Đặc biệt, căn cứ theo các quy định luật Quốc tế về Biển hiện hành và các tiền lệ thì yêu sách của Trung Quốc hoàn toàn thiếu cơ sở và lạc hậu.
Đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc trên biển đông
Những quyền không thể tranh cãi của Việt Nam
Biển Đông là một trong những biển nửa kín lớn nhất thế giới, bao quanh bởi các quốc gia như Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan), Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Brunei và Philippines. Mỗi quốc gia đã đưa ra yêu sách về các vùng biển của mình bao gồm cả 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việt Nam và Malaysia đã đệ trình yêu sách về thềm lục địa mở rộng đến ủy ban về Rìa ngoài của thềm lục địa (CLCS).
Malaysia và Việt Nam theo như nội dung của tuyên bố phúc đáp tuyên bố phản đối của Trung Quốc về thềm lục địa mở rộng đã lập luận rằng đệ trình/ đệ trình chung của hai nước "không làm phương hại tới các vấn đề phân định biển giữa các quốc gia tiếp liền hay đối diện, cũng như lợi ích của các bên trong tranh chấp chủ quyền và vùng biển". Cụm từ "không làm phương hại" ngụ ý rằng thềm lục địa mở rộng mà Việt Nam và Malaysia yêu sách không tạo ra chồng lấn về vùng biển.
Trong khi đó, Trung Quốc khi đưa ra tuyên bố phản đối yêu sách thềm lục địa mở rộng của Việt Nam và Malaysia đã lập luận rằng "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo trong biển Đông và các vùng biển tiếp liền, và được hưởng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển có liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển tương ứng". Việt Nam đã nhiều lần phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà Việt Nam có đầy đủ chứng cứ để khẳng định chủ quyền.
Không những thế quan điểm của Trung Quốc về hướng tiếp cận lấy vấn đề chủ quyền các đảo để vạch ra “đường lưỡi bò” cũng không phù hợp với luật pháp quốc tế. Cụm từ "quyền chủ quyền và quyền tài phán" và "vùng biển có liên quan" ám chỉ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo, có nghĩa là Trung Quốc ủng hộ quan điểm Hoàng Sa và Trường Sa có đầy đủ các vùng biển.
Đặc biệt, bản đồ “đường lưỡi bò” lần đầu tiên được đính kèm với tuyên bố này một cách chính thức ngụ ý rằng Trung Quốc muốn sử dụng “đường lưỡi bò” để yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo trong biển Đông, thay thế cho yêu sách lịch sử trước đây.
Quan điểm “đường lưỡi bò” vô lý và lạc hậu
Phản ứng trước yêu cầu phi lý về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, cả Việt Nam, Indonesia và Malaysia đều cùng quan điểm khi tuyên bố rằng "các đảo xa và nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việc cho phép các đảo đá không có người cư trú và các bãi san hô nằm cách biệt với đất liền, giữa biển cả, được sử dụng làm điểm cơ sở để tạo ra các vùng biển vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Công ước Luật Biển và xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của cộng đồng quốc tế". Điều này là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế về biển, đặc biệt Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982.
Luật Quốc tế về phân định biển mới chỉ được phát triển trong thời gian gần đây thông qua bước khởi đầu tại các Công ước về Luật Biển năm 1958. Điều 6 và Điều 12 của hai Công ước 1958 về Thềm lục địa và Tiếp giáp lãnh hải đã quy định nguyên tắc phân định biển theo công thức đường cách đều và các hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, 11 năm sau, trong vụ "Thềm lục địa biển Bắc", Luật Quốc tế về phân định biển đã phát triển theo một hướng khác. Phán quyết trong vụ việc này đã không công nhận nguyên tắc được quy định tại Điều 6 của Công ước 1958 là luật tập quán quốc tế mà để ngỏ cho khả năng áp dụng của nhiều phương pháp phân định biển để đạt đến kết quả công bằng, trong đó công thức đường cách đều và các hoàn cảnh đặc biệt không phải là phương pháp bắt buộc.
Hơn nữa, phán quyết cũng xác nhận lại một nguyên tắc quan trọng, "đất thống trị biển", theo đó các vùng biển chỉ có thể được tạo ra từ các danh nghĩa chủ quyền của quốc gia đối với lãnh thổ...
Cách tiếp cận hướng tới giải pháp công bằng của vụ Thềm lục địa biển Bắc đã tạo ra ảnh hưởng đối với các vụ việc sau đó, ví dụ như trong vụ phân định giữa Tunisia và Libya vào năm 1982 đường cách đều đã hoàn toàn bị bỏ qua. Phán quyết năm 1982 này cũng phản ánh quá trình đàm phán và ký kết.
Công ước Luật Biển năm 1982 trong đó các Điều 74 và 83 đã pháp điển hóa một nguyên tắc thỏa thuận và giải pháp công bằng. Từ thời điểm này, người ta thấy phương pháp phân định biển đã thay đổi từ công thức đường cách đều/ hoàn cảnh đặc biệt của năm 1958 sang thỏa thuận/ giải pháp công bằng của năm 1982. Giải pháp công bằng không loại trừ việc áp dụng công thức đường cách đều và các hoàn cảnh đặc biệt nhưng đường cách đều cũng không coi là bước khởi đầu cho quá trình phân định biển.
Với việc nhìn một cách đầy đủ về Công ước của Liên hiệp quốc về luật Biển qua các thời kỳ để thấy quan điểm về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không những được đưa ra dựa trên một đòi hỏi chủ quyền với các đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam một cách vô lý mà quan điểm tiếp cận đòi hỏi các quyền khác ở biển Đông cũng hoàn toàn không phù hợp với luật pháp quốc tế. Đặc biệt là Công ước của Liên hiệp quốc về LuậtBiển năm 1982.
TS. Nguyễn Thị Lan Anh (Khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam)
*Bài viết được trích trong tham luận của tác giả tại Hội thảo khoa học quốc tế: "Biển Đông-Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực". Các tiêu đề do tòa soạn đặt.