Năm 2003, khi vừa nghỉ hưu, ông Nguyễn Xuân Liên (một cựu chiến binh ở Hà Nội) bắt đầu thực hiện ý tưởng xây dựng Làng chiến tranh tại khu du lịch Vực Quành (xã Nghĩa Ninh, TP. Đồng Hới, Quảng Bình). Vợ con không hài lòng, nhiều người còn cho ông gàn dở, nhưng mảnh đất Quảng Bình gió Lào cát trắng, bom đạn chiến tranh một thời tuổi trẻ đã hút hồn ông. Với một phần tiền nhận được từ việc bán ngôi nhà ở Hà Nội, Làng sinh thái chiến tranh chính thức ra đời bằng công sức lao động của ông Liên và nhiều người dân nơi đây trong hàng năm trời.
Mô hình trường học dưới lòng đất dần xơ xác
Ngoài những kỷ vật người dân hiến tặng, ông Liên đã đi khắp nơi tìm kiếm những gì còn sót lại của chiến tranh để gom về ngôi làng đặc biệt của mình. Một thời gian sau, tỉnh Quảng Bình đã công nhận ý nghĩa lớn lao của Làng kháng chiến. Thời gian đầu, đông đảo du khách khắp nơi đã về đây để được sống trong không khí của những ngày kháng chiến gian khổ. Tuy vậy, sau vài năm đầu sôi động, khu du lịch sinh thái lịch sử Vực Quành đang xuống cấp nghiêm trọng.
Ngày mới hoàn thành, ngôi làng chiến tranh - bảo tàng sống độc nhất vô nhị của ông Liên đã trở thành một điểm đến vô cùng hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Nhiều đoàn làm phim đã chọn nơi để dựng cảnh chiến tranh vì không tốn tiền phục dựng, hoàn toàn miễn phí địa điểm và được hỗ trợ tối đa từ chủ nhân của nó. Nhiều đạo diễn ca nhạc chọn Vực Quành để quay ngoại cảnh vì thiên nhiên thoáng đẹp, có nhà tranh vách lá, có sông, suối… Nhiều thầy cô giáo đưa học sinh đến Vực Quành để học học lịch sử bằng phương pháp trực quan; nhiều đoàn sinh viên chọn Vực Quành để kiến tập, thực tập. Tuy vậy, chính tinh thần không vụ lợi đã khiến cho gánh nặng về kinh tế đè lên tâm huyết của ông gàn Hà Nội.
Đón tiếp chúng tôi trong ngôi nhà truyền thống đã mục nát lâu ngày, người giúp việc kiêm hướng dẫn viên ở địa phương tên là Đào Hữu Toàn thở dài ngao ngán: “Ngày trước tôi vất vả lắm, dẫn khách tham quan suốt ngày không nghỉ, có khi cơm trưa cũng ăn vội vì nhiều đoàn khách từ xa tới, họ không có thời gian chờ đợi. Tất bật nhưng vui lắm. Giờ đây, khi các hạng mục trong làng chiến tranh đã xuống cấp, không còn ai mặn mà với nó nữa, tôi chỉ biết quanh quẩn với bốn bức tường, công việc chủ yếu là đuổi mấy con trâu người ta thả rông ăn lạc vào đây mà thôi”.
Theo quan sát của chúng tôi, ở khu bảo tàng chính, những ngôi nhà mái tranh đã mục nát rất nhiều, mái thủng lỗ chỗ, trơ cả rui mèn và lộ những khoảng trời lớn. Nhiều đoạn hào giao thông do không có người tu bổ nên cỏ mọc um tùm khắp nơi. Trong những căn nhà tranh nửa nổi nửa chìm - mô phỏng lớp học, nhà giữ trẻ, nhà cứu thương, các dụng cụ như nôi trẻ em, bàn ghế, phản gỗ… đều đã mục nát, phủ đầy bụi đất.
Anh Đào Thanh Toàn ngậm ngùi cho biết: “Phần lớn các công trình, nhà cửa đều được làm bằng tranh tre, nứa lá theo kiểu ngày xưa nên mỗi năm đều phải duy tu, bảo dưỡng. Thế nhưng vì số tiền đầu tư ban đầu quá lớn, ông Liên chỉ là một cựu chiến binh nên cũng chẳng lấy đâu ra tiền để sửa sang mãi được. Việc xuống cấp là không tránh khỏi”.
Được biết, mấy năm đầu thành lập, ông Nguyễn Xuân Liên vì tâm huyết với mảnh đất Quảng Bình nên đã chuyển về đây ở hẳn để xây dựng di tích và hướng dẫn khách tham quan. Hai năm nay, lượng tiền mà ông tích góp được đã vơi đi, các công trình lại trên đà xuống cấp cộng với khoản thuế đất không nhỏ nên ông Liên đã trở ra Hà Nội. Theo lời anh Toàn, chủ nhân của ngôi làng đặc biệt này vẫn mang nặng tình cảm với nơi này bởi sự tri ân không bao giờ có giới hạn. Ông Liên đang vận động con cái mình giúp thêm tiền để duy trì và bảo tồn khu du lịch nhưng nguồn kinh phí cũng không đáng kể.
Chờ sự trợ giúp từ chính quyền Anh Đào Thanh Toàn chia sẻ: “Trước mắt chúng tôi vẫn mong tỉnh Quảng Bình có chính sách giúp đỡ, ít nhất cũng miễn thuế đất 10 năm để ông Liên dành tiền tiếp tục đầu tư tu bổ cho bảo tàng này”. Thiết nghĩ giờ đây vẫn chưa muộn để cứu ngôi làng nếu chính quyền địa phương và những người làm du lịch thật sự có trách nhiệm với cộng đồng, với lịch sử. |
Hồ Ngọc