“Bài hát “1+1” của Lê Thiện Hiếu trong chương trình “Bài hát hay nhất” có câu:
“Ngày bé đi chơi với bạn hiền
Ngày lớn đi chơi với đồng tiền”
Em hãy viết một bài văn không quá ba trang giấy thi trình bày cảm nghĩ của mình về lời bài hát trên”.
Đây là đề văn của lớp dành cho học sinh lớp 9 chuyên văn thuộc một trường THCS trên địa bàn TP.Hà Nội trong thời gian gần đây. Kèm theo đó cũng là những phần gợi ý cách triển khai của thầy giáo.
Đề bài kiểm tra này ngay sau khi “lộ diện” đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận không chỉ bởi dựa trên lời bài hát đang gây “sốt” hiện nay do Lê Thiện Hiếu trình bày, mà còn bởi tính gợi mở của đề tài.
Ngay sau khi biết về đề văn này, mặc dù là người dạy toán nhưng GS. Văn Như Cương - Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam cũng dành không ít lời khen ngợi cho đề văn.
Theo GS. Cương, đây là đề bài có nhiều vấn đề để bàn như vấn đề về đồng tiền, vấn đề bạn bè trong thời xưa và thời nay.
“Đề tài tương đối mở và giúp học sinh có thể triển khai nhiều ý. Từ đề bài đó cũng dạy cho học sinh những mối quan hệ nhân sinh, nhân văn, nhân ái, mối quan hệ truyền thống khi con người ta đang sống giữa thời cuộc kinh tế thị trường, một bộ phận đang chạy theo đồng tiền mà đánh dần mất tình nghĩa giữa con người với con người.
Đề văn này là hướng vào thời cuộc, nó giúp con người đưa ra cái nhìn sâu sắc giữa thời xưa với thời nay, giữa ý niệm trong con người lúc bé và lúc lớn lên”, GS. Cương nói.
Cũng theo GS. Cương, đề bài không chỉ mở với người triển khai thành bài văn mà còn mở với người đọc.
TS. Nguyễn Quang Trung – tác giả phương pháp dạy văn “Trả tác phẩm cho học sinh” cũng cho rằng, đề văn bao giờ cũng có ý nghĩa về mặt sư phạm và mặt giáo dục. Và đây là 1 đề văn đã làm được điều đó.
“Hiện nay có hai cách ra đề cơ bản là chính đề và phản đề. Cho rằng đó là chính đề hay phản đề, cách cảm thụ là do người đọc quyết định.
Có người cho rằng đồng tiền quan trọng, lớn phải biết yêu cầu đồng tiền thì cho rằng đó là chính đề.
Nhưng người nào cho rằng nếu chơi với đồng tiền, tôn thờ đồng tiền thì sẽ đánh giá thấp mọi cái khác, làm suy đồi mọi giá trị thì cho rằng đây là phản đề.
Một đề văn không nên “hiền lành” như xưa, chỉ đưa cái đúng mà phải đưa cả cái sai để học sinh cảm nhận được. Chính điều ấy mới giúp học sinh đưa ra những quan điểm đa dạng hơn, rõ ràng hơn về mọi góc cạnh của cuộc sống”, TS.Trung nói.
Cũng theo TS.Trung, vấn đề sau đó là giải quyết đề với học sinh như thế nào. Đáp án và cách giải quyết đề không nên ra tùy hứng mà phải có tính giáo dục, tính sư phạm.
Đồng thời, người ra đề phải có đáp án hướng dẫn, “điều khiển” học sinh như thế nào trước đề đó để qua đó đối thoại với học sinh về đồng tiền cũng như tình bạn.
“Xưa ta hay đưa ra chính đề tức là chỉ đưa cái đúng, giờ đưa ra phản đề là đưa ra những cái lạ, cái sai. Điều ấy có thể gây sốc cho một số người nhưng cá nhân tôi cho rằng đây là đề hay”, TS.Trung khẳng định.
Nguyễn Huệ