Vui buồn chuyện cứu người trên sông
Trong chuyến công tác tại TP.Cần Thơ, tôi tình cờ gặp lại ông Dương Công To (SN 1940, ngụ xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), người nổi danh với nhiều lần cứu sống nạn nhân nhảy cầu Cần Thơ tự tử. Ông cũng chính là Đội trưởng đội Dân phòng đường thủy xã Mỹ Hòa.
Trong lần gặp gỡ này, ông kể cho tôi nghe những chuyện buồn vui khi tham gia cứu người trên sông Hậu.
Mở đầu câu chuyện là sự tiếc nuối của ông với nam thanh niên T.V.Đ. (SN 1993, ngụ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), từng 2 lần nhảy cầu Cần Thơ tự vẫn và đều được ông kịp thời cứu sống, nhưng rồi người này lại treo cổ tự tử tại quê nhà.
“Hai lần nhảy cầu quyên sinh, Đ. chia sẻ với tôi là buồn chuyện gia đình. Tôi có cùng anh em trong đội Dân phòng đường thủy xã đến bệnh viện thăm hỏi, động viên Đ. nên biết quý trọng sự sống, yêu quý bản thân. Đ. tỏ ra cảm động, gửi lời cảm ơn và hứa sẽ không làm chuyện dại dột nữa, nhưng sau đó, Đ. vẫn tìm đến cái chết”, ông To kể.
Một trường hợp hi hữu khác, nam thanh niên ở Cần Thơ, nặng hơn 100 kg, do quá sốc vì vừa mới chia tay bạn gái nên đã chạy ngay đến cầu Cần Thơ gieo mình xuống dòng nước tự vẫn. Nhờ người này béo nên vẫn nổi trên mặt nước, đội cứu nạn của ông kịp đến vớt lên ghe an toàn rồi đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Mạng sống quý hơn tất cả
Do nam thanh niên quá nặng, lúc đưa lên ghe, đội cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Lúc này, nạn nhân rất tỉnh táo, đọc vanh vách số điện thoại của người thân, miệng liên tục nói với đội cứu hộ: “Ráng cứu con sống, con sẽ cho 100 triệu đồng, nhà con giàu lắm…”.
“Nghe vậy, tôi liền trấn an, mạng sống quý hơn tiền, anh em cứu nạn không ai nhận tiền đâu, chỉ mong cháu từ nay về sau sống tốt hơn là được. Hiện, nam thanh niên đã tỉnh ngộ và có cuộc sống bình thường. Thi thoảng, người này vẫn thường xuyên điện thoại thăm hỏi sức khỏe của tôi, như muốn nhắn gửi một lời tri ân đầy cảm phục”, ông To hạnh phúc nói.
Theo ông To, tính từ ngày khánh thành cầu Cần Thơ đến nay, có 44 trường hợp nhảy cầu tự tử, trong đó 8 trường hợp được cứu sống. Đa phần nạn nhân tự tử đều biện minh là buồn chuyện gia đình, tình cảm yêu đương, nợ nần, bị người thân trách mắng, bỏ rơi,… nên tìm đến cái chết để giải thoát.
Liên quan đến hành động thường xuyên cứu người nhảy sông tự tử của ông To, PV đã liên hệ với ông Trương Văn Chanh, Chủ tịch hội Người cao tuổi xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Ông Chanh cho biết, ông To là hội viên hội Người cao tuổi xã Mỹ Hòa. Nhiều năm qua, ông To đã có thành tích trong việc cứu người, tìm xác nạn nhân nhảy cầu tự tử. "Đối với chính quyền địa phương, chúng tôi luôn ghi nhận thành tích của ông To. Ông luôn được người dân luôn yêu mến. Việc ông To được bầu làm Đội trưởng đội Dân phòng đường thủy xã Mỹ Hòa là sự ghi nhận của chính quyền địa phương”, ông Chanh chia sẻ.
Ngày 27/3, trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Tròn, Trưởng công an xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) xác nhận, trong nhiều năm qua, Dương Công To được các cơ quan đoàn thể, từ địa phương đến Trung ương ghi nhận thành tích trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Nên biết quý trọng cơ hội sống “Trái với niềm vui khi sự sống vừa được tái sinh là nỗi đau đớn đến tột cùng của người ở lại lúc vĩnh viễn mất đi một người thân trong gia đình. Mọi người nên biết quý trọng cơ hội sống của bản thân và sống vì người thân của mình. Dù bất kỳ lý do nào, chúng ta vẫn phải đối diện với sự thật, kiên nhẫn giải quyết vấn đề rồi mọi việc sẽ qua đi, niềm vui sẽ trở lại”, ông To nhắn nhủ. |
Thanh Lâm