Hãng tin Reuters cho hay, ngày 2/2, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điều chỉnh theo hướng nới lỏng những biện pháp trừng phạt với FSB. Đồng thời, Bộ Tài chính Mỹ cũng đưa ra những “trường hợp ngoại lệ” đối với các biện pháp trừng phạt mà cựu Tổng thống Barack Obama đã áp đặt với Moscow do cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ thông qua tấn công mạng các tổ chức chính trị.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, sau khi nới lỏng trừng phạt, những nhà nhập khẩu Mỹ sẽ được phép giao dịch với FSB để được nhận giấy phép xuất khẩu các sản phẩm công nghệ sang Nga.
Nhà Trắng lập tức đã phủ nhận những nhận định cho rằng động thái này là khởi đầu của việc chính quyền ông Trump đang cố “làm dịu” sức ép với Moscow. Tại Nhà Trắng, khi được phóng viên hỏi về việc liệu có phải ông đã cho nới lỏng lệnh trừng phạt Nga, Tổng thống Trump nói: “Tôi không nới lỏng bất cứ thứ gì”.
Những chuyên gia về biện pháp trừng phạt và các quan chức cũ của chính quyền ông Obama cho rằng những “trường hợp ngoại lệ” trên không báo hiệu một sự thay đổi lớn trong chính sách của Washington với Nga.
Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho hay, việc nới lỏng lệnh trừng phạt là “điều chỉnh kỹ thuật” nhằm phản hồi lại những “phàn nàn” của các công ty bởi họ không thể xuất khẩu những sản phẩm công nghệ vào Nga mà không có giấy phép từ FSB. Việc điều chỉnh trên đã được xúc tiến trong nhiều tuần trước khi Tổng thống Trump chính thức nhậm chức vào ngày 20/1, vị quan chức này nói.
Ở Nga, ngoài nhiệm vụ tình báo, FSB cũng ra những quy định liên quan tới việc nhập khẩu những phần mềm và phần cứng có chứa mật mã. Vì vậy, những công ty công nghệ muốn xuất khẩu hàng hóa sang Nga cần có sự đồng ý của FSB, thậm chí cả những mặt hàng như điện thoại di động và máy in nếu chúng có chứa mã hóa.
Những cơ quan tình báo Mỹ đã cáo buộc FSB tham gia tấn công mạng nhằm vào các tổ chức của đảng Dân chủ nhằm đánh mất uy tín của đảng này, hạ bệ bà Hillary Clinton và ngầm giúp đỡ ông Trump. FSB bị cáo buộc đã theo dõi những hoạt động của một số nhân vật chủ chốt của phe Dân chủ thông qua email và tin nhắn. Phía Nga đã bác bỏ cáo buộc trên nhưng vẫn bị Washington trừng phạt.
Trong một diễn biến khác liên quan, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley hôm 2/2 khẳng định những lệnh trừng phạt được áp đặt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 vẫn còn nguyên hiệu lực “tới khi Moscow trả Ukraine quyền kiểm soát khu vực này”.
Đồng thời, bà Nikki Haley cũng đổ lỗi cho Moscow về tình trạng bạo lực gia tăng những ngày qua tại khu vực miền đông Ukraine.
Xem thêm: Hơn 100.000 người Nhật 'mất tích' mỗi năm, họ ở đâu?