Thời gian gần đây, giới trẻ truyền tai nhau về giáo trình dạy cách tự tử thuộc hàng “độc nhất vô nhị”. Giáo trình đã liệt kê một số cách thức tự tử được cho là hiệu quả nhất và vạch ra cả ưu điểm lẫn nhược điểm của từng cách thức riêng biệt để một bộ phận giới trẻ khi gặp các “sự cố”, nỗi buồn... muốn quên hết sự đời thì “thực hành” theo. Việc lan tỏa của giáo trình “đen” này đã gây ra hệ lụỵ nguy hại trong xã hội.
Cách thức dạy tự tử đang được quảng cáo tràn lan trên mạng internet.
“Sốc” với phương pháp “dạy chết nhẹ nhàng”
Bác sỹ Nguyễn Hoàng An, khoa Hồi sức cấp cứu (bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Đa phần các trường hợp được đưa đến bệnh viện cấp cứu do tự tử còn rất trẻ, độ tuổi dao động ở khoảng 16 - 18 tuổi. Gần đây nhất là trường hợp của N.T.T.H, 18 tuổi nhà ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội. H. chọn hình thức tự tử bằng cách uống thuốc ngủ. Sau khi uống hết hơn hai chục viên thuốc ngủ, H. đã khóa trái cửa phòng. Rất may người nhà đã phát hiện và đưa đến viện cấp cứu kịp thời. Khi đã bình tâm trở lại, H. tâm sự với bác sỹ: “Cháu thấy trên mạng dạy tự tử rất đơn giản, nhẹ nhàng nên trong lúc quẫn trí đã sử dụng nó”.
Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội có tháng đã phải tiến hành cấp cứu cho hàng chục bệnh nhân đã “trót” thực hành theo giáo trình dạy tự tử trên mạng. BS. Cao Đức Chinh, cán bộ Khoa Cấp cứu bệnh viện cho biết: Ngày 14/7 vừa qua bệnh viện đã tiến hành cấp cứu cho trường hợp bệnh nhân Trần Thị N., 21 tuổi, hiện là viên chức của một trường học trên địa bàn Thanh Oai, Hà Nội. Do gia đình phản đối chuyện tình yêu nên chị N. đã cố tình ăn lá ngón để quyên sinh. Khi ăn xong, đôi mắt chị đờ đẫn, người lả đi không hay biết gì. Đúng lúc này có đứa cháu chạy vào phòng phát hiện thấy hiện tượng bất thường đã hô hoán gia đình, hàng xóm đến đưa đi cấp cứu.
Điều khiến các bác sĩ ở đây hết sức ngạc nhiên ở chỗ, khi hồi tỉnh chị N. tâm sự do hay đọc giáo trình dạy cách tự tử trên mạng cho nên khi gặp chuyện buồn, chị như bị “ma làm” cứ nghĩ đến những gì mình đã đọc nên mang ra thực hành.
Điều đáng báo động hiện nay đó là có rất nhiều trường hợp, sau khi thoát khỏi lưỡi hái tử thần đã cho biết, do mày mò trên mạng nên phát hiện ra một số trang web có hướng dẫn cách tự tử. Lúc đầu do hiếu kì, đọc để đấy, đến khi có chuyện buồn xảy ra với mình thì bản thân như mất ý thức, không kiểm soát được. Họ nhớ lại thấy trang mạng hướng dẫn như thế nào thì làm theo thế đó như một kẻ vô hồn.
“Căn bệnh” cần trị tận gốc
Với sự phát triển như vũ bão của các trang mạng hiện nay không quá khó để người đọc có thể tìm ra cuốn “Giáo trình dạy tự tử”. Cùng với đó là những lời lẽ, phương thức hướng dẫn kiểu câu khách khiến bất kì ai truy cập mạng cũng không thể không bỏ qua. Mở đầu một bản giáo trình dạy tự tử được quảng bá trên mạng bằng câu: "Đây là giáo trình dạy tự tử hiệu quả và đầy đủ nhất hiện nay". Sau đó giáo trình này liệt kê cách cách thức tự tử và hướng dẫn tỷ mỉ với những cái tên mang đậm phong cách "võ lâm" như: "Hỏa phụng bái thiên" (tự thiêu bằng xăng); "Sấm chớp vang trời" (tự tử bằng điện); "Đường lên thiên đàng" (treo cổ)...
Điều đặc biệt là bên cạnh mỗi cách thức tự tử được hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết thì đều có hình vẽ rất cụ thể để minh họa cho những lý thuyết vừa nêu ra.
Nhảm nhí là vậy song khá nhiều bạn trẻ tỏ ra đồng tình và đưa ra những lời bình luận khiến người xem dựng tóc gáy: “Nhảy sông chết khi vớt xác lên trông sẽ rất xấu xí, người trương phình, mắt lồi như hai đèn pha ô tô. Muốn xác của mình xinh đẹp cho vào quan tài thì không nên chết theo cách này...”, nickname xuongronggai bình luận. Tuy nhiên, những cách chết tưởng chỉ là đùa giỡn này, lại được không ít bạn trẻ thực hiện. Thậm chí nhiều vụ tự tử còn có kịch bản khá giống với những nội dung ở “Giáo trình dạy tự tử”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lan, Bệnh viện Y học Thể thao nhấn mạnh: “Hiện nay các trang mạng internet cho đăng tải hàng loạt các phương pháp, giáo trình dạy tự tử đang là hiện tượng đáng báo động. Bởi đây sẽ là những cách thức rất dễ bị tiếp cận và học theo từ phía các bạn trẻ hiện nay. Trên thực tế cũng đã xuất hiện rất nhiều trường hợp bị bệnh trầm cảm, đòi tự tử hay chí ít cũng đã có những hành động tương tự cách hướng dẫn của giáo trình dạy tự tử. Do vậy, đây sẽ là mối lo ngại lớn về sự bấn loạn trong tâm lý tuổi vị thành niên”. Việc đăng tải các chương trình dạy tự tử là một hành động lên án. Các cơ quan chức năng cần xử lí nghiêm những trang web có nội dung thông tin “bẩn” nêu trên.
Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, chuyên gia tâm lý: “Kiểu thông tin thế này có nguy cơ hủy hoại đời sống của một con người hay nói cách khác là không có tính nhân văn. Gia đình, các cơ quan truyền thông cần quan tâm để có những tác động mang tính tương hỗ trước những kiểu “dạy dỗ” khủng khiếp như giáo trình dạy tự tử”. |
Văn Hoàng