Lê Văn Luyện có quan hệ với nhiều dân giang hồ!?
Hôm qua (6/10), luật sư Phạm Văn Huỳnh- Văn phòng luật sư Tâm Đức (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình cháu Ngọc Bích) tiết lộ một thông tin rất sốc về nhân thân bị can Lê Văn Luyện. Theo đó, quá khứ của bị can Lê Văn Luyện có nhiều chuyện đáng phải bàn, không phải như cơ quan điều tra nhận định? Không chỉ nghiện game, Luyện còn dính dáng đến đập đá (một loại ma túy cực mạnh) và là đàn em của nhiều dân anh chị xã hội ở Hà Nội và Lạng Sơn!? "Khi nào có bản kết luận điều tra của cơ quan CSĐT, tôi sẽ đề cập đến vấn đề này" - Luật sư Phạm Văn Huỳnh khẳng định khi ông đã có chứng cứ về việc này.
Phóng viên Nguoiduatin.vn gặp Lê Văn Luyện trong trại tạm giam
Một diễn biến khác, từ sau ngày 30/9, khi cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang tiến hành thực nghiệm điều tra (cho một người có ngoại hình giống hung thủ Lê Văn Luyện diễn lại cảnh thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích), phía gia đình bị hại đã nhiều lần gọi điện đến cơ quan CSĐT- Công an tỉnh Bắc Giang hỏi: Vì sao không mời luật sư phía bị hại chứng kiến buổi thực nghiệm điều tra?
Luật sư Trần Chí Thanh - Văn phòng Luật sư Tâm Đức (cũng là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại) cho rằng: "Nếu có sự tham gia của chúng tôi (luật sư), buổi thực nghiệm điều tra sẽ khách quan hơn rất nhiều. Hơn nữa, khi tiến hành thực nghiệm điều tra, bị can Lê Văn Luyện không có mặt, mà là một người khác đóng thế (diễn lại hành vi phạm tội). Sau này ra tòa, tôi sẽ có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này". Khi PV hỏi: ông có thể nói rõ hơn về những quan điểm trái chiều là như thế nào?" - Luật sư Thanh đáp: "Nếu tôi nói sớm, báo chí đăng tải lên các phương tiện thông tin đại chúng, sau này sẽ gây bất lợi cho chúng tôi".
Theo luật định, luật sư bào chữa cho bị can Lê Văn Luyện được tham gia ngay từ giai đoạn điều tra, tham dự các buổi lấy lời khai của bị can tại trại giam. Trong vụ án này, Lê Văn Luyện còn là người dưới 18 tuổi, phạm vào tội đặc biệt nghiêm trọng, khung hình phạt cao nhất là tử hình, luật quy định phải có luật sư bào chữa. Do vậy, so sánh một cách khách quan, luật sư bào chữa cho hung thủ đến thời điểm này được tiếp cận nhiều thông tin hơn luật sư phía bị hại.
Luật sư của gia đình bị hại thắc mắc...
Trở lại buổi thực nghiệm điều tra gây nhiều tranh cãi của cơ quan CSĐT- Công an tỉnh Bắc Giang hôm 30/9. Luật sư Trần Chí Thanh nêu quan điểm: "Tôi rất tiếc cơ quan CSĐT- Công an tỉnh Bắc Giang không mời chúng tôi tham gia buổi thực nghiệm điều tra. Mặt khác họ cũng không có ý kiến một cách rõ ràng với gia đình bị hại (thông báo trước hôm đó đến tiệm vàng Ngọc Bích để làm thực nghiệm điều tra). Do vậy bản thân gia đình bị hại cũng rất thụ động. Nếu chúng tôi có mặt trong buổi thực nghiệm điều tra, chắc rằng sẽ không có cản trở gì trong quá trình điều tra và việc thực nghiệm hiện trường sẽ được tiến hành một cách khách quan hơn. Điều này cũng tránh những bức xúc đến từ phía gia đình bị hại. Bởi vì họ được luật sư trợ giúp pháp lý trực tiếp, họ có quyền và chúng tôi cũng có quyền".
Hiện trường vụ án
"Chúng tôi nghĩ, đã làm công khai, thì công khai chung cho tất cả mọi người. Thế nhưng ở đây các cơ quan tiến hành tố tụng công khai đối với luật sư bào chữa cho bị can thôi, nhưng lại giấu luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại" - Luật sư Chí Thanh thắc mắc.
Cũng theo luật sư Thanh cho biết, đến chiều tối hôm đó luật sư mới được bà Mến (chị dâu anh Trịnh Thành Ngọc - đã chết dưới tay sát thủ Lê văn Luyện) thông báo việc thực nghiệm điều tra. Gia đình bà Mến ở gần tiệm vàng Ngọc Bích nên thường qua lại, trông nom, đèn nhang hương khói ở đó. Luật sư Thanh cho biết: "Theo bà Mến kể lại, chiều tối hôm trước khi tiến hành thực nghiệm điều tra (ngày 29/9), công an tỉnh Bắc Giang chỉ thông báo cho bà Mến sáng mai đến tiệm vàng Ngọc Bích có chút việc, chứ không hề có thông báo gì với gia đình bị hại rằng sáng mai sẽ tiến hành thực nghiệm điều tra. Nếu biết trước, gia đình bị hại sẽ thông báo ngay với chúng tôi (luật sư) để về Bắc Giang tham dự, chứ không phải nghe qua báo chí và bà Mến kể lại".
Theo nguồn tin riêng của PV Nguoiduatin.vn, phía gia đình bị hại đang rất quan tâm đến câu hỏi: Vì sao cơ quan CSĐT không mời luật sư bảo vệ miễn phí cho gia đình bị hại đến chứng kiến buổi thực nghiệm điều tra? Mặc dù đã hỏi nhiều, thế nhưng cơ quan CSĐT không đề cập đến vấn đề này một cách thấu tình, đạt lý khi trả lời: Cơ quan CSĐT thấy việc nào cần thiết thì mới gọi luật sư!? Điều này cũng đang khiến gia đình bị hại rất bức xúc.
Xem ra, việc gì cần thiết, cái gì không cần thiết sẽ được làm sáng tỏ tại tòa án. Còn vào thời điểm này, luật sư bảo vệ phía bị hại chưa đưa ra chính kiến của mình.
“Khám nghiệm hiện trường phải có mặt của bên bị hại”
Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn, luật sư Phạm Xuân Anh (người bào chữa cho bị can Lê Văn Luyện) cho biết, từ hôm ông tham gia buổi thực nghiệm điều tra đến nay được 1 tuần, nhưng ông vẫn chưa tiếp cận được thông tin gì mới liên quan đến vụ án. Là một cán bộ tòa án với 31 năm trong nghề, trong đó 24 năm liên tiếp giữ chức Chánh án TAND huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, luật sư Phạm Xuân Anh tỏ ra thận trọng khi bàn luận đến vụ thảm sát này.
Tuy nhiên, luật sư Xuân Anh cũng bật mí về suy nghĩ đang hiện hữu trong đầu ông về phiên tòa xét xử Lê Văn Luyện tới đây: "Với tư cách là luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Văn Luyện, tôi sẽ tiến hành theo hai hướng: Thứ nhất, tôi phải lên án mạnh mẽ tội ác của bị cáo Luyện, tìm ra nguyên nhân tại sao bị cáo này vi phạm pháp luật (gia đình không quản lý nổi, 16 tuổi đã cho đi làm thuê, cuốc mướn); Thứ hai, tôi phân tích sâu về luật (bám sát vào điều luật quy định tuổi vị thành niên phạm tội). Nếu tôi không bám sát vào điều luật, nói không chuẩn, không đúng, thì không thể bào chữa được cho bị cáo. Hành vi giết 3 mạng người của bị cáo Luyện rất tàn ác, dã man, xử bắn 3 lần cũng không thể thỏa đáng được. Tôi chỉ mới suy nghĩ trong đầu thế thôi".
Khi PV Nguoiduatin.vn hỏi luật sư Xuân Anh đánh giá thế nào về buổi thực nghiệm điều tra hôm 30/9 mà thiếu luật sư phía bị hại? Luật sư Xuân Anh trả lời thẳng thắn: "Chính quyền địa phương, người làm chứng, gia đình người bị hại, luật sư bào chữa cho bị can và các cơ quan tiến hành tố tụng đều có mặt đầy đủ trong buổi thực nghiệm hiện trường. Kể có luật sư phía bị hại thì tốt hơn!".
Khi biết bà Mến không phải là người đại diện cho phía gia đình bị hại, mặt khác lại không được biết chính xác hôm đó diễn ra thực nghiệm điều tra (như trên đã nói), luật sư Xuân Anh tỏ ra bị sốc trước thông tin này. "Nếu đúng như thế thì chưa chuẩn lắm. Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định khám nghiệm hiện trường phải có mặt bên bị hại"- Luật sư Xuân Anh nêu quan điểm.
Thiên Long