Theo ông, lãng phí chất xám còn là ở trong một cơ quan, có nhiều người có trình độ cao, chuyên môn giỏi nhưng không được bố trí công việc đúng với khả năng. Đó là chưa kể các nhà khoa học làm quản lý, rất nhiều năm không có công trình khoa học nào, dù hàng ngày đối diện với không ít những vấn đề đáng trăn trở.
Ảnh minh họa
Nhiều dự án, đầu tư bằng tiền Nhà nước thì nông dân làm, hết tiền đầu tư dự án cũng chấm hết. Đó là không ít dự án dành cho nông dân như trồng nấm, làm bể khí sinh học, trồng rau an toàn...
Chương trình nghiên cứu khoa học chỉ chạy theo cái mình học được từ nước ngoài, không bắt nguồn từ sự đòi hỏi của thực tiễn đời sống. Nhiều dự án không thiết thực, chẳng hạn khi nghĩ đến sự thay đổi nông thôn bằng công nghệ sinh học, vậy là tỉnh nào cũng có phòng nuôi cấy mô. Chả biết nuôi cái gì, đành trồng Phong lan(!). Nhưng chẳng bao lâu thì một loạt phòng nuôi cấy mô cũng đã đóng cửa gần hết.
Đó còn là tình trạng khá phổ biến ở nông thôn. Do chúng ta thiếu những cán bộ giỏi phục vụ cho việc xây dựng nông thôn mới. Điều này cho thấy khâu đào tạo nguồn nhân lực hiện nay vừa thừa và lại rất thiếu. Chúng ta đang lúng túng trong khâu đào tạo. Đào tạo không theo địa chỉ, không có mục tiêu rõ rệt, không đúng đối tượng. Để xây dựng nông thôn mới, chúng ta đang thiếu những cán bộ giỏi có tri thức.
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng.
Trong khi mỗi thôn, mỗi xã có số lượng dân chúng đông như hàng trung đoàn, sư đoàn. Người chỉ huy đâu có dễ dàng gì? Chúng ta đào tạo bác sỹ thú y nhưng chỉ đi...thụ tinh nhân tạo, chỉ biết bốn loại "bệnh đỏ", vì trong tay họ có phương tiện gì đâu? Khác hẳn các phòng khám chữa bệnh thú y ở các nước phát triển, dù rằng số bác sĩ thú y họ đào tạo ra hàng năm rất ít. Đào tạo kỹ sư trồng trọt mà trình độ không hơn những lão nông tri điền, cho nên chỉ làm "tay sai" cho cán bộ huyện, sở. Chỉ biết đi truyền đạt chủ trương hoặc thu thập số liệu cho lãnh đào phòng Nông nghiệp huyện hay sở NN&PTNT mà thôi. Nhà nước cũng đã bỏ rất nhiều khoản tiền khổng lồ để đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, nhưng dậy cái gì thiết thực để người ta ly nông, không ly hương?
Chúng ta đào tạo theo kiểu có gì dạy đó, mà không cần biết nhu cầu thực tế xã hội cần cái gì và người học xong có triển khai được không (may mặc, sửa ô tô, xe máy, nghề mộc, nghề thêu...). Những dự án đào tạo nghề này mất rất nhiều tiền nhưng không hiệu quả gì cả.
Ở ta kinh phí đầu tư dàn trải và nhỏ giọt thì làm sao mong có được những bứt phá trong khoa học và công nghệ? Chỉ nói như viện Vi sinh vật và CNSH, tuy mới chỉ được đầu tư khoảng 35 triệu USD nhưng đã tạo ra được một sự thay đổi hoàn toàn trong chất lượng nghiên cứu khoa học. Hàng năm, các chuyên gia Nhật Bản đủ tin cậy và đủ điều kiện đến, cùng làm việc hàng tháng trời và cán bộ trẻ được cử sang Nhật trao đổi khá thường xuyên. Chúng tôi, cũng đã đủ năng lực công bố với thế giới các loài vi sinh vật mới, được tìm thấy ở Việt Nam.
Trong khi tiền ngân sách đầu tư cho KHCN là 700 triệu USD, một con số thật quá lớn, nếu biết đầu tư tập trung cho các mũi nhọn khoa học thì sao không giải quyết nổi các vấn đề lớn lao đang cần tháo gỡ bằng khoa học. Nhiều công trình nghiên cứu xong chả biết dùng để làm gì. Sau khi nghiệm thu chỉ để đăng trên vài tạp chí rất ít người xem hoặc cất hết vào kho lưu trữ.
Hay một lãng phí cực lớn đó là lấy đất nông nghiệp làm khu công nghiệp, khu chế xuất, sân golf. Các tỉnh chạy theo GDP, trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư, nhẫn tâm bê tông hóa hay cỏ hóa toàn những "bờ xôi, ruộng mật" bám sát dọc các đường quốc lộ, bây giờ là đến tỉnh lộ, rồi tiến tới huyện lộ. Cùng với đó, đất nông nghiệp mất đi rất nhiều, chưa kể đến quy hoạch khu công nghiệp, khu đô thị, sân golf song không triển khai để hoang phí trong nhiều năm. Tôi đã mạnh dạn nói ở Quốc hội: "Ai chưa hiểu nổi khái niệm cấu tượng của đất canh tác thì đừng nên làm cán bộ quy hoạch ruộng đất".
Chúng ta không tự nhìn nhận, đánh giá lại những lãng phí to lớn đang kìm hãm sự phát triển của đất nước. Hậu quả nhãn tiền là nguồn tài nguyên, nhân lực, vật lực đang bị lãng phí rất lớn. Đấy là chưa kể đến việc nước ta được coi là một trong năm nước có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn nhất của các kịch bản biến đổi khí hậu. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có nguy cơ ngập lụt hoặc mặn hóa trên diện tích lớn. Dân số lại đang tăng thêm mỗi năm khoảng 1 triệu người. Nhẽ nào sẽ đến lúc con cháu chúng ta phải... nhập khẩu lương thực?
Ngay, chuyện xuất khẩu gạo đứng nhất nhì thế giới, vinh quang thật, nhưng hiệu quả kinh tế đến đâu, trong khi phải bỏ biết bao ngoại tệ để mỗi năm nhập khẩu 3 triệu tấn đậu tương và 1,5 triệu tấn ngô dành cho phát triển chăn nuôi. Có ai dám kiến nghị dành bớt diện tích trồng lúa để trồng ngô hay đậu tương không?
“Bên cạnh đó còn là sự lãng phí rất lớn trong các dự án đầu tư công chưa được thẩm định kỹ lưỡng, thiếu sự lắng nghe ý kiến phản biện của tầng lớp trí thức. Chẳng hạn như dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam, khai thác bô-xít, mở rộng Hà Nội... Nhà nước dồn tiền của nghiên cứu, bao nhiêu đoàn công tác ra nước ngoài khảo sát tình hình, chi phí tốn kém nhưng bây giờ đã đủ thấy có biết bao nhiêu hạn chế, những chuyện mà trước đây các nhà khoa học đã dự báo”. |
Minh Khánh (thực hiện)