Theo tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề nghị Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thời gian 100 ngày, để Trung Quốc gia tăng áp lực lên Triều Tiên liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này trong cuộc gặp đầu tháng Tư vừa qua. Thông tin trên được một số nguồn tin Nhật Bản và Mỹ đăng tải.
Tại cuộc gặp cấp cao ở Florida, Mỹ, ông Trump đã yêu cầu ông Tập gia tăng trừng phạt kinh tế với Bình Nhưỡng liên quan chương trình thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo nhiều lần của nước này. Trung Quốc chiếm đến 90% giao dịch thương mại của Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ khẳng định, nếu Bắc Kinh không thực hiện kế hoạch này, Washington sẽ thực thi các lệnh trừng phạt mới với các công ty của Trung Quốc có liên hệ với Bình Nhưỡng.
Đáp lại, Chủ tịch Tập Cận Bình đề nghị về kế hoạch 100 ngày để chuẩn bị tăng cường các lệnh trừng phạt Triều Tiên trước khi Washington áp đặt bất cứ lệnh trừng phạt nào đối với các công ty của Trung Quốc có liên hệ với Bình Nhưỡng.
Lý do Chủ tịch Tập đề nghị thời hạn 100 ngày là nhằm ngăn chặn các biện pháp trừng phạt của Mỹ vì chúng sẽ khiến các công ty Trung Quốc bị nhắm đến gặp khó khăn khi giao dịch với các tổ chức tài chính và công ty Mỹ.
Một số nguồn tin cho hay, Chủ tịch Tập đã nói với Tổng thống Trump rằng Bắc Kinh sẽ mạnh tay hơn để thuyết phục Bình Nhưỡng ngưng các hành động bị cho là khiêu khích quân sự, như hạn chế dòng tiền từ các công ty ở Trung Quốc chảy sang Triều Tiên cũng như hạn chế xuất khẩu dầu cho nước này.
Cả hai nhà lãnh đạo đã đồng ý thực thi các biện pháp trừng phạt độc lập trong trường hợp Triều Tiên tiến hành các hành động khiêu khích lớn.
Tại cuộc gặp nói trên, Chủ tịch Tập và Tổng thống Trump đã nhất trí soạn thảo kế hoạch 100 ngày để điều chỉnh sự mất cân bằng thương mại giữa hai quốc gia. Thời hạn này cũng được áp dụng cho vấn đề an ninh quốc gia.
Vào cuối tháng 4, Tổng thống Trump đã ca ngợi những nỗ lực của Trung Quốc trong việc ứng phó với Triều Tiên.
Nhưng ngày 21/5 vừa qua, Bình Nhưỡng lại phóng thêm một tên lửa đạn đạo khác, làm dấy lên nghi ngờ về tính hiệu quả của những biện pháp mà Mỹ và Trung Quốc đang áp dụng.
Dù có những dấu hiệu cho thấy, Triều Tiên chuẩn bị thử hạt nhân lần thứ 6, Bình Nhưỡng cho đến nay vẫn chưa thực hiện kế hoạch này.
Giới chức Mỹ cho rằng áp lực của Trung Quốc là lý do khiến Triều Tiên do dự trong việc tiến hành vụ thử và một số quan chức đã gợi ý về sự dịch chuyển chiến lược của Mỹ theo hướng chú trọng đối thoại.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 19/5 bày tỏ sự lo ngại về hậu quả của một hành động quân sự với Triều Tiên.
Chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã làm Mỹ cùng các đồng minh ở châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản rất quan ngại.
Để đối phó với mối đe doạ tên lửa từ Triều Tiên, Mỹ đã triển khai tới Hàn Quốc hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề đang làm phát sinh mâu thuẫn giữa đồng minh Mỹ - Hàn với Trung Quốc khi Bắc Kinh không ủng hộ phương án này với cáo buộc có thể đe doạ tới các lợi ích của nước này.
Nga trừng phạt Triều Tiên
Mới đây, Nga lần đầu tiên trình danh sách các mặt hàng xa xỉ bị cấm xuất khẩu sang Triều Tiên lên hội đồng trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc.
Các mặt hàng bị cấm chủ yếu liên quan tới các hoạt động thể thao và giải trí bao gồm tất cả các loại du thuyền, sản phẩm thủy tinh pha lê, thuyền có mái chèo, ca nô, xe trượt tuyết, các sản phẩm liên quan tới thể dục dụng cụ, điền kinh, bơi lội, bóng bàn...
Động thái mới này từ Matxcơva là nhằm hạn chế hoạt động xuất khẩu cũng như vận chuyển trực triếp và gián tiếp tới Bình Nhưỡng.
Hội đồng Bảo an LHQ hồi năm 2016 đã thông qua Nghị quyết 1718 để trừng phạt vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên vào hồi tháng 5 năm ngoái.
Nghị quyết này yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên của LHQ không xuất khẩu hàng xa xỉ sang Triều Tiên và đệ trình danh sách hàng cao cấp bị cấm vận lên hội đồng trừng phạt của LHQ.
Động thái này của Nga được cho là khá bất ngờ đối với Triều Tiên bởi giới quan sát nhiều lần nhận định rằng Nga nhiều khả năng sẽ trở thành quốc gia thân thiết với Bình Nhưỡng trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang dần đạt được tiếng nói chung trong vấn đề trừng phạt quốc gia Đông Bắc Á.
Xem thêm >> Lộ diện nghi phạm tấn công buổi hoà nhạc ở Anh
Đào Vũ