Khổ cực và xa xỉ
Một ông lão ở tuổi 60 thì không thể làm tất cả mọi việc một mình. Do đó, ông cũng thuê thêm 4-5 người phụ giúp mình. Những người này chủ yếu làm công việc khơi thông dòng chảy từ các công trường khai thác đổ ra, hướng nó thẳng tiến vào thế trận "thiên la địa võng" mà ông bày ra. Các tấm đồng rộng bản, bề mặt có tráng lớp hóa chất có khả năng "hút" vàng được đặt đúng vị trí, nên phần việc quan trong nhất là thu hoạch thì ông đích thân làm. Do vậy, người muốn học mót cũng bó tay.
Ông Thảo và bộ đồ nghề làm vàng một thời
Cứ thế, mỗi lần gạn lại lớp vàng bám lại trên bề mặt của "công cụ lao động" do ông nghiên cứu, ông lại tích cóp lại để tiếp tục quá trình "lọc" ra vàng. Lúc đó các bưởng vàng khai thác chủ yếu bằng hình thức đãi vàng bằng máng thủ công, họ không thể biết ông làm sao để có vàng. Tuy nhiên, dần dà họ hiểu việc ông làm không phải để chơi. Có người đã đến tận nơi mục sở thị cách ông làm và dò hỏi, song tuyệt nhiên ông... không nói. Dần dà cũng có người hiểu ra nhưng cũng chẳng biết phải làm thế nào.
Ông Thảo kể: "Mỗi lần tích cóp được số lượng vàng nhất định, tôi lại tìm cách bí mật đem chôn dưới các gốc cây xung quanh mà tôi đã đánh dấu sẵn. Sau đó mỗi dịp về xuôi lại mang về tiếp tục các công đoạn tiếp theo. Do đó, có người thậm chí rình mò, cũng không biết tôi kiếm được bao nhiêu vàng".
Thời đó, cuộc sống ở bãi vàng thực sự là chốn cực khổ song lại vô cùng... xa xỉ. Khi ông đã ổn định ở nơi rừng thiêng nước độc và lại cũng khá có tiếng tăm như một "nhà khoa học" ở bãi vàng thì cũng không ít bạn bè, chiến hữu một thời, lại lặn lội vào tận bãi vàng để... chơi và thăm "ông già kỳ lạ". Mỗi dịp như thế là ông lại mở "yến tiệc" khoản đãi cánh bạn già.
Đặc điểm của các bãi vàng Thần Sa, Na Rì... là đường đi lại rất khó khăn, nên lương thực, thực phẩm, các hàng nhu yếu phẩm đa phần là vận chuyển từ xuôi lên, từ nơi khác vào, rất đắt đỏ. Có cả một đội quân chuyên vận chuyển lương thực, thực phẩm vào bãi vàng và bán với giá cắt cổ. Bình thường cơm ăn chủ yếu là với rau rừng và cá khô, khi nào có thịt lợn, thịt gà là hoành tráng lắm. Ông kể, lúc đó cứ mỗi lần "tiếp khách" trong rừng là ông có thể tiêu mất vài ...chỉ vàng cho việc mua gà, mua rượu để có mâm cơm thịnh soạn.
Bên cạnh đó, đến với ông toàn cánh bạn già, lại cũng là chỗ thân tình xưa cũ, những người quen biết từ thời ông đang công tác, nên có lúc 5 - 6 người lên chơi, kể cả khoản đãi ăn uống, khi về ông lại tặng cho mỗi người 1 -2 chỉ vàng để... làm quà. Thế là có những lần gặp bạn, đãi bạn, trong 1 ngày ông chi vèo cái 2 - 3 cây vàng. Đúng là chuyện của một thời mà bây giờ nhớ lại có lúc ngỡ như một giấc chiêm bao. Song ông bảo, ngày đó là thế, làm tất nhưng không ăn cả, mà đưa cho người ta cũng phải nói là biếu, chứ không nói là cho. Bởi cũng chẳng ai xin ông cả. Lộc giời bất tận hưởng là thế.
Thế nhưng ngược lại, bí quyết thì ông "tuyệt mật". Có người làm công cho ông chỉ để học ông cách làm chứ không vì lương bổng. Tuy nhiên, ông lại đi trước thiên hạ một bước khi nhận thấy có nhu cầu của người khác muốn mua "công nghệ" của ông. Mua thì ông bán, mỗi lần "chuyển giao công nghệ" ông lấy 5 - 6 cây vàng. Bởi ông nói thẳng, nếu làm tốt, chỉ một thời gian ngắn là thu hồi vốn. Ông kể, có lúc nếu tính số lượng khối cát, đất chỉ vài khối lọc qua hệ thống hóa chất của ông là thu về 4 - 5 chỉ vàng. Do đó, việc bán "công nghệ" cũng mang về cho ông cả chục cây vàng. Mỗi lần hết hóa chất, họ lại tìm đến ông thế là ông lại có đất dụng võ.
"Bạc sang vàng lụi"
Hành trình tích cóp cả trăm cây vàng của ông Thảo cũng lắm gian truân, nhưng dường như ý trời luôn ban cho ông may mắn. Ngoài bãi vàng Thần Sa "danh bất hư truyền" ông cũng đã đến bãi Liên Minh, rồi đến cả Trại Cau, để rồi sau đó thì quay về lập "bản doanh" trong chính nhà mình ở T.P Thái Nguyên. Khi rời bãi vàng thì số vàng ông có được cũng đã cả trăm cây có dư. Lúc đó, ông quay ra thu mua vàng lẻ của những người đi làm bãi vàng về, từ vàng "cám" đến các loại vàng có độ tuổi vàng khác nhau, ông lại tìm cách tinh lọc để ra loại vàng có độ tinh khiết cao hơn.
Chiếc cân tiểu ly mà ông Thảo vẫn giữ làm kỷ niệm
Ông nói, thời đấy ở Thái Nguyên, người ta rất thích mua các sản phẩm vàng do ông làm ra, phần là uy tín của ông, phần là ông cũng là người được hưởng lộc từ việc khai thác và làm ăn liên quan đến vàng. Những năm tháng đó, mua bán vàng không có cân điện tử như bây giờ, nên mua bán đều qua một dạng cân gọi là "cân tiểu ly". Dạng cân này giờ đây không ai dùng để mua, bán vàng dùng nữa vì nó có độ dung sai lớn, song hiện nay ông Thảo vẫn giữ một chiếc làm kỷ niệm.
Khi đã về thành phố, thì người đến mua vàng của ông cũng lắm, kẻ bán vàng cho ông cũng nhiều. Nhưng như ông nói, lĩnh vực này cũng lắm kẻ lọc lừa. Có lần có một anh, lúc chập tối hớt hải đến gặp ông, mang tới một miếng vàng, nói cần bán gấp để về quê giúp người thân đau ốm, anh này nói quê ở Hà Bắc (cũ). Nhìn miếng vàng bằng mắt thường rất khó phân biệt thật giả.
Ngày đó nếu tin là tin nhau luôn không ngờ vực, nhưng ông lại rất tỉnh táo khi nhận thấy miếng vàng rất bất thường nên nói: "Tôi sẽ mua nhưng anh phải để tôi cho vào đèn khò, khò lên. Đúng là vàng thì tôi mua". Anh này biết gặp cao thủ nên đành lẳng lặng ra về. Rồi ông trầm ngâm bảo, các cụ nói lửa thử vàng là thế, vàng thật hay vàng giả, cứ đưa vào lửa khò lên là biết ngay. Song sự thức thời của ông không dừng lại đó, sau khi có vàng quy ra tiền đã thành một con số lớn, ông quyết định mua nhà về Hà Nội sống. Con cái ông ai ở lại Thái Nguyên ông cũng mua nhà cho ở để tiếp tục xây dựng sự nghiệp....
Có một điều nữa là trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, không ít lần ông Thảo cũng nhắc lại câu nói của cổ nhân "bạc sang, vàng lụi". Đó là không phải ai cũng giữ được "lộc giời". Có người, có được đấy mà cũng mất ngay đấy. Bởi vì sao, thì cũng không phải ai cũng giống ai, nhưng đa phần là ăn chơi, phá phách mà hết. Còn ông, ông làm vàng bằng "cái đầu" nên cũng vẫn tự hào mình là trí thức làm vàng chứ không phải là may nhờ, rủi chịu.
Giờ ông đang sống yên ổn ở Khu đô thị Linh Đàm, chăm sóc người vợ đã chung sống với ông bao năm gian khó nay đã già và bệnh tật đau ốm. Thi thoảng ông Thảo lại về Thái Nguyên thăm bạn cũ, những người đã cùng ông trải qua bao thăng trầm của thế cuộc nhân sinh. Với họ, ông vẫn như ngày nào, đầy khí thế, hào sảng và luôn có nét dí dỏm của một người trải nghiệm, am hiểu sự đời. Ngoài ra, ông Thảo hiện có có thú vui sưu tầm tiền. Những đồng tiền ông sưu tầm được thuộc đủ loại mệnh giá, ông trân trọng đóng vào một cuốn sổ ép nhựa, trong đó có in kèm cả ảnh chân dung ông. Ông giữ quyển sổ như một báu vật trong nhà.
Có những đồng tiền trong bộ sưu tập của ông, một thời, chỉ một tờ tiền đó là có thể giúp cả một gia đình ăn trong cả tháng. Giữ nó là để trân trọng một thời, khổ có, sướng có. ông nói, bộ sưu tập tiền của ông cũng như để nhắc con cháu về sự quý trọng, nâng niu đồng tiền. Chia tay tôi, ông vẫn nói đầy hào hứng, tôi mà còn khỏe như anh có khi tôi lại tiếp tục đi làm vàng như ngày xưa, rồi ông bật cười sảng khoái.
Quang Trung