Lật tẩy những kiểu lách luật, lừa đảo của giới sách lậu

Lật tẩy những kiểu lách luật, lừa đảo của giới sách lậu

Thứ 5, 27/12/2012 23:52

Lợi dụng kẽ hở của pháp luật, sự lơ là của các cơ quan chức năng trong quản lý hoạt động sản xuất và buôn bán mặt hàng sách lậu, sách giả, nhiều đối tượng đã thả sức thu lời bất chính.

Nhiều năm qua, dư luận phản ánh rất gay gắt vấn nạn này nhưng mọi chuyện dường như vẫn y nguyên sự bức xúc, thậm chí có thời điểm nó còn phát triển ồ ạt, ảnh hưởng đến các đơn vị làm ăn chân chính.

Pháp luật - Lật tẩy những kiểu lách luật, lừa đảo của giới sách lậuCơ quan chức năng đã bắt và xử lý in sách lậu nhưng vấn nạn này vẫn không thuyên giảm.

Tồn tại công khai

Đánh vào tâm lý thích rẻ của phần lớn độc giả, nhiều cơ sở in lậu đã "đội" giá trên bìa của những cuốn sách "rởm" lên vài lần rồi tung ra các chiêu "đại đại hạ giá từ 30-80%", thu hút các đối tượng học sinh, sinh viên. Giá của một cuốn sách in lậu sau khi trừ chiết khấu, khuyến mại sẽ bằng hoặc thấp hơn một chút so với giá sách thật.

Bạn Trần Thị Thu Thanh (SV - ĐH Ngoại Ngữ, ĐH Quốc gia HN) cho biết: "Hầu như tháng nào em cũng mua một đến hai cuốn sách khuyến mại về đọc, nhiều bạn cùng trường em cũng vậy, dù biết không phải là sách thật. Chất lượng giấy và in kém hơn, nhiều chỗ mờ và nhòe nhưng giá rất rẻ, phù hợp túi tiền sinh viên. Chủ yếu em mua sách đại cương và sách ngoại văn".

Khi được hỏi sao không tìm mua sách thật cho dễ đọc, Thanh bảo: "Sách thật thì giá cao mà đôi khi không có cuốn mình cần". Và như vậy, trên một số đoạn đường tại Hà Nội như đường Phạm Văn Đồng (gần cổng ĐH Ngoại Ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội), đường Láng, đường Hồ Tùng Mậu, phố Tô Hiệu, phố Nguyễn Quý Đức nhan nhản các sạp ngang nhiên bày bán sách lậu.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phước, giám đốc Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt cho biết: "Sách lậu "luộc" nguyên xi từ nội dung đến hình thức, chất lượng có khi lên đến 80-90% so với sách thật nhờ các máy scanner chất lượng cao.

Sách giả cũng vậy, các đơn vị, các nhà xuất bản không có bản quyền ngang nhiên xuất bản sản phẩm là bản quyền của đơn vị khác. Vấn nạn này đã làm tổn hại rất lớn đối với các cơ sở làm sách chân chính, nhất là trong vấn đề thương lượng bản quyền với các đối tác nước ngoài và làm thất thu ngân sách Nhà nước. Độc giả thì bị "móc túi" vì mua phải sách chất lượng kém cả về nội dung lẫn hình thức, khó có thể tiếp cận được những cuốn sách hay nổi tiếng của thế giới. Nếu vấn nạn này vẫn tiếp diễn, độc giả sẽ dần mất niềm tin vào các nhà xuất bản và các cơ quan quản lý".

Hiện tại, nhiều người ham đọc đều phải chấp nhận "sống chung với lũ", biết là sách giả, sách lậu vẫn mua. Nếu thắc mắc về chất lượng, người bán thường giải thích là sách tái bản nên chất lượng kém hơn. ông Vũ Đức Hoạt (cán bộ hưu trí tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Là một người mua sách thường xuyên, tôi rất quan tâm đến sách giả, sách thật.

Song, trên thị trường, sách thật giả lẫn lộn, rất khó phân biệt. Có khi mua một cuốn sách lậu được khuyến mại lớn tưởng rằng rẻ nhưng hóa ra lại đắt. Bởi cùng một giá tiền có thể mua được một cuốn sách thật, chất lượng tốt. Nhiều khi độc giả bị "móc túi" mà chẳng biết kêu ai, ai sẽ bảo vệ quyền lợi của người mua sách".

Nhiều chủ cửa hàng bán sách khẳng định, họ nhập sách thẳng từ các nhà xuất bản, nhưng trên thực tế, bên cạnh các cuốn sách thật còn có những cuốn sách lậu, sách giả, chất lượng kém. Khi người mua thắc mắc, họ đổ thừa do tái bản nhiều lần, do điều kiện thời tiết. Anh Trịnh Văn Khánh, quản lý một cửa hàng bán sách khá lớn trên đường Láng (Hà Nội) giải thích: "Nguồn sách của cửa hàng đều nhập từ các nhà xuất bản, tuy nhiên có một số cuốn xuất bản nhiều năm, bị lỗi, có thể do tác động của thời tiết, để trong kho bị ẩm mốc, tất cả các cuốn sách như vậy sẽ đổi lại" (?).

Do kẽ hở của luật và sự nương nhẹ trong xử lý?

Vì lợi nhuận, nhiều năm qua, sách lậu, sách giả không chỉ tràn lan ở các thành phố lớn, mà chúng còn có mặt ở khắp các tỉnh thành. Câu hỏi đặt ra là vì sao những hoạt động sản xuất và kinh doanh mặt hàng lậu, hàng giả này vẫn ngang nhiên tồn tại và ngày càng phát triển? Một số đại diện nhà xuất bản cho rằng, lý do chính là quy định xử phạt quá nhẹ.

Hoa mắt vì lợi nhuận từ sách lậu

Thời đại công nghệ, kỹ thuật cao, việc sao chép sách gốc càng dễ dàng. Với lợi nhuận quá lớn từ in sách lậu vì các đối tượng không mất tiền mua bản quyền cũng chẳng phải chi phí cho dịch thuật, biên tập, thiết kế... các cơ sở ngang nhiên in và sao chép sách lậu với số lượng lớn. Nếu cơ quan chức năng phát hiện và xử lý thì số tiền phạt cũng không thấm vào đâu so với mức lợi nhuận mà họ thu được

Điển hình như vụ bắt sách lậu khá lớn ở Thái Nguyên trước đây, nhưng vụ việc cũng chỉ dừng lại ở vi phạm hành chính, điều này không có tính răn đe đối với các đầu nậu khác. Còn theo ông Nguyễn Văn Phước thì: "Hầu hết sách in lậu đều được in tại các nhà in do Nhà nước quản lý (?).

Do đó có thể nhìn nhận, tiêu cực và tham nhũng trong lĩnh vực này bắt nguồn từ các nhà in đến các chặng đường sách lậu phát hành ra thị trường. Và để xảy ra vấn nạn này, một phần là do sự buông lỏng từ phía cơ quan quản lý, bên cạnh đó có sự bao che, cấu kết của một số cá nhân tha hóa biến chất".

Việc thả nổi công tác in ấn làm rối loạn thị trường cũng là một nguyên nhân khiến hoạt động in ấn ngày một nở rộ. Dù khi đăng ký kinh doanh có liên quan đến in ấn phải có đủ điều kiện mới được cấp phép nhưng trên thực tế, họ đăng ký một đằng in một nẻo, cơ quan quản lý cũng khó lòng mà kiểm soát.

Phải chăng đây là một kẽ hở của Luật Xuất bản 2004? Ông Nguyễn Đắc Lộc, phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thừa nhận: "Khi đăng ký kinh doanh, các cơ sở in đăng ký in tràn lan các ngành nghề khác nhau, dù có chú thích phải đủ điều kiện, song việc họ có in đúng các sản phẩm như đăng ký hay không lại là một chuyện khác, khó kiểm soát triệt để".

Ông Lộc cũng cho rằng: "Quản lý và hạn chế việc kinh doanh và sản xuất sách lậu, sách giả không chỉ thuộc trách nhiệm của quản lý thị trường mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ở các địa phương cũng có chung trách nhiệm. Hơn nữa, lực lượng quản lý thị trường mỏng, nhiều việc, trong khi số lượng các cơ sở in rất nhiều, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng với các đơn vị có liên quan để có thể đẩy lùi vấn nạn này".

Hình thức xử phạt không nghiêm cũng là một lý do khiến các đối tượng in sách lậu, sách giả "sẵn sàng" vi phạm. Phải chăng đây là một kẽ hở của pháp luật? ông Nguyễn Văn Phước đề nghị: "Chuyển tội danh in lậu, làm giả sách thành tội làm hàng giả và tội xâm phạm sở hữu trí tuệ. Làm giả một chai nước suối giá trị 5.000 đồng thì phạm tội làm hàng giả, còn làm giả những cuốn sách trị giá hàng trăm nghìn, đã đăng ký bản quyền, mua bản quyền tại Việt Nam thì chỉ xử phạt 5 - 20 triệu đồng là quá nhẹ so với mức lợi nhuận mà hoạt động này mang lại".

Thiên Vũ


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.