Theo tìm hiểu của PV, các đầu nậu đứng ra tuyển dụng người dân địa phương, vận chuyển phương tiện, máy móc vào dựng lán trại, khoan núi khai thác vàng trái phép. Hoạt động này đã kéo dài hơn một năm này, nhưng chưa bị xử lý dứt điểm .
"Đại công trường" này nằm trên ngọn núi Pù Kẹp, cách trung tâm UBND xã Hữu Khuông (Tương Dương) khoảng 3 giờ đi bộ bằng đường rừng. Hàng ngày, tại khu vực này, có từ 5-7 điểm khai thác vàng trái phép.
Các dụng cụ thô sơ như xà beng, cuốc, xẻng … được những người thợ sử dụng, đào những đường hầm sâu hàng trăm mét, vào trong núi để tìm vàng. Sau khi đất đá được đưa ra khỏi núi, một tốp thợ khác sẽ có nhiệm vụ sử dụng máy móc chuyên dụng để "đãi vàng".
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Lô Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông cho biết: "Sau khi nhận được thông tin, UBND huyện Tương Dương đã thành lập đoàn liên ngành, gồm: Phòng Tài nguyên-Môi trường, Công an huyện phối hợp với chính quyền địa phương, tiến hành truy quét, đẩy đuổi "vàng tặc".
Do ngọn núi Pù Kẹp cách trung tâm xã hơn 3 giờ đồng hồ đi bộ, đường núi hiểm trở nên công tác truy quét gặp nhiều khó khăn. Khi lực lượng chức năng vào đến "đại bản doanh" của công trường, các chủ đầu nậu đều đã hay tin, trốn hết, chỉ bắt được một số người dân địa phương.
Đoàn liên ngành đã tiến hành phá hủy 12 máy nổ Đông Phong, 14 lán tạm, 6 máy nghiền đá, 6 máy khoan, 2 máy hàn, 1 máy bơm nước, 2 củ điện, hơn 100m dây điện, 2000m đường ống dẫn nước, thu giữ 1 máy cưa xăng mà nhóm "vàng tặc" này để lại.
“Trong năm 2016, chúng tôi đã tiến hành 2 cuộc truy quét, đẩy đuổi vàng tặc. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng vừa rút, chúng lại hoạt động. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ giao cho lực lượng công an, quân sự tăng cường tuần tra, kiểm soát và truy quét, để ngăn chặn tình trạng trên”, ông Chiến cho biết thêm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Trọng Hoàng, Bí thư Huyện uỷ Tương Dương cho biết: “Chúng tôi liên tiếp chỉ đạo, truy quét tất cả các điểm khai thác trái phép trên địa bàn, nhằm đảm bảo an ninh trật tự. Tuy nhiên, các đối tượng cầm đầu sử dụng lao động là người sở tại, địa điểm khai thác nằm tại khu vực rừng núi hiểm trở nên quá trình truy quét gặp nhiều khó khăn".
Điều đáng nói, sau khi khai thác xong, những nhóm "vàng tặc" này bỏ đi, để lại những chiếc hố sâu hàng chục mét, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người và vật nuôi, hoạt động ở khu vực rừng sản xuất này. Chưa kể, việc đào bới rừng vô tội vạ, kéo theo bao nhiêu hệ lụy từ sự thay đổi cấu trúc thiên nhiên. Chúng tôi thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, để sớm giải quyết dứt điểm vấn nạn này.
Xuân Chinh