Về việc này, luật sư Nguyễn Văn Đức nói gì về mức án Luyện sẽ phải nhận?
Một người gây án, “cả họ” đi tù
Trong vụ án kinh hoàng vừa qua, cho đến khi bắt được nghi phạm Lê Văn Luyện, một số người trong gia đình và họ hàng Luyện cũng bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội danh: che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm. Ông có nhận xét gì về việc này?
Nếu những thông tin được đăng tải từ các cơ quan báo chí là chính xác thì tôi cho rằng việc cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam họ về hành vi che giấu tội phạm (điều 313) và không tố giác tội phạm (314) Bộ luật hình sự là phù hợp.
Theo đó, dấu hiệu của tội che giấu tội phạm được điều luật mô tả: Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm được qui định tại khoản 1 điều 313, trong đó có tội giết người (điều 93), tội cướp tài sản (điều 133) được qui định trong Bộ luật hình sự thì phạm tội che giấu tội phạm.
Ở đây, bị can Lê Văn Luyện bị Cơ quan điều tra khởi tố về tội giết người và cướp tài sản nên những người đã có hành vi che giấu đều phải bị khởi tố để điều tra. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, tùy theo tính chất mức độ hành vi che giấu của từng người mà cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét truy tố, xét xử theo khoản 1 (mức hình phạt cao nhất là 5 năm tù) hoặc khoản 2 (mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù) điều 313.
Đối với tội không tố giác tội phạm (điều 314), điều luật qui định: Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 313 của Bộ luật hình sự đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm (khoản 1). Trong trường hợp người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại khoản 1 Điều này. Ở đây, sở dĩ một số người thân thích của Luyện bị khởi tố về tội không tố giác tội phạm vì cơ quan điều tra bước đầu xác định hành vi của Luyện thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Luật sư Nguyễn Văn Đức
Ngày 29/8, ông Lê Văn Miên (bố Luyện) thừa nhận đã cất giấu hộ con trai một túi đựng khoảng 50 lượng vàng gồm hàng trăm nhẫn, dây chuyền vàng. Theo luật sư, hành vi này của ông Miên sẽ bị xử lý như thế nào? Liệu ngoài tội che giấu tội phạm ông Miên có còn bị xem xét trách nhiệm hình sự theo tội danh nào nữa?
Theo quan điểm cá nhân tôi, việc chôn giấu vàng giúp Luyện của ông Miên về hành vi khách quan thì có dấu hiệu của tội “chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có” theo điều 250 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, cũng cần xem xét thêm về ý thức chủ quan của ông Miên khi thực hiện hành vi này. Nếu ý thức của ông Miên khi chôn giấu vàng là nhằm tạo điều kiện cho Luyện không bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ thì có thể hành vi này bị hút vào tội che giấu tội phạm mà không phải bị xử lý thêm hành vi chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có.
Có thể xác định được số lượng đối tượng tham gia vụ cướp đêm 24/8 ?
Quay trở lại nghi phạm Lê Văn Luyện, theo những lời khai ban đầu của Luyện thì anh ta chỉ gây án một mình, với những lời khai của nhân chứng (con gái ông chủ tiệm vàng) và chứng cứ để lại trên hiện trường theo ông lời khai này liệu có hợp lý?
Muốn xác định lời khai của Luyện gây án một mình có đúng hay không thì cần phải xem xét trong mối tương quan với các chứng cứ khác của vụ án. Nếu lời khai của bị can này không phù hợp với chứng cứ, vật chứng mà cơ quan điều tra thu thập trong quá trình điều tra thì cần phải đấu tranh, khai thác, kể cả việc tiến hành thực nghiệm điều tra, dựng lại hiện trường, xem xét các dấu vết tội phạm…. để tìm xem có đồng phạm hay không. Bởi lẽ, theo khoản 2 điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự, lời nhận tội của bị can chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Do vậy, bị can khai là quyền của họ, nhưng việc chứng minh tội phạm lại là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng.
Dư luận gần đây cho biết với độ tuổi chưa đến 18 của Luyện thì khung hình phạt cao nhất chỉ đến 18 năm tù. Tuy nhiên với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, dư luận đang có rất nhiều ý kiến không đồng tình thậm chí là bất bình nếu Luyện chỉ bị xử phạt 18 năm tù, ông có nhận định gì về điều này?
Trước hết, việc xác định độ tuổi của bị can, bị cáo là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu thấy lời khai, chứng cứ về việc xác định độ tuổi của bị can có dấu hiệu không chính xác, cơ quan tiến hành tố tụng có thể sưu tra, xác minh thêm để đảm bảo việc xử lý đúng.
Giả sử, trong trường hợp đúng là Luyện chưa đến 18 tuổi thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng các quy định pháp luật về việc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội trong quá trình giải quyết vụ án. Cụ thể:
Về tố tụng: Cơ quan điều tra phải cử người giám hộ, mời luật sư bào chữa chỉ định cho bị can trong quá trình lấy lời khai. Khi xét xử, nếu tại thời điểm mở phiên tòa, Luyện vẫn chưa đủ 18 tuổi thì phải có luật sư bào chữa chỉ định, và trong thành phần hội đồng xét xử phải có ít nhất một thành viên (Hội thẩm nhân dân) đang công tác trong ngành giáo dục hoặc Đoàn thanh niên (chương XXXII Bộ luật Tố tụng hình sự)
Về đường lối xử lý và mức hình phạt áp dụng cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên thì phải áp dụng quy định tại chương X, Bộ luật hình sự.
Về quan điểm xử lý: Theo chính sách hình sự của nhà nước ta “Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội” . Đây là nguyên tắc bao trùm mang tính chất chỉ đạo thể hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam lấy giáo dục làm nền tảng, trọng tâm trong quá trình xử lý vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên. Điều này không chỉ thể hiện tính nhân đạo, nhân văn của nhà nước ta mà còn phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989.
Về mức hình phạt: theo khoản 5 điều 69 Bộ luật hình sự quy định không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo khoản 1, điều 74 Bộ luật hình sự, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười tám năm tù. Trong trường hợp phạm nhiều tội mà tội nặng nhất được thực hiện khi chưa đủ 18 tuổi thì việc tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội cũng không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại điều 74 Bộ luật hình sự. Như vậy, trong trường hợp nếu các cơ quan tố tụng xác định bị can Luyện khi thực hiện hành vi phạm tội chưa đủ 18 tuổi thì mức hình phạt cao nhất là 18 năm tù, kể cả trong trường hợp bị tuyên án phạm cùng lúc nhiều tội đặc biệt nghiêm trọng.
Xin cảm ơn ông!
Phạm Khoa