Đó là "Vua lúa giống" Võ Văn Chung (thường gọi Hai Chung) chủ trang trại heo giống lớn nhất tỉnh Tiền Giang.
Bảy hạt thóc bằng bảy hạt xoàn
Những năm 1977-1978, dịch rầy nâu hoành hành khắp các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long khiến nhà nông thiệt hại nặng nề.
Để tìm ra lối thoát trong cơn bĩ cực cho ngành lúa nước lúc bấy giờ, GS-TS Võ Tòng Xuân (Đại học Cần Thơ) đã cất công sang Viện lúa IRI của Philippin để tìm và mang giống lúa IR36 về phân phát cho ngành nông nghiệp Đồng Bằng Sông Cửu Long trồng thử nghiệm.
Được tin, chủ tịch tỉnh Tiền Giang cũng gợi ý cho Hai Chung qua Cần Thơ xin lúa giống về trồng thử. Nhớ lại lần đầu tìm lúa giống, ông kể: "Biết giống mới, tôi vội vàng xuống Cần Thơ tìm GS -TS Võ Tòng Xuân xin lúa giống. Nhưng đã muộn, lúa giống được phân phát hết. Tôi cố nài, ông Xuân đành đích thân lục hết bao này đến bao khác, cố tìm lấy cho tôi vài hạt. Giũ mãi cả đống bao mới rớt ra được tám hạt lúa con con".
Mang được tám hạt thóc quý về nhà, Hai Chung trân trọng và cất giữ như vừa được báu vật. ông xăm xoi, nâng niu và đặt vào đó những kỳ vọng: "Lúc mang về tôi quý lắm. Quý đến nỗi nếu gà mà ăn hạt nào, tôi quyết mổ bụng ra lấy lại cho bằng được. Tám hạt thóc này tôi xem như tám hạt xoàn".
Tuy nâng niu là thế, quý trọng là thế nhưng khi gieo vào chậu đất trồng cây trước nhà, để tiện bề chăm sóc lay hoay thế nào, ông lại làm rơi mất một hạt, nên chỉ còn bảy hạt. Bảy hạt lúa được ông gieo vào đất cùng với những kỳ vọng về một ngày người nông dân thoát khỏi giặc đói. Ông lấy giỏ che chắn cái chậu cẩn thận, tránh côn trùng, gà vịt ăn mất.
"Hằng ngày, tôi vẫn chăm nom, coi sóc và chờ đợi bảy hạt đó nảy mầm thành cây như đang trông mong bảy đứa con. Thấy vậy, nhiều người cùng thời chê những hành động đó của tôi và cho rằng tôi "lẩm cẩm". Nhưng tôi vẫn nhất nhất đặt vào đó những niềm tin".
Hồi đó, lúa giống phân phát ra, nông dân các tỉnh đem về gieo trồng chẳng may gặp lũ lụt, rầy nâu nên thất bại hoàn toàn. Người dân không chỉ mất mùa còn mất cả lúa giống. "Riêng tôi, vì có chút kinh nghiệm chăm sóc, số lượng lúa ít, lại trồng trong chậu nên lúa của tôi không bị rầy nâu. Bảy hạt thóc của tôi mọc thành bảy bụi lúa. Bảy bụi lúa trước đã quý nay còn quý hơn. Sau đó, tôi lấy bảy bụi lúa chiết ra đem cấy ngoài ruộng", ông kể.
Không ai ngờ được chỉ có vẻn vẹn bảy hạt lúa, ông Hai Chung đã "hô biến" chúng thành 60 tấn lúa giống kháng rầy nâu, năng suất cao, đẻ nhiều nhánh, bông dài, hạt chắc, gạo dẻo thơm ngon. Với 60 tấn lúa giống có giá trị ưu việt so với giống cũ trong bối cảnh nền lúa nước đang trong lúc khủng hoảng trầm trọng, Hai Chung thực sự đã tìm thấy hướng đi mới cho chính mình và người nông dân cùng thời. Và từ đó, biệt danh "ông vua lúa giống" trở thành cái tên thứ ba của ông.
Như một phép lạ, lần đầu tiên, người nông dân trong vùng thấy được giống lúa ưu việt đạt kỷ lục 5 tấn /ha/vụ. Nông dân khắp các tỉnh lân cận ùn ùn kéo về tìm nhà Hai Chung mua giống và nhờ ông hướng dẫn kỹ thuật.
Được biết, thời điểm đó lúa giống 20kg lúa tương đương với một chỉ vàng. Ai cũng biết, 60 tấn lúa IR36 của ông Hai vô cùng quý giá, muốn mua cũng chưa chắc được. Thế nhưng, khác với những suy nghĩ của mọi người cho rằng ông sẽ làm giàu từ số thóc giống khổng lồ trên, ông lại hỗ trợ cả giống và kỹ thuật miễn phí cho người dân các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Ông Hai Chung và tấm phản từng là nơi nghỉ ngơi của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Những kỷ niệm đáng tự hào
"Những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo tỉnh hân hoan chào đón và đưa đại tướng đi thăm khắp nơi để xem cuộc sống của người dân, chủ yếu là nông dân sau lũ lụt và dịch rầy nâu làm thất bát mùa màng. Được lãnh đạo tỉnh giới thiệu ông Hai Chung làm nông nghiệp rất giỏi và được người dân miền tây phong danh "vua lúa giống", đại tướng nhất quyết xuống thăm nhà người nông dân nổi tiếng này cho bằng được.
... Xe đại tướng dừng lại trước nhà ông Hai Chung. Đang loay hoay ngoài ruộng, ông Hai bất ngờ chạy vào nhà xem khách quí nào đến thăm. ông chưa kịp định thần thì đại tướng kéo tay ông và bảo "anh Hai vào xe với tôi đi thăm bà con nông dân". Mặc dù, mọi người ngăn cản không cho ông Hai lên xe nhưng đại tướng nhất mực muốn ngồi cùng người nông dân có một không hai này để cùng nói chuyện về cách làm nông nghiệp hiệu quả.
Ông cũng được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc này làm bí thư thành ủy TP.HCM mời về xem hoạt động nông nghiệp ở địa phương và hướng cách làm mới cho người dân ở các huyện vùng ven như Hóc Môn, Củ Chi. Sau khi Hai Chung về, khoảng một thời gian sau, cố Thủ tướng lặng lẽ một mình xuống thăm nhà ông để cảm ơn và cũng để trò chuyện về cách làm nông của người nông dân thuần túy quanh năm chỉ biết gắn bó với ruộng đồng.
Trang trại heo giống lớn nhất tỉnh Tiền Giang của Hai Chung chính là món quà quí mà cố Thủ tướng đặc biệt dành tặng. "Tối ở lại nhà tôi, Thủ tướng có gợi ý "anh Hai làm ruộng, trồng cây giỏi thế sao không thử nuôi con gì xem có thành công không. Tôi thấy anh Hai rất mát tay trong nông nghiệp, để tôi về tôi gửi xuống cho anh Hai con heo giống ngành nông nghiệp thành phố mới nhập về, anh nuôi thử", ông nhớ lại.
Từ hai con heo giống của cố Thủ Tướng, ông Hai Chung phát triển thành một trang trại heo giống có qui mô lớn với diện tích rộng 1,6ha, có hơn 300 con heo giống và hơn 1.000 con heo thịt. Qua mấy mùa dịch bệnh, heo ở đâu cũng bệnh chỉ riêng heo của ông Hai Chung nuôi thì cứ khỏe mạnh và sinh sản đều đều.
"Vua lúa giống" hiện vẫn đều đặn tiếp nhận những lớp sinh viên ngành nông nghiệp của các trường Đại học khắp các tỉnh ĐBSCL về thực tập. Chia tay mỗi lớp sinh viên", ông gửi gắm vào đó lòng nhiệt thành, niềm trăn trở về một nền nông nghiệp khoa học và hiện đại.
Với tài năng, kinh nghiệm làm nông và thành quả lớn lao trong việc nhân giống IR36, giúp nông dân trong vùng thoát khỏi nạn mất mùa, ông Hai Chung được bà con nơi đây tín nhiệm bầu vào giữ chức chủ nhiệm HTX Nông nghiệp An Phú, xã Lương Hòa Lạc. Và tại đây, khi tại vị, ông cùng xã viên liên tục nhân ra hàng chục loại giống mới, có chất lượng cao phục vụ quá trình sản xuất lúa của nông dân. Theo những bậc cao niên tại Chợ Gạo: Thời gian đó, lãnh đạo các tỉnh khác nghe danh ông "vua lúa giống" có tài trồng lúa xuất chúng nên không tiếc lời mời ông về thăm tỉnh nhà, đề nghị ông hướng dẫn người dân trồng lúa, nâng cao kỹ thuật trồng lúa nước cho nông dân tỉnh mình. Như lời ông nói "có lẽ trời thương" và cũng nhờ kinh nghiệm làm nông lâu năm, ông đi tới đâu, nông nghiệp phát triển đến đó, người dân thoát khỏi cảnh thiếu đói. |
Hà Nguyễn - Ngọc Lài