Phát biểu với ABC News ngày 25/1, Tổng thống Trump quyết tâm muốn biến "vùng an toàn" ở Syria thành hiện thực khi nhấn mạnh ông "chắc chắn sẽ làm khu an toàn ở Syria" cho người dân nước này để ngăn chặn dòng chảy người tị nạn đang tỏa ra khắp nơi trên thế giới.
"Tôi chắc chắn sẽ thiết lập khu an toàn tại Syria cho người dân", ông nói, "Tôi nghĩ rằng châu Âu đã phạm phải sai lầm to lớn với việc cho phép các hàng triệu người được nhập cư vào Đức và các quốc gia ở lục địa. Và tất cả những gì họ có là một thảm họa đang diễn ra".
Trước đó, báo cáo của Reuters cho biết Tổng thống Trump đã ký một dự thảo sắc lệnh về việc thực hiện khu an toàn ở Syria trong vòng 90 ngày.
"Bộ trưởng Ngoại giao phối hợp với Bộ trưởng Quốc phòng chỉ đạo trong vòng 90 ngày lên kế hoạch xây dựng khu vực an toàn ở Syria và các vùng lân cận, trong đó người dân Syria rời khỏi đất nước có thể được hồi hương hoặc xem xét tái định cư ở một nước thứ ba", nội dung dự thảo nêu rõ.
Tuy nhiên các phương tiện truyền thông nhấn mạnh dự thảo vẫn chưa cung cấp thông tin địa điểm cũng như kế hoạch chi tiết về an toàn khu mà ông Trump muốn lập nên.
Đáp lại động thái của Tổng thống Trump, phía Moscow lưu ý rằng trước khi thành lập khu an toàn tại Syria, nhà lãnh đạo này cần cân nhắc về mặt tích cực lẫn tiêu cực.
"Đối tác Mỹ không tham khảo ý kiến này với Nga. Điều quan trọng là họ không nên làm tồi tệ thêm tình hình tị nạn và tính toán trước mọi hậu quả có thể", phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói với báo giới hôm 26/1.
Về phần mình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Huseyin Muftuoglu cũng lưu ý rằng vấn đề này cần phải xem xét.
Ankara từ lâu đã được biết đến là nước ủng hộ việc thiết lập "vùng cấm bay" ở miền bắc Syria. Do vậy quyết định của Tổng thống Trump không phải là điều mà nước này đang mong đợi.
Vùng an toàn của Mỹ liệu có khả thi?
Hồi tháng 12/2016, Tổng thống Trump hứa với cử tri của mình rằng ông sẽ cho xây dựng các khu an toàn tại Syria và thuyết phục các quốc gia vùng Vịnh trả tiền.
Bình luận về vấn đề này, nhà phân tích người Nga Vyacheslav Matuzov nói với Radio Sputnik rằng, kế hoạch xây dựng các vùng an toàn ở Syria sẽ chỉ hoạt động nếu chính phủ hợp pháp của Tổng thống Bashar al-Assad được giữ những vùng này trong tầm kiểm soát.
"Việc tạo ra các khu an toàn ở Syria không nên đồng nghĩa với việc cắt đứt sự kiểm soát của chính phủ Syria. Vùng an toàn nên thực hiện đúng vai trò của nó là thiết lập sự an toàn cho người dân trước khủng bố", Matuzov giải thích đồng thời lưu ý, "nếu ông Trump muốn hướng tới mục đích tương tự, người Nga sẽ không phàn nàn gì".
Trong khi đó nhân vật Daniel Larison của đảng Bảo thủ Mỹ chỉ ra rằng thiết lập các khu an toàn ở Syria sẽ không phải chuyện dễ dàng với chính quyền Trump.
"Tạo ra vùng an toàn sẽ yêu cầu triển khai thêm số lượng lớn các lực lượng mặt đất để đảm bảo khả năng chống trả trước các cuộc tấn công vào khu vực này", Larison cảnh báo.
"Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ phải cung cấp nguồn lực rất lớn cho các đơn vị bảo vệ tại nơi đây. Ngay lập tức Mỹ sẽ trở thành kẻ thù của các phần tử thánh chiến và trong khi đụng độ với cả lực lượng quân chính phủ Syria", Larison dẫn lời John Ford, một đại úy trong quân đội Mỹ - người luôn khẳng định ý tưởng về khu an toàn ở Syria là "không khả thi".
Ford cảnh báo rằng Mỹ có thể mở ra cuộc xung đột trực tiếp với một trong hai Damascus hoặc Nga.
Ý tưởng về thực hiện khu an toàn và "vùng cấm bay" thoát khỏi sự kiểm soát của chính phủ Syria từng được cựu ứng viên Tồng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton khởi xướng, với mong muốn kế hoạch này sẽ giúp Mỹ chiếm thế thượng phong so với Nga.
Tuy nhiên, Tướng Joseph Dunford, Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đã dội gáo nước lạnh vào quyết định nói trên khi nói rằng kiểm soát vùng trời như vậy không khác gì đẩy Mỹ vào cuộc chiến chống lại Nga và Syria.
Cây bút chuyên về các vấn đề quốc tế Alexander Mercouris chỉ ra rằng dù có thể ông Trump không có dụng ý gì khác nhưng các nhóm chính trị cũ vốn luôn nung nấu ý định lật đổ chính phủ Syria có thể nhân cơ hội này, sử dụng khu an toàn như một đòn bẩy phục vụ cho mục đích ban đầu.
Điều thứ hai, liên quan đến vấn đề dòng chảy tị nạn nhức nhối đến từ Syria, Tổng thống Trump và các nhà bình luận phương Tây cần nhìn nhận một thực tế rằng đó chỉ là câu chuyện của năm ngoái, còn hiện tại tình hình đã thay đổi.
Trong năm 2015 và 2016 - và thực tế trong những năm trước đó - cuộc chiến dữ dội ở Syria đã khiến hàng triệu người phải rời bỏ quê hương.
Tuy nhiên đến bây giờ, chính phủ Syria đã củng cố chính quyền, tái lập kiểm soát đối với các thành phố chính như Damascus, Aleppo, và khu nội địa ven biển đông dân nằm giữa hai nơi này.
Một lệnh ngừng bắn đang được thảo luận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là giải pháp có thể mang đến sự hòa bình chưa từng có cho người dân Syria trong vài năm qua.
Mercouris nêu quan điểm rằng Tổng thống Trump nếu muốn kết thúc dòng chảy tị nạn từ Syria, ông nên hành động một cách hiệu quả để hỗ trợ cho thỏa thuận ngừng bắn và đàm phán hòa bình nói trên được thông qua.
Quốc Vinh