Lao động nước ngoài “chui” tràn lan do đâu?

Lao động nước ngoài “chui” tràn lan do đâu?

Thứ 5, 27/12/2012 23:51

– Thời gian qua, hiện tượng lao động nước ngoài "chui" diễn ra một cách tràn lan, thiếu kiểm soát. Một trong những nguyên nhân của sự việc này theo một số chuyên gia là do việc quản lý lao động phổ thông nước ngoài còn lỏng lẻo.

Dư luận chưa hết bức xúc trước việc chính quyền tỉnh Khánh Hòa để người Trung Quốc nuôi cá, tôm ở khu vực cảng nhạy cảm thì tại nghị trường Quốc hội mới đây lại vừa nóng lên tình trạng lao động nước ngoài “chui” thả sức “lấn lướt” lao động Việt Nam tại nhiều khu vực có nhà đầu tư, nhà thầu Trung Quốc hoạt động. Điều đó đã gây bức xúc cho người lao động và dư luận địa phương. Vậy, nguyên nhân này do đâu, trách nhiệm thuộc về cơ quan nào được nhiều chuyên gia đưa ra mổ xẻ, phân tích.

Bất động sản - Lao động nước ngoài “chui” tràn lan do đâu?

Lao động nước ngoài làm việc không phép gia tăng nhanh trong thời gian gần đây (Ảnh minh họa)

Khó “cạnh tranh” trên sân nhà

Hằng năm, có hàng trăm ngàn người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc. Nhìn vào số liệu đó, chắc hẳn người ta nghĩ ngay đến việc do Việt Nam thiếu việc cho nên mới phải xuất khẩu lao động. Thực tế không phải vậy. Tại các dự án mà doanh nghiệp nước ngoài trúng thầu, làm chủ đầu tư thì lao động phổ thông người nước ngoài cũng gia tăng chóng mặt. Có ý kiến cho rằng, chủ đầu tư, nhà thầu có quyền tự thuê lao động, chính quyền địa phương khó có thể ép họ phải sử dụng lao động bản địa. Một giả thiết nữa là nhân công nước ngoài rẻ hơn, kỷ luật, trình độ tốt hơn?

Bác Hoàng Thái Đức (Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) cho rằng: Đó chỉ là sự biện minh cho việc cơ quan quản lý nhà nước về lao động nước ngoài, yếu kém về chuyên môn, không thường xuyên rà soát, kiểm tra để có quá nhiều lao động nước ngoài “chui”, ảnh hưởng đến trật tự an ninh của người dân quanh dự án. Bác Đức khẳng định: Lao động Việt Nam vốn được biết đến là chăm chỉ, chịu khó, sáng tạo. Đó cũng là điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam mà không phải là các nước khác. Ai nói thuê lao động Trung Quốc rẻ hơn, thì cần phải xem xét lại. “ Tôi cho rằng, lý do các chủ lao động thuê lao động nước ngoài này là để dễ “trị”. Phần lớn trong số họ là lao động “chui”. Chính vì thế họ có tâm lý sợ bị đuổi việc nên thường chấp nhận nhiều điều kiện. Thuê lao động phổ thông nước ngoài, chủ sử dụng cũng sẽ cắt xén được nhiều khoản chi và những phát sinh không cần thiết. Còn thuê lao động Việt Nam họ phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe theo quy định của pháp luật Việt Nam về các chế độ lương, bảo hiểm xã hội…”. Qua tìm hiểu của PV, ở một số doanh nghiệp, cùng một vị trí việc làm, lương của lao động Trung Quốc thường cao hơn lương lao động bản địa.Thế nên, giải thích thuê nhân công nước ngoài rẻ hơn xem ra thiếu chính xác.

Thực tế, theo quy mô của nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1 (đã vận hành), với quy mô bốn tổ máy có công suất 300 MW/tổ máy. Để hoàn thành đúng tiến độ, số lượng công nhân có mặt trên công trường phải luôn đảm bảo ở con số 4.000 lao động. Điều đó sẽ giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động tại địa phương. Song, thực trạng lại không phải như vậy. Thời kỳ cao điểm, tại Thủy Nguyên có tới trên 2.000 lao động Trung Quốc sang làm việc tại công trường như: đào đất, phụ hồ, mang vác... Cao điểm, có thời gian, người lao động Trung Quốc lên tới 3.000. Sự áp đảo này làm cho lao động Việt Nam lao đao tìm việc ngay trên chính mảnh đất của quê hương mình.

Nên phân loại để xử lý

Ông Trần Ngọc Vinh, phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng, một trong những địa phương có số lượng người lao động phổ thông nước ngoài “chui” lớn nhất nước, phân tích: Cơ quan chức năng Việt Nam hiện đang rất lỏng lẻo trong quản lý lao động nước ngoài, nhất là lao động phổ thông. Ngay kể cả Bộ luật Lao động cũng thiếu những quy định rõ ràng về nội dung này. Nếu đó là những chuyên gia, kỹ sư, trí thức đến Việt Nam làm việc, chúng ta hoàn toàn hoan nghêng và có những lời mời trân trọng. Còn lao động phổ thông, thì quả thực, cần phải xe xét lại. Việt Nam xuất khẩu lao động phổ thông rất nhiều, trong khi đó những công việc trong nước lại để cho người nước ngoài đến Việt Nam làm việc “chui”.

Người nước ngoài đến Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau như qua đường tiểu ngạch, buôn bán, du lịch, thăm thân nhân... Họ đến rồi đi theo sự sắp đặt của nhà thầu - chủ sử dụng lao động – mà không trực tiếp qua Sở LĐ, TB &XH ở địa phương nộp hồ sơ xin cấp giấy phép lao động. Một số trường hợp, giấy phép hết hạn nhưng không xin cấp lại. Thậm chí, có người đã về nước nhưng vẫn để lại giấy phép lao động cho người khác sử dụng làm tấm bùa hộ mệnh khi bị cơ quan chức năng kiểm tra.

Đại diện một doanh nghiệp của Việt Nam cho rằng: Không khó để phát hiện vi phạm nếu các cơ quan chức năng của chúng ta làm mạnh tay hơn nữa. Nếu các ngành thường xuyên phối hợp với công an kiểm tra nhân khẩu, hộ khẩu, thì những lao động “chui” sẽ khó có cơ hội để ở lại Việt Nam chứ đừng đến tìm kiếm việc làm. Chủ sử dụng lao động muốn giữ lao động lại thì phải có đầy đủ thủ tục pháp lý. Việc buông lỏng quản lý không những không đảm bảo được tình hình an ninh trật tự, mà còn chống thất thu một khoản thuế lớn cho Nhà nước. Nhiều đại diện chủ đầu tư biện minh, họ không có quyền can thiệp vào việc sử dụng lao động của nhà thầu. Điều đó đúng. Song, trách nhiệm của chủ đầu tư, khi phát hiện ra sự việc đó, phải báo cáo cơ quan chức năng để thanh, kiểm tra.

Ông Nguyễn Văn Tiến, chánh thanh tra Bộ LĐ, TB&XH cho biết: Muốn quản lý tốt, tận gốc tình trạng lao động nước ngoài “chui” tại Việt Nam thì phải phân loại lao động. Khi có số lượng cụ thể thì mới có giải pháp xử lý triệt để. Phân loại có thể theo trình độ, cơ cấu nghề nghiệp, giới tính. Song, những lao động có trình độ, có tay nghề thì phần lớn, họ thực hiện rất đầy đủ thủ tục pháp luật lao động Việt Nam. Phần lớn lao động “chui” là tay nghề thấp, phổ thông và là nam giới. Với lao động có trình độ, họ chậm làm thủ tục hay gặp khó khăn trong làm thủ tục, thanh kiểm tra phát hiện ra, chúng ta có thể cho gia hạn làm thủ tục. Còn lao động phổ thông nước ngoài “chui”, phạt lần đầu tiên, lần thứ 2 mà vẫn vi phạm thì nên đề xuất cơ quan công an làm thủ tục trục xuất về nước.

Thiết nghĩ, ngoài việc xử lý người lao động “chui”, thì trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy tình trạng này, không xử lý hoặc không có giải pháp khắc phục cũng phải được đề cập đến. Kẽ hở của pháp luật chỉ là một phần mà nguyên nhân quan trọng vẫn do việc giám sát thực hiện các quy định không nghiêm.

Lao động không phép liên tục tăng

Ở Việt Nam, khi hỏi cơ quan quản lý rằng lao động nước ngoài làm gì, đi đâu, có hợp pháp không thì khó như “mò kim đáy biển”. Một lãnh đạo của Bộ LĐ, TB &XH đã than thở như vậy khi nói đến sự khó khăn trong quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam. Bởi vậy mới có chuyện lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc liên tục tăng, từ 52.633 người (năm 2008) lên 55.428 người (2009) đến 56.929 người (2010). Tính đến hết tháng 9/2011, số người nước ngoài làm việc tại Việt Nam tăng vọt lên 78.440 người; trong đó, số được cấp phép là 41.529, không thuộc diện cấp phép 5.581 người và chưa được cấp phép 31.330 người (chiếm 39,9%). Việc quản lý thiếu đồng bộ cũng là nguyên nhân khiến lao động nước ngoài làm việc không phép ở Việt Nam gia tăng.

Lê Tuấn


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.