Reuters mới đăng tải bài bình luận về hoạt động tăng cường sức mạnh của Hải quân Trung Quốc trong thời gian gần đây. Cụ thể, nhiều tháng qua, Trung Quốc đã tăng cường đáng kể vai trò của Hải quân Quân đội Giải phóng nhân dân (PLA) như đưa đô đốc chủ chốt lên làm Tư lệnh Hải quân, lần đầu tiên cho tàu sân bay đi vòng quanh Đài Loan, đồng thời hiên ngang triển khai tàu chiến trên nhiều vùng biển quốc tế xa xôi khác.
Giới chuyên gia quan sát quân sự của Reuters cho rằng Bắc Kinh đang ráo riết tìm cách thu hẹp khoảng cách tiềm lực hải quân với Mỹ. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết tăng cường tàu chiến cho Hải quân nước này từ 290 lên 350 chiếc.
Các trợ lý của ông Trump cho rằng đây là chiến lược cần thiết để đối phó, ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc cùng tham vọng vươn lên thành cường quốc quân sự, bành trướng trên khắp các vùng biển quốc tế của Bắc Kinh thời gian qua.
Các nhà ngoại giao của Reuters phân tích, trong công bố ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2016, nước này không đưa ra chi tiết các chi tiêu dành cho hải quân mà chỉ nêu con số tổng thể, khoảng 139 tỷ USD, mức thấp kỷ lục trong 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng chắc chắn chi tiêu dành cho hải quân không hề giảm như xu hướng của những con số được công bố.
Nghiên cứu sinh cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam ở Singapore, ông Richard Bitzinger khẳng định: "Chắc chắn Bắc Kinh luôn ưu tiên chi "mạnh" ngân sách cho Hải quân Trung Quốc nhất trong tổng chi tiêu quốc phòng suốt 15 năm qua. Chỉ cần xem xét số lượng những phương tiện được "trình làng" từ các nhà máy sản xuất, xưởng đóng tàu là đủ hiểu".
Số liệu chính thức được các chuyên gia ghi nhận báo cáo rằng năm 2016, Hải quân Trung Quốc được bên chế thêm 18 tàu các loại gồm tàu khu trục, tàu hộ tống, tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường... Tuy nhiên, số lượng này vẫn chưa 'nhằm nhò' gì với Mỹ, Hải quân Mỹ sở hữu 10 tàu sân bay trong khi Trung Quốc chỉ có 1 tàu Liêu Ninh từ thời Liên Xô cũ.
Reuters ghi nhận suốt thời gian qua, Hải quân Trung Quốc đã có nhiều chuyến thăm đến các quốc gia vùng Vịnh, nơi mà Mỹ có truyền thống hiện diện nhằm bảo vệ các tuyến đường biển như biển Đông, Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương.
Nhìn lại diễn biến năm 2016, Mỹ luôn củng cố, triển khai các hoạt động quân sự của Hải quân nước này kết hợp với nhiều đối tác nhằm kiểm soát sự "bành trướng" thường xuyên của Bắc Kinh trên nhiều vùng biển. Không ít lần hải quân nhiều nước trên thế giới bất ngờ phát hiện tàu Trung Quốc xuất hiện trên các vùng biển mà không thông báo trước. Sau đó, việc Bắc Kinh thản nhiên "viện cớ" cho hoạt động hải quân của nước họ đã không còn xa lạ với truyền thông quốc tế.
Nhận định về hoạt động tăng cường tiềm lực hải quân của Trung Quốc, một nhà ngoại giao Châu Á giấu tên tại Bắc Kinh phân tích: "Cơ hội tạo ra trong sự khủng hoảng. Trung Quốc đang xôn xao với nỗi lo sợ ông Trump sẽ chống lại Bắc Kinh vì Tổng thống thứ 45 của Mỹ rất khó đoán".
Với tình hình trên, liệu thế giới sẽ chuẩn bị chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang giữa nhiều cường quốc trong tương lai?
Hà Nguyễn
Xem thêm >>> Nga lại 'đi đầu xu thế' với hợp đồng mua dầu 'khủng' từ Iran