Chọn Gò Mọi làm căn cứ, duy trì hoạt động, Lâm Trung Trại một thời từng khiến thực dân Pháp khuynh đảo. Tuy nhiên, cho đến nay, còn ít tài liệu đề cập đến nguồn gốc và sự hình thành hội kín anh hùng này.
Anh hùng Lương Sơn Bạc đất Biên Hòa
Sau Hiệp ước Pa-tơ-nốt (năm 1884), giai cấp phong kiến lúc bấy giờ tiếp tục ra lệnh bãi binh trên toàn quốc. Nhưng chính sách trên không ngăn cản được lòng yêu nước căm thù giặc của những người yêu nước. Các phong trào yêu nước vẫn tiếp tục phát triển một cách bí mật. Dù đấu tranh kiên cường và gặt hái một số thành công nhưng các phong trào trên đều bị thất bại. Và sự thất bại đã đẩy các phong trào yêu nước vào những hội kín được gọi là Thiên Địa hội.
Theo các tài liệu lịch sử, Thiên Địa hội vốn xuất phát từ Bạch Liên Giáo của Trung Quốc vào thời kỳ Mãn Thanh. Trong nội bộ giáo phái này, có nhiều chi phái mượn màu sắc tôn giáo, lợi dụng sự mê tín của Hán tộc với mục đích khuynh đảo nhà Thanh. Thiên Địa hội bắt đầu "vượt biên" vào nước ta từ đầu thế kỷ XIX do Hà Hỉ Văn đứng đầu. Người này tiếp tục nuôi chí phản Thanh, phục Minh.
Tuy nhiên, sự tuyên truyền của Thiên Địa hội tại Việt Nam bị ngăn cấm rất khắt khe. Thời Pháp thuộc, thực dân đế quốc mạnh tay trong việc ngăn chặn sự phát triển của các hội kín. Rồi, Thiên Địa hội dần lui vào quên lãng. Tuy nhiên, sau này, lòng yêu nước, tinh thần chống giặc ngoại xâm của những chí sĩ yêu nước lại vùng dậy. Họ hoạt động chống giặc theo kiểu Thiên Địa hội.
Trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, đất Đồng Nai xưa cũng hưởng ứng phong trào yêu nước của Thiên Địa hội dưới một tổ chức có tên Lâm Trung Trại. Kể lại chuyện của những anh hùng thời loạn, các bậc cao niên ngụ quanh khu vực chùa Bửu Hưng cho biết, Lâm Trung Trại là nơi tập trung của những bậc anh hùng, hảo hán thời loạn lạc. Các bậc cao niên cũng chỉ được nghe ông cha kể về họ như một huyền thoại về các anh hùng Lương Sơn Bạc bên Tàu.
Theo các tài liệu lịch sử, Lâm Trung Trại là nơi tụ nghĩa của các bậc anh hùng, ái quốc. Tác giả Lương Văn Lựu trong tác phẩm Biên Hòa lược sử đã viết: "Dân Biên Hòa cũng hưởng ứng phong trào chống Pháp của Thiên Địa hội. Rất nhiều các tay anh chị, hảo hán ở nông thôn, võ nghệ tinh thông, đầy lòng hào hiệp, không nặng tình cảm gia đình kết hợp nhau thành một đảng lấy hiệu danh riêng là Lâm Trung Trại".
Cũng theo tài liệu, Lâm Trung Trại chọn núi Gò Mọi thuộc xã Đại An (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), nơi có địa hình hiểm trở, dễ thủ khó công làm căn cứ. Hơn thế, sinh sống tại Gò Mọi chỉ toàn những dân tộc thiểu số nên giặc Pháp không để ý. Đây được coi là một căn cứ lí tưởng. Về công có thể dùng thủy binh theo ngọn Rạch Đông ra Biên Hòa, thủ có thể dựa vào rừng núi theo thế ỷ dốc.
Ngọn Rạch Đông, có tính chất như một tuyến giao thông huyết mạch của Lâm Trung Trại.
Thành phần đứng đầu của nghĩa quân được tuyển chọn theo tiêu chuẩn: Uy tín, đức độ tài năng, võ thuật và văn hóa. Ban đầu, đứng ra sáng lập Lâm Trung Trại có 18 vị được người dân xưng tụng là "anh hùng" gồm: Năm Hi, Ba Hổ, Ba Hầu, Hai Lựu, Bảy Đen, Sáu Huyền, Ba Vạn, Hai Danh, Bảy Phát, Tám Tâm, Hai Mạnh, Ba Thứ, Năm Thanh, Ba Nghi, Tư Rùa, Hai Sở, Mười Lợi, Hai Cầm. Ông Năm Hi được chọn làm lãnh đạo trại, dưới trướng là gồm 9 thành viên đều là những anh hùng, hảo hán lừng danh một cõi.
Theo tác giả Lương Văn Lựu, ngoài tài võ nghệ, văn chương hơn đời, Năm Hi còn giỏi về thuật số, chiêm tinh. Với những thành tích trên, Năm Hi được tín nhiệm ngồi ghế đầu lĩnh Lâm Trung Trại. Dưới trướng của ông có Ba Hầu, nổi tiếng can trường vì căm phẫn sự áp bức của thực dân Pháp đã từ giã gia đình, từ chức Hương hào, gia nhập trại Lâm Trung bằng câu nói bất hủ: "Ta sinh vi tướng, tử vi thần".
Một nhân vật khác được ví như Võ Tòng của Lâm Trung Trại là Tư Hổ. Người này được ghi nhận là một tay kiếm cung bậc nhất thời bấy giờ. Được biết, Tư Hổ chính là đệ tử trân truyền của Võ sư Chung, một đạo sĩ được dân chúng suy tôn là Phật sống trên núi Gò Mọi. Người xưa còn truyền lại sự kiện khiến ai cũng phải thán phục. Ngày ấy, một mình Tư Hổ vượt tường lẻn vào nhà làng Tân Trạch (nơi lính Pháp giam giữ thanh niên Biên Hòa làm lính đánh thuê trong thế chiến thứ 2) kết liễu tên Việt gian khét tiếng với tuyệt kỹ Tỏa hầu cầm nã thủ (một tuyệt kỹ võ công dùng 3 ngón tay bóp đứt cuống họng đối thủ), giải thoát nhiều thanh niên bị giam hãm.
Những ám hiệu bí mật
Trong sự bố ráp nghiêm ngặt của thực dân Pháp, Lâm Trung Trại phải duy trì hoạt động bí mật bằng hệ thống ám hiệu, mật khẩu khác nhau, chủ yếu theo cách của Thiên Địa hội trước kia. Đó là thông qua hệ thống khẩu hiệu bằng thể ca dao. Các mật khẩu này chỉ được phổ biến trong nội bộ thành viên trại.
Ngoài ra, để tiếp xúc với các thành viên của trại ẩn thân trong làng, ấp, họ còn dùng mật hiệu là cây dù vải cán có hình móc câu. Đây là vật bất ly thân đối với người đàn ông thời bấy giờ. Chính sự phổ biến của những mật khẩu trên đã đánh lạc hướng, qua mặt được bọn tay sai, giặc cướp nước. "Khách đến nhà tùy cách móc dù trên cánh cửa mà chủ nhà nhận ra "đồng chí" và biết rõ ý hướng của mỗi người", tài liệu của Lương Văn Lựu có nhắc đến vấn đề này.
Theo đó, nếu chiếc dù được móc bên trái cửa sẽ báo hiệu khách chính là thành viên của trại. Chiếc dù được móc bên phải so với cửa chính cũng là mật hiệu cho biết khách đang có việc cơ mật cần bàn, báo hiệu chủ nhà phải nhanh chuẩn bị địa điểm, thời gian để họp bàn. Hay móc cán dù xoay trở ra ngoài cửa, báo hiệu khách chỉ ghé qua và không có việc cơ mật. Ngược lại, nếu cán dù được quay móc câu vào trong nhà, báo hiệu khách cần lưu lại nhà hoạt động lâu dài. Gia chủ cần đảm bảo mọi mặt từ an ninh đến việc tổ chức liên lạc, hoạt động bí mật trong địa phương.
Ngoài ra, cách hóa trang cũng là mật hiệu quen thuộc của các thành viên. Nếu các thành viên xắn quần ống thấp ống cao tức là giặc đã phát hiện căn cứ. Chúng chuẩn bị bố ráp, căn cứ cần phải nhanh chóng di chuyển. Việc phơi, treo đồ, khăn, vải có màu đỏ trước nhà cũng được xem như dấu hiệu của việc trong khu vực hoạt động sắp có giặc hành quân, có tay sai giặc ẩn mình...
Theo lời kể của nhiều bậc cao niên tại đây, Lâm Trung Trại còn sử dụng nhiều hệ thống ám, mật hiệu, mật mã khác nữa. Nhưng vì điều kiện sử dụng bí mật nên chỉ những người quan trọng mới được biết. Hơn nữa thời gian quá lâu nên những mật hiệu kia gần như đã không còn ai nhớ. Hiện chỉ còn vài người nhớ được ít mật hiệu dưới dạng những bài ca dao, vè như: "Quần xắn ống thấp ống cao. Bộ đi vội vã, có tàu của Tây" hay "Dù máng bên tả - Đảng viên. Đi việc cơ mật nói riêng chủ nhà",...
Theo lời kể của người cao tuổi thì lúc mới thành lập, vũ khí trong trại hết sức thô sơ, lạc hậu. Họ chủ yếu sử dụng các loại đao kiếm, cung tên, giáo mác. Về sau, theo chủ trương hiện đại hóa vũ khí của đầu lĩnh Năm Hi, trại cũng trang bị được một số súng, thậm chí có những loại súng hiện đại từ tay thực dân Pháp.
Cụ Huỳnh Hoàng Tín, 78 tuổi ngụ phường Quang Vinh, TP. Biên Hòa kể: "Tôi nghe những người đi trước kể rằng để có súng tốt, các thành viên trong Lâm Trung Trại đã trà trộn vào dân ấp, mở quán nước, quán chè, quán cháo rồi cho những cô gái đẹp đứng bán. Đó chính là mỹ nhân kế của trại. Phần lớn số súng của trại đều được trại đoạt lấy khi các cô gái tri hô trước sự "háo sắc" của bọn giặc. Số khác, Lâm Trung Trại tìm cách lén mua lại từ kho vũ khí của giặc qua những tên quản kho háo sắc, háo vàng".
Được tôn vinh là những anh hùng, hào kiệt, mang trên vai trọng trách cứu nước, tổ chức Lâm Trung Trại được người dân nhiệt tình ủng hộ. Không bao lâu sau, số thành viên trong trại nhanh chóng tăng vọt. Số người về tụ nghĩa không ngừng nhân rộng. Từ đây, Lâm Trung Trại bắt đầu định hướng cho mình trên con đường cứu nước còn quá nhiều chông gai.
"Lò luyện"tinh thần yêu nước Vì là nơi tụ nghĩa của những hào kiệt có khí phách và tinh thông võ nghệ với mục đích thoát khỏi xiềng xích nô lệ, Lâm Trung Trại từng được người dân xứ Biên Hòa xưa xem như Lương Sơn Bạc của đất Đồng Nai. Dẫu đấu tranh một cách tự giác, tự phát bằng những trang bị thô sơ, Lâm Trung Trại cũng là nơi vực dậy tinh thần quật cường, lòng yêu nước, kiên quyết đấu tranh đòi quyền tự do của người dân Đồng Nai. |
Hà Nguyễn - Ngọc Lài
Kỳ 2: Những trận đánh bi hùng của các hảo hán Lâm Trung Trại