Trong tuyên bố phát đi ngày hôm qua, ngay sau khi PV Hoàng Khương bị bắt, báo Tuổi trẻ cho biết ông Hoàng Khương đã có sai sót vào nghiệp vụ, can dự vào quá trình chung chi với cảnh sát Huỳnh Minh Đức.
PV: Thưa ông, trong trường hợp phóng viên có hành vi đưa hối lộ cho cảnh sát để lấy xe, nhưng sau đó đã có bài báo đăng phản ảnh sự việc thì việc đăng bài báo đó có thể được coi là hành vi tố giác tội phạm và việc đưa hối lộ đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa hay không?
Ở đây tôi thấy có hai sự việc hoàn toàn khác nhau.
Thứ nhất là việc phóng viên đưa hối lộ cho cảnh sát để lấy xe. Đây là hành vi đưa hối lộ và là cơ sở để cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố về tội đưa hối lộ.
Đưa hối lộ được hiểu là hành vi của người đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác (trực tiếp hoặc qua trung gian) để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Người đưa hối lộ là người có lợi ích liên quan đến việc làm hay không làm của người có chức vụ quyền hạn. Lợi ích này có thể là lợi ích trực tiếp của người đưa hối lộ hoặc là lợi ích của người thân quen, bạn bè hoặc cũng có thể là lợi ích của một tập thể mà người đưa hối lộ là đại diện.
Theo kinh nghiệm của tôi, thì rất có thể anh phóng viên này đã vì áp dụng biện pháp nghiệp vụ thu thập thông tin mà tự biến mình thành chủ thể của tội phạm. Có thể anh ta đã bằng cách nào đó liên hệ với người đưa hối lộ thực sự và tự tham gia vào quá trình đưa hối lộ để thu thập tin tức và chứng kiến, thu thập tư liệu về sự việc. Rõ ràng đó là một biện pháp nghiệp vụ rất yếu kinh nghiệm và không hợp pháp.
Hoàng Khương (thứ hai từ trái sang) tại trụ sở Công an P.9 Q.Phú Nhuận - Ảnh: Thanh Niên
Về luật, theo quy định tại Điều 289 của Bộ luật Hình sự thì chỉ cần có hành vi đưa hối lộ và số tiền hối lộ có giá trị từ hai triệu đồng là đã cấu thành tội đưa hối lộ. Động cơ thực chất ở đây của anh ta có thể là để nhằm thu thập tin tức, nhưng về mặt hình thức, thì rõ ràng là anh ta đang làm vì quyền lợi của kẻ có xe máy vi phạm.
Thứ hai là tình tiết đăng bài báo. Rõ ràng đây là một hoạt động nghiệp vụ báo chí bình thường của anh ta và với trách nhiệm nghề nghiệp của một phóng viên. Bài báo đó đề cập hành vi nhận hối lộ của Huỳnh Minh Đức (nguyên cán bộ CSGT của Công an Q.Bình Thạnh) mà không hề đề cập đến hành vi đưa hối lộ của mình nên không thể coi đó là hành vi chủ động khai báo trước về hành vi phạm tội của mình.
Tôi cũng xin lưu ý rằng, theo quy định tại khoản 6, Điều 289 của Bộ luật Hình sự, thì nếu người đưa hối lộ chủ động khai báo hành vi phạm tội của mình trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Tuy nhiên, rất tiếc là hành vi viết bài và đăng báo của mình, bản thân người phóng viên không hề đề cập đến hành vi đưa hối lộ của mình. Bản thân việc viết và đăng bài cũng không được coi là chủ động khai báo, vì hành vi khai báo cần hướng tới một cơ quan có thẩm quyền cụ thể. Do đó, cá nhân tôi cho rằng, hành vi viết bài đó không thể giúp anh ta thoát tội được.
PV: Trong trường hợp, người đưa tiền bị ép đưa tiền để giải quyết yêu cầu của người đòi hối lộ thì có bị xử lý hình sự không ?
Theo quy định tại khoản 6, Điều 289 Bộ luật Hình sự, thì nếu một người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
PV: Đưa và nhận bao nhiêu tiền theo luật thì mới cấu thành tội này?
Theo quy định của Bộ luật hình sự thì với số tiền đưa hối lộ từ hai triệu đồng trở lên là đã đủ để cấu thành tội hình sự. Trước đây, trong Bộ luật hình sự năm 1999 thì mức tiền này là năm trăm nghìn đồng, tuy nhiên, Luật sửa đổi một số điều của Bộ luật hình sự năm 2009 đã nâng lên hai triệu đồng.
Tuy nhiên, nếu số tiền đưa hối lộ có giá trị dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần thì vẫn có thể cấu thành tội đưa hối lộ.
PV: Cám ơn ông.
Thu Thanh (ghi)