Bà Đinh Thị Thu Hiền - Phó Trưởng ban thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam cho biết tại Hội nghị trực tuyến cung cấp thông tin về BHXH, BHYT chiều 31/10: Một người đàn ông ở TP. Hồ Chí Minh, từng làm việc trong doanh nghiệp FDI, nghỉ hưu từ năm 2015 và nay đang hưởng lương hưu 101 triệu đồng/ tháng. Thông tin này được nhiều báo chí hôm nay đăng tải.
Cũng theo bà Hiền, người đàn ông này làm việc từ năm 1992 tới tháng 3/2015, tới khi nghỉ hưu có tổng thời gian làm việc là 23 năm.
Do làm việc ở công ty nước ngoài, có thời điểm người này hưởng mức lương tháng gần 250 triệu đồng. Tiền lương đóng BHXH của người đó rất cao.
Mặt khác, trước năm 2006, số tiền đóng BHXH không bị giới hạn mức trần, vì thế trung bình trong hơn 15 năm đầu, người này đóng BHXH tới 69 triệu đồng/tháng.
Đến thời điểm luật BHXH năm 2006 có hiệu lực, mức trần đóng BHXH mới được giới hạn không quá 20 tháng lương cơ sở. Mức đóng BHXH của người này trong những năm còn lại tính trung bình khoảng 18 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, thông tin về cô giáo mầm non Trương Thị Lan (trường mầm non Lê Duẩn, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) hưởng lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng sau 37 năm cống hiến khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: "Chuyện nhận lương hưu thấp không phải riêng các cô giáo mầm non hay một mình cô Lan mà đây là thực trạng phổ biến của các thầy, cô vì thang bảng lương trong giáo dục thấp so với yêu cầu, nhất là yêu cầu đổi mới.
Chúng tôi đã làm việc với bộ Nội vụ phải có đánh giá một cách công bằng khi các thầy cô đảm nhận các nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới thì chế độ đãi ngộ phải phù hợp mới tạo động lực".
Trên tờ Zing, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội) cho hay: "Câu chuyện cô giáo Lan cho thấy sự bất cập giữa khu vực công, khi so sánh với các ngành nghề như công an, bộ đội nhận lương cao.
Bài toán đặt ra là muốn làm lĩnh vực nào cũng được, phần cứng của anh phải lớn.
Đằng này của mình phần cứng lại nhỏ hơn phần mềm. Có ngành dựa theo thâm niên, có ngành lại không nên xảy ra câu chuyện không bình đẳng".
Cũng theo đại biểu Lợi, hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 cần phải đặt vấn đề này để xem xét, người về hưu có mức sống tương đồng nhau.
"Không có đất nước nào công bằng được hết cả nhưng tối thiểu người về hưu ít nhất phải bằng mức sống tối thiểu chung của xã hội. Sau đó, anh nào đóng góp cao hơn thì được hưởng nhiều hơn", ông Lợi nhấn mạnh.
Thành Huế (tổng hợp)