Câu tục ngữ “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” có lẽ đã hơi thiếu sót trong việc khái quát sự phức tạp của tiếng Việt. Bởi ngoài ngữ pháp ra thì ngữ nghĩa cũng là vấn đề vô cùng nan giải. Trước kia, tôi cứ tưởng rằng từ “kỷ luật” chỉ mang nghĩa tiêu cực, thường chỉ đi với từ "bị". Nhưng nay, nhiều vấn đề trong xã hội đã khiến tôi phải thay đổi quan điểm của mình. Kỷ luật còn có thể đi cùng với từ “được” thành cụm "được kỷ luật".
Nghĩa của cụm từ trên đã được hàng loạt thực tế chứng minh rằng nó hoàn toàn hợp lý. Đơn cử như sự việc nguyên Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk “được kỷ luật” vì bị tố mua dâm và chạy án bằng cách… điều chuyển lên làm việc tại TAND tỉnh. Hay như nguyên Hiệu trưởng trường Mầm non Hưng Thắng, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An “phải” lên làm việc tại phòng Giáo dục và Đào tạo huyện do liên quan đến các sai phạm trong công tác thu chi đầu năm…
Một trong những trường hợp “được kỷ luật” khiến dư luận chú ý những ngày gần đây đó là việc nguyên Đội trưởng đội An ninh soi chiếu sân bay Đà Nẵng sau khi bị cảnh cáo vì hành vi “cầm hộ” tiền của khách lại được bổ nhiệm lên làm phó giám đốc Trung tâm huấn luyện đào tạo thuộc Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Lý giải cho việc bổ nhiệm kỳ lạ trên, ông Đoàn Thanh Phương – Phó Giám đốc cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng cho biết việc bổ nhiệm ông Thắng đã tiến hành vào tháng 1/2016. Trong khi đó, sai phạm của ông ấy thì đến tháng 8/2016 mới được phát hiện.
Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh thêm: "Nếu vụ việc phát hiện ra trước đó thì sẽ không bao giờ có chuyện làm quy trình để bổ nhiệm ông Thắng".
Vậy hóa ra, ngoài những luận điệu khá quen thuộc như "đúng quy trình" thì bây giờ, những việc "ngang trái", "tréo ngoe" ở đời lại có thêm một "cái cọc" nữa để bấu víu. Đó là "chuyện đã lỡ rồi".
Lý giải của ông Phương về việc "bổ nhiệm kỳ lạ" trên chẳng khác nào ông "tự trào" về công tác quản lý nhân sự. Hóa ra do việc quản lý cán bộ còn lỏng lẻo, yếu kém nên không nắm rõ thông tin khi bổ nhiệm.
Hoặc chính những cơ quan có thẩm quyền trong sự việc này cũng không biết cách xử lý tình huống một cách khôn ngoan khi có sự cố xảy ra. Nên ông Phương mới có cách giải thích theo kiểu "bút sa, gà làm phó giám đốc" hay "đâm lao thì đành theo lao" vậy!
Nghĩ đến việc một người từng “tham ô” tài sản của khách, nay lại trở thành một trong những cán bộ đứng đầu trung tâm huấn luyện đào tạo nhân sự cho cảng Hàng không Đà Nẵng, tôi thấy lòng buồn hiu hắt…
Là một người “thấp cổ bé họng”, chỉ biết lên tiếng nhưng chẳng thể thay đổi những thứ “tréo ngoe” ở đời, tôi chỉ dám hy vọng rằng ông Thắng – với cương vị mới, trọng trách mới sẽ gương mẫu hơn để các học viên ở trung tâm đó học tập và xây dựng dịch vụ hàng không ngày càng trong sạch và văn minh.
Nếu không, chắc tôi chẳng bao giờ dám “bén mảng” tới cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng nữa.
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả