàn phá rừng già

Làm giàu bất chính, tàn phá rừng già

Thứ 5, 27/12/2012 23:47

Các khu rừng có gỗ sưa lâu năm không lúc nào bình yên vì nạn "lâm tặc" săn lùng, đào xới.

Theo các chuyên gia về lâm nghiệp, Việt Nam có hệ sinh thái rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú, đa dạng, nhiều tầng nhiều lớp với nhiều loại gỗ quý hiếm. Điều đó đồng nghĩa, một loài cây hay loài vật nào đó mất đi trong khu rừng sẽ dẫn đến sự thay đổi về cấu trúc thảm thực vật nơi ấy. Những cây sưa lớn nhỏ trong rừng sâu bị lâm tặc nhòm ngó vì giá trị kinh tế quá lớn.

Hiện nay, trên thế giới, hiếm có loại gỗ nào mà được giới thương lái mua bằng kí, thậm chí bằng lạng với giá đắt đỏ như gỗ sưa. Chính vì thế, trong các khu rừng sâu tưởng chừng yên tĩnh lại nhộn nhịp bởi bọn "lâm tặc" lùng sưa.

Xã hội - Làm giàu bất chính, tàn phá rừng già

Những cây sưa trồng ở đường phố cũng là đối tượng mà “sưa tặc” ngắm tới

Đã từ lâu, những cánh rừng ở gần biên giới với Trung Quốc như Lạng Sơn, Yên Bái, Vĩnh Phúc… gỗ sưa gần như không còn tồn tại, do sự săn lùng không mệt mỏi của bọn "sưa tặc". Khi gỗ sưa ở các tỉnh phía Bắc ngày càng hiếm gặp, thậm chí biến mất trong rừng thì cơn sốt gỗ sưa từ từ di chuyển và ngày càng nóng lên ở những cách rừng ở miền Trung và gần đây là các tỉnh Tây Nguyên xa xôi. Những dân cư ngày thường hiền lành bỗng chốc vào rừng săn gỗ sưa mong đổi đời và cũng bỗng nhiên trở thành "lâm tặc". Những chuyện sứt đầu mẻ trán, đổ máu giữa rừng già, thậm chí có người còn mất mạng sống vì tranh giành gỗ sưa không phải là chuyện hiếm.

Nhiều người dân ở khu vực gần cửa rừng ở Tây Nguyên cho biết, những cây sưa xanh tốt, lâu năm đã nhanh chóng bị lâm tặc phát hiện sau đó đốn hạ đưa ra khỏi rừng, hiện nay chỉ trong những thung lũng xa thì may ra còn loại cây này, nhưng trong tương lai không xa thì chưa chắc chúng được bình yên. Còn lại những cây gỗ bị vùi lấp, gãy đổ qua thời gian nằm dưới những con sông cạn hay bờ suối cũng không thoát khỏi số phận. Bọn "lâm tặc" xới tung khu rừng để tìm những cây sưa bị vùi lấp dưới đất đá, bùn lầy.

Không những dùng cuốc xẻng, nhiều người còn đầu tư máy xúc, máy ủi đi tìm vận may nơi núi rừng, khiến cho những con sông dòng suối bị biến dạng. Trên thực tế có một số người đã phát lên nhờ trúng gỗ sưa nhưng những cách rừng không còn nguyên vẹn vì tác động ngày càng thô bạo của con người vào thiên nhiên.

Với trường hợp của cây gỗ sưa, GS.TS Nguyễn Lân Dũng - chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam cho biết, không chỉ một mình gỗ sưa mà sẽ có rất nhiều loại cây khác cần được bảo vệ vì lọt vào tầm ngắm của lâm tặc, những kẻ bất chấp pháp luật để làm giàu. Vì vậy, cần có biện pháp đồng bộ từ các ban ngành để có bảo vệ phù hợp, tránh tình trạng cơn sốt ảo về gỗ sưa như hiện nay.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng, dưới góc độ quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng, việc khai thác ồ ạt gỗ sưa hiện nay có thể là thảm họa cho môi trường sinh thái rừng. Tuy nhiên, về mặt quản lí nhà nước trách nhiệm thuộc về ngành kiểm lâm.

Trung Nguyên


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.