Chất lượng nhạc trẻ - SOS
Theo thống kê, nhạc thị trường chiếm 70% dòng nhạc trẻ. Nhạc sĩ Huy Tuấn đã từng nhận định: "Ca khúc vừa được thị trường chấp nhận, vừa được người trong nghề đánh giá cao là điều lý tưởng. Các nhạc sĩ ngày nay đa số là người trẻ, họ cần danh tiếng, cần tiền, nên cũng dễ hiểu khi họ bị thị trường chi phối, khiến nhạc thị trường xuôi theo chiều hướng dễ dãi, nhảm nhí, bi lụy".
Tại Việt Nam, đa số những ca sĩ trẻ theo dòng nhạc thị trường, hát những ca khúc theo thị hiếu, sau khi có được vài ba bài ăn khách thì liên tục ra album. Trong khi khán giả chưa kịp nhớ tên những ca sĩ này thì lại xuất hiện lớp ca sĩ trẻ khác, nhưng đó chỉ là thứ âm nhạc mà những nhạc sĩ thực thụ phải ngán ngẩm thốt lên rằng đó là "thảm họa âm nhạc".
Đan trường khôn khéo chuyển sang hát nhạc trữ tình
Hiện nay, dòng nhạc phương Tây được du nhập vào Việt Nam với đa dạng các thể loại nhưng hầu hết chưa đạt được thành tựu như đúng nghĩa của dòng nhạc trẻ đó mà gây ra méo mó, lệch lạc, phản cảm và phản văn hóa. Ca khúc ngoại quốc thuộc dòng pop và pop - rock được giới trẻ tại Việt Nam ưa chuộng với 2 thể loại đó là rock an roll, classic rock và latin rock, nhưng những bản nhạc được các nhạc sĩ Việt sáng tác thì chưa thể đáp ứng về nghệ thuật. Nhạc teen pop là dòng nhạc dành cho nhóm trẻ gồm 5 - 7 người, họ hát, họ gào và nhảy múa điên đảo trong những bộ trang phục khác người.
Thực chất, ca từ thì trống rỗng, nhịp điệu thì không ra thể loại gì. Dòng nhạc rap, hip - hop chủ yếu thịnh hành trong giới "choai choai", vào Việt Nam lại bị sáng chế thành méo mó, lệch lạc. Ví dụ: Trong bài Rock con diều của Võ Thiện Thanh thuộc dòng nhạc rock nhưng lại không có những đảo phách, hoặc đặc trưng của thể loại mà mang âm hưởng của pop pha lẫn nhạc "sến". Những ca khúc trong phim Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản bị chế ra lời Việt xoay quanh nội dung chính của bộ phim như: Tình yêu xa cách, Nỗi buồn chia ly, Nhớ thương, Đau khổ, Tình yêu phụ bạc...
Tệ hại hơn nữa, việc đạo nhạc ở Việt Nam cũng nhan nhản. Có những ca khúc lời Việt chế theo nhạc của ca khúc ngoại quốc. Có những nhạc sĩ Việt vô tư chế nhạc rồi chú thích: Nhạc Ý, lời Việt - Trần M.G. Ca sĩ thể hiện một ca khúc bằng hai thứ tiếng nhưng nghĩa hai đoạn trong bài hát bằng 2 thứ tiếng lại mâu thuẫn nhau.
Hiện, thể loại nhạc trẻ Việt ít xuất hiện những ca khúc chất lượng, bên cạnh đó là những bài hát theo kiểu thị trường, có nhiều bài hát do chính những ca sĩ chưa qua một trường lớp đào tạo về thanh nhạc cũng sáng tác.
Tùng Dương thử sức với những ca khúc trữ tình
Ca sĩ trẻ chuyển sang hát nhạc trữ tình
Để tránh tình trạng chạy theo nhạc thị trường với những ca từ trống rỗng, vô bổ, chủ yếu chạy theo thị hiếu của số đông để mong nổi tiếng thì có những ca sĩ dòng nhạc trẻ đã khôn khéo chuyển sang hát nhạc trữ tình.
Thanh Lam từng được xem là người gây dựng nên nhạc pop Việt, từng được mệnh danh là "nữ hoàng nhạc pop" trong khoảng 10 năm. Thanh Lam là lớp ca sĩ tiên phong trong dòng nhạc trẻ Việt Nam. Allbum thành công nhất của ca sĩ này là "Mây trắng bay về", khi thực hiện với nhạc sĩ Quốc Trung (chồng cũ của cô). Tuy nhiên, hiện xu hướng của Thanh Lam cũng đang chuyển dần sang dòng nhạc trữ tình.
Hồng Nhung thông minh, cẩn thận, cô chinh phục khán giả bằng sự kỹ lưỡng của tổng thể. Năm 2002, Hồng Nhung là diva xuất hiện đều và giữ được mối liên hệ thường xuyên với khán giả từ trang phục, lời dẫn cho đến cách hát và cách trình diễn. Thời gian sau cô phát hành album Ngày không mưa. Ngoài những ca khúc thành công như Họa my hót trong mưa, Ngày không mưa thì các ca khúc khác vẫn bị lạc với cách hòa âm, phối khí. Sau này Hồng Nhung nhận thấy điểm mạnh của mình phù hợp âm nhạc hơi cũ của Trịnh Công Sơn và Dương Thụ nên ca sĩ này đã bạo dạn chuyển sang hát nhạc trữ tình. "Cô Bống" đã rất thành công với Ru tình, Tuổi đá buồn...
Ca sĩ Đan Trường là một ca sĩ thành công với dòng nhạc nhẹ tại Việt Nam vào những năm 90 của thế kỷ trước. Khi bước vào nghề, Đan Trường tạo được "cơn sốt" bởi công nghệ lăng xê của ông bầu Hoàng Tuấn. Nhưng càng ngày anh càng được công chúng đón nhận vì sự tiến bộ về giọng hát và cách xử lý ca khúc. Đan Trường có chất giọng nhẹ, trầm, khả năng hát khá đa dạng các dòng nhạc nhẹ, nhạc trẻ, rock, hip - hop, dance... Theo thống kê, Đan Trường được xem là ca sĩ có lượng khán giả hùng hậu nhất trong số các ca sĩ Việt. Đã từng có một thời anh "Bo" ảnh hưởng mạnh mẽ của các bài hát nhạc Hoa - lời Việt hay hay song ngữ Hoa - Việt. Có những allbum được dựng theo trang phục cổ trang của Trung Quốc, ca khúc thì ảnh hưởng từ ca từ lẫn giai điệu... Hiện, anh "Bo" đang có xu hướng chuyển sang hát những ca khúc cách mạng và dân ca như allbum Người hai quê (2012), Hùng thiêng Âu Lạc (2010)...
Giọng hát của Hồng Nhung phù hợp với những ca khúc trữ tình
Có nhiều ca sĩ khi chuyển qua hát dòng nhạc trữ tình đã làm mới hình ảnh của mình bằng phong cách biểu diễn riêng. Mỹ Linh ra allbum cho Một người tình xa (1996), tuyển tập những bản nhạc của Phú Quang và Còn mãi tìm nhau (tuyển tập những bản nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn). Có thể nói "giọng hát kén chọn người nghe" này vẫn được công chúng yêu mến như khi cô hát nhạc trẻ. Tùng Dương là ca sĩ thể hiện được nhiều thể loại khác nhau, trong đó có pop, jazz, dân gian đương đại, nhạc cách mạng, nhạc tiền chiến, tình khúc 1954 - 1975. Tuy nhiên, ca sĩ này lại thành công hơn với dòng nhạc trữ tình. Tùng Dương vừa đoạt giải nhất bài hát yêu thích của năm với Chiếc khăn Piêu của nhạc sĩ Doãn Nho.
Nhiều ca sĩ trong nước được đào tạo bài bản, song so với ca sĩ trẻ hát nhạc trữ tình ở hải ngoại thì ca sĩ Việt còn thua xa. Những thế hệ trẻ có năng khiếu sẽ được các trung tâm chuyên nghiệp đào tạo thanh nhạc, kỹ năng làm chủ sân khấu... Sau đó sẽ theo học qua những ca sĩ, nhạc sĩ và tự tạo phong cách biểu diễn riêng biệt. Những ca sĩ này khi đạt đến "độ chín" sẽ được những ca sĩ nổi tiếng đưa ra giới thiệu trên các sân khấu lớn như: Paris By Night, Asia... Có thể nói những ca sĩ trẻ thành công ở dòng nhạc trữ tình này đó là Đan Nguyên, Quang Lê... Họ có thể tổ chức được cả những liveshow riêng với lượng fan hâm mộ cực lớn và bền bỉ. Trong khi đó những ca sĩ trẻ, đặc biệt là ca sĩ hát nhạc thị trường thì không được đào tạo bài bản cũng lên sân khấu. Do đó, họ chỉ nổi tiếng với một vài bài rồi chẳng còn ai nghe họ hát nữa.
Có thể do vội vàng hay chưa thật sự chín muồi về nghệ thuật nên rất nhiều ca sĩ nhạc trẻ chuyển sang hát nhạc trữ tình vẫn chưa khẳng định được chỗ đứng. Lý Hải được công chúng mến mộ với allbum Trọn đời bên em, nhưng khi anh thử sức ở những bài hát trữ tình thì... tắt ngấm. Lưu Chí Vỹ, thành viên tách ra từ nhóm AXN, sau khi theo dòng nhạc trẻ cũng chuyển sang hát nhạc trữ tình, đặc biệt là những bài hát của nhạc sĩ Lam Phương, nhưng công chúng không biết Vỹ là ai.
Điều cốt lõi để những ca sĩ như Mỹ Linh, Thanh Lam, Hồng Nhung... thành công chính là do sức bền của chất giọng và phong cách biểu diễn riêng, sự sáng tạo và phá cách trên sân khấu độc đáo, không pha lẫn hay bắt chước một ca sĩ nào. Trong khi đó, ca sĩ trẻ, vì mải kiếm tiền, mải nổi tiếng nhất thời, họ chỉ "âm vang" được 1 đến 2 ca khúc "tủ" trong khán giả "choai choai" rồi tắt lịm. Mà, khán giả tuổi teen thì cũng nhanh quên, nhanh tiếp cận với bài hát, ca sĩ mới nên ca sĩ trẻ dòng nhạc thị trường đã rơi vào "thảm hoạ" là điều khó tránh khỏi.
Ca sĩ trẻ chưa quen với dòng nhạc trữ tình Nhạc sĩ Trần Tiến nhận định: Hiện nay, những bản nhạc trữ tình của những nhạc sĩ thuộc bậc lão làng như Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Lam Phương, Trịnh Công Sơn, Dương Thụ, Phú Quang... luôn là "mảnh đất lắm người nhiều ma" với ca sĩ trẻ. Ca sĩ nhạc trữ tình của những nhạc sĩ nổi tiếng đòi hỏi người hát phải hiểu bản chất ca từ, hoàn cảnh sáng tác, tâm trạng của người sáng tác thì mới hát thành công được. Trong khi, ca sĩ trẻ còn thiếu một cái đó là cái hồn của giọng hát. |
> Đọc thêm: Quy luật: Muốn có vai chính, phải làm tình với đạo diễn
Thế Hoàng