Bên trong vẻ bình yên là những cơn sóng ngầm dữ dội
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết: “Ban đầu phim có tựa Bến tình, nhưng sau đó tôi sợ mọi người liên tưởng ngay đến phim Bến không chồng nên tìm tên mới. Ngồi nghĩ một loạt, tên ăn khách thì không theo được, tôi chọn Thương nhớ ở ai - một câu hát dân ca. Nghe rất mông lung nhưng nội dung rất đúng, bởi tất cả nhân vật phim thương nhau tới tận cùng nhưng tại sao vẫn đau khổ, bi đát?
Câu chuyện lấy bối cảnh từ năm 1954 trở đi, anh bộ đội Vạn về làng Đông chứng kiến bao sự cay đắng của phụ nữ nơi đây. Trải qua hai cuộc chiến, ngôi làng Đông vắng bóng đàn ông, chỉ còn đàn bà goá ngày ngày tụ tập ở bến nước đầu làng. Họ không chỉ hứng chịu nỗi đau mất mát người thân, hơn hết họ bị giam cầm, trói buộc bởi những định kiến hà khắc.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh kể, gần 10 năm qua, ông đi lang thang rất nhiều. Những góc quê, từng làng cổ đều hằn lên trong đầu và đó chính là lý do ông muốn làm một bộ phim về làng quê Bắc Bộ. Để hoàn thành 2.000 cảnh trong phim Thương nhớ ở ai, đoàn làm phim đã đi qua 9 tỉnh với các vùng miền khác nhau, khí hậu khác nhau... chính những hình ảnh bình yên của làng quê đã tạo nên một bộ phim đẹp.
Chia sẻ về việc chọn diễn viên, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết: “Tôi thừa nhận mình là người làm việc nghiêm túc nhưng... hơi cảm tính. Bởi vì, những lần tôi chọn diễn viên bằng lý trí thường hay thất bại, còn những lần chọn bằng cảm tính thường thành công. Có những phim tôi chọn diễn viên không có ai nổi tiếng, có phim 100% diễn viên mới. Tôi có một nguyên tắc làm việc, đó là không cho diễn viên hiểu quá về nhân vật. Nếu hiểu quá, họ diễn rất cứng. Tôi quan niệm, đóng phim phải tự nhiên, cần một cái “e” hồn nhiên, vì thế, khi giao kịch bản, tôi không phân tích kỹ nhân vật mà để họ tự diễn xuất”.
Khi được hỏi: Nhân vật Vạn do diễn viên Lâm Vissay đóng được một số người nhận xét là rất ngô nghê và cứng, lời thoại nhát gừng, đây là ý đồ của đạo diễn hay diễn viên chỉ đóng được thế thôi? Lưu Trọng Ninh chia sẻ: “Là ý đồ của đạo diễn chứ, Vạn của Thương nhớ ở ai là một người ngộc nghệch, ngượng nghịu, nếu nói rành rọt thì sẽ không ra chất của Vạn – một người đàn ông xù xì hay ngại ngùng. Còn việc lồng tiếng, do Lâm Vissay là Việt kiều nên khi nói tiếng Việt vẫn còn chưa được “mượt”, do đó phải nhờ người khác lồng tiếng. Phải nói khi NSƯT Công Lý lồng tiếng cho Vạn là đã cứu cho nhân vật này rất nhiều. Về diễn xuất, tôi thoả mãn với nhân vật Vạn do Lâm Vissay đóng”.
Chịu nhiều ảnh hưởng của bố
Trong phim Thương nhớ ở ai Lưu Trọng Ninh ấn tượng nhất với nhân vật Tốn hồi bé (con của Hơn). Ánh mắt của Tốn có sự ám ảnh với người xem, yếu tố nhỏ này cũng đã tác động mạnh mẽ đến khán giả. Nhân vật thứ hai là nhân vật Nhân do Ngọc Anh đóng. Lưu Trọng Ninh chia sẻ ông thích cách diễn của Ngọc Anh, bởi nó lột tả trọn vẹn thân phận của người phụ nữ sau chiến tranh.
Khi được hỏi, đạo diễn Lưu Trọng Ninh từng vào vai Vạn trong phim điện ảnh Bến không chồng, vậy Vạn của Thương nhớ ở ai có gì khác với Vạn do anh đóng ngày xưa? Lưu Trọng Ninh cho biết: “Điều đầu tiên tôi muốn nói là Vạn trong Thương nhớ ở ai đã bớt đi phần “con đực” so với Bến không chồng. Vạn của Thương nhớ ở ai có nhiều tính năng xã hội hơn, tham gia vào nhiều câu chuyện, số phận hơn. Phim truyền hình cũng khác với phim điện ảnh, Lâm Vissay đóng Vạn duyên dáng và không cứng như tôi”.
Nói về phản ứng của dư luận liên quan đến chuyện các diễn viên nữ mặc áo yếm không nội y trong phim Thương nhớ ở ai, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho rằng, đó là những ồn ào không đáng có. Theo anh, khi xem một bộ phim người ta quan tâm đến việc, phim có hay không, hình ảnh ấy có đẹp không, chứ đừng làm quá chuyện cái yếm.
“Theo tôi nghĩ, việc áo yếm đó hay chứ, đó là sự chân thực của xã hội thời đó. Các bạn xem phim có thể thấy, không có cảnh áo yếm nào đi ra đường cả, tất cả đều diễn ra trong nhà, họ chỉ xuất hiện với người thân. Điều đó chứng tỏ, các bà các cô thời xưa không phải là người buông tuồng.
Tôi cũng muốn nói về cái đẹp của người phụ nữ Việt Nam: Đó là cái đẹp nửa kín, nửa hở, buông nhưng mà lại kín. Tôi muốn đưa một giá trị mới vào phim ảnh, họ đẹp thế, nhưng vẫn rất khổ. Bởi, muốn có hạnh phúc, họ phải trải qua những vất vả, hy sinh chứ hạnh phúc không tự nhiên mà đến”, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết.
Làng quê Việt bây giờ không như xưa nữa. Làng quê của ngày hôm qua bị mang lên thành phố và đã bị biến báo. Vì vậy mà đạo diễn Lưu Trọng Ninh muốn làm Thương nhớ ở ai để khán giả hiểu hơn về không gian mộc mạc xưa của các làng quê, nếp sống xưa của cha ông. Anh cũng muốn qua bộ phim để trải tấm lòng của mình và làm sống những hoài ức của làng quê Việt Nam ở các khán giả.
“Mọi người để ý phim tôi làm, khi tôi viết kịch bản thì luôn xen giữa nỗi đau và tính hài hước trong phim. Cứ xong cảnh khóc là lại đến một cảnh vui về lề thói ở quê, chính lề thói ấy mới tạo nên da thịt của làng quê. Có thể ai đó coi là những tính xấu, nhưng tôi cho rằng, đó là những tính đáng yêu, những thóc mách đó đồng thời là sự thông cảm và quan tâm. Việc xâm phạm quyền lợi cá nhân, đồng nghĩa với tính cộng đồng. Chính cái sự hài hước trong từng “thói xấu” của nhân vật trong phim, tạo nên sự thú vị của Thương nhớ ở ai”, đạo diễn Lưu Trọng Ninh trải lòng.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh tiết lộ, chính cha là người đã khiến anh yêu làng quê Việt đến vậy. Ngay từ bé anh đã được sống trong môi trường thơ văn vì cha là nhà thơ Lưu Trọng Lư, bạn của bố mẹ cũng là những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng... Đạo diễn Lưu Trọng Ninh tâm sự: “Cứ đến mùa hè cha tôi lại đưa cả nhà lên một chiếc xe và đi khắp đất nước. Ông truyền cho chúng tôi yêu cái đẹp. Tôi cũng ảnh hưởng nhiều từ bố. Khi chuyển sang điện ảnh, cha không biết vì tôi là sinh viên Bách khoa. Sau khi đi bộ đội về tôi mới làm nghệ thuật. Nếu được chọn, tôi vẫn làm đạo diễn. Vì đây là một nghề cực kỳ lý thú và cho tôi rất nhiều điều”.
Lưu Trọng Ninh chia sẻ: “Cha tôi gửi gắm rằng, con phải làm phim về Truyện Kiều. Theo tôi, làm Truyện Kiều khó nhất là làm cái “toà thiên nhiên” đi lại yêu đương cãi cọ, chuyện phòng the… trên phim ảnh, khán giả có chấp nhận không? Hơn nữa, đối đầu với tất cả các nhà “Kiều học”, đối đầu với các dấu ấn Kiều trong đầu mỗi con người cũng phải suy nghĩ. Bây giờ làm Kiều có gót chân đi lại, thì rất khó. Nếu tôi xử lý không tốt thì chỉ là Kiều của Trung Quốc. Liệu tôi có thành công không? Tôi sẽ phải làm, dù có khó khăn…”.