Giảm phí đường bộ bằng cách hạ tải
Tiết kiệm tối đa chi phí vận chuyển là cuộc đua sinh tử giữa những ông chủ kinh doanh phương tiện xe tải. Kéo theo đó, những quái xế chở hàng quá tải tìm đủ mọi cách lách luật ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Thật tình cờ, chúng tôi gặp được một người trong số họ. Bác tài xế già này tiết lộ bí mật nghề nghiệp: “Xe tải có trọng trọng 1,4 tấn, nặng khoảng 2450 kg. Phí đường bộ đóng khoảng 3,16 triệu đồng/năm. Nếu tôi làm thủ tục xin hạ trọng lượng thùng xe- hạ tải, tải trọng của xe giảm xuống còn 1 tấn. Như vậy, phí đường bộ chỉ phải đóng 2,1 triệu đồng/năm. Ngoài ra, các loại phí lưu thông trên đường cũng rẻ hơn 1,5 lần”.
Theo lời bác tài xế già, luật pháp không cho phép nâng trọng tải của xe, nhưng lại không cấm hạ tải. Xe tải mới đi được một năm, chủ phương tiện có quyền đề nghị nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép cải tạo xe theo hướng thêm hoặc bớt một số bộ phận trên xe, nhưng không làm thay đổi kết cấu các bộ phận chính, công năng sử dụng của xe.
“Thùng xe tải của tôi nặng 400 kg, tôi xin cải tạo lắp thùng mới nặng 100 kg (giảm bớt được 300 kg). Nhưng thùng mới đựng hàng hóa như thùng cũ, thậm chí còn nhiều hơn, tội gì không hạ tải”. Bác tài xế già tự “vạch áo cho người xem lưng”.
Chiêu trò hạ tải không chỉ giảm được chi phí cầu đường, mà còn giúp chủ phương tiện thoải mái lưu thông xe tải trong nội đô Hà Nội. Bác tài già quả quyết, phần lớn xe tải từ 2,5 tấn trở xuống lưu thông trong nội đô đều có liên quan đến hạ tải. Vì nếu xe quá tải, đi trong nội đô sẽ bị phạt rất nặng. Ngoài ra, chủ phương tiện còn độ thêm nhíp, thay lốp để con “ngựa sắt” chở thêm được nhiều hàng.
Cục Đăng kiểm giải đáp
Làm việc với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Hữu Trí- Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam chia sẻ: “Có nhiều xe tải xin lắp thêm cẩn cẩu, két nước, bình dầu phụ… chủ phương tiên đều xin hạ tải. Theo quy định của pháp luật, khi thay đổi công năng của xe, chủ phương tiện đăng ký đăng ký kỹ thuật, tính toán hợp lý, có hồ sơ thiết kế… Sau đó trình Sở Giao thông vận tải phê duyệt. Đăng kiểm là đơn vị nghiệm thu”
Ngoài ra, ông Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng khẳng định: “Thực tế vẫn có tình trạng nhiều chủ phương tiện xe tải mượn thùng của xe khác lắp vào xe mình khi đi đăng kiểm. Đăng kiểm viên đã phát hiện ra vi phạm và phạt rất nặng. Tuy nhiên, nhiều chủ phương tiện vẫn cố tình vi phạm, gây khó khăn cho hoạt động đăng kiểm”.
Qua báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Hữu Trí khuyến cáo với các chủ phương tiện: “Trên giấy tờ kiểm định đã có đầy đủ thông số về chiếc xe đó, Từ ảnh, kích thước bao xe, kích thước thùng xe ghi trên giấy chứng nhận kiểm định… Hệ thống kiểm soát trên đường chỉ cần nhìn vào đó là nắm rõ tình trạng của xe đó. Nếu phát hiện có vi phạm, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm minh theo pháp luật”.
Thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, 6 tháng đầu năm 2016, cơ quan chức năng cả nước phát hiện và xử lý gần 26.000 xe quá tải. Trong số đó có tới hơn 2.000 trường hợp vi phạm về kích thước thành thùng hàng. Trước đó, từ tháng 7/2015, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã kiểm soát thùng xe tải đóng mới bằng biện pháp đóng số hiệu kiểm soát vào thùng xe. Các xe khi nhập khẩu vào Việt Nam đều phải đóng số thùng tương đương với số khung, số máy. Xe bảo đảm yêu cầu kích thước thùng xe phù hợp tiêu chuẩn mới được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn lưu hành.
Với thủ thuật “kim thiền thoát xác” kể trên, nhiều quái xế đã lách luật, giảm được tối đa chi phí đường bộ. Trong khi đó, vẫn qua mặt được cơ quan chức năng. Đúng là nhất cử lưỡng tiện.
Thiên Long