Theo Reuters, ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo khả năng Mỹ sử dụng các biện pháp thương mại để hối thúc Trung Quốc hợp tác với Mỹ giải quyết mối đe dọa từ Triều Tiên.
Người đứng đầu Nhà Trắng cũng cho biết Washington có thể giải quyết chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng theo cách riêng nếu cần.
Những lời bình luận về vấn đề này được ông Trump đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn trên Financial Times và xuất hiện ngay trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
"Trung Quốc có ảnh hưởng lớn lên Triều Tiên. Và nước này sẽ phải quyết định có giúp chúng tôi trong vấn đề Triều Tiên hay không. Nếu họ đồng ý, việc đó sẽ tốt cho họ. Nếu họ không đồng ý, không ai hưởng lợi cả", ông Trump cho hay trên Financial Times.
Khi được hỏi Mỹ sẽ chọn biện pháp gì để hối thúc Trung Quốc cùng đối phó với vấn đề Triều Tiên, ông Trump cho biết: "Thương mại là giải pháp. Tất cả đều là thương mại".
Và khi được hỏi phản ứng của Mỹ ra sao nếu Trung Quốc “mặc cả” rằng nước này chỉ gây áp lực với Triều Tiên nếu Mỹ đồng ý rút quân đang đóng ở Hàn Quốc, ông Trump cho biết: "Nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Triều Tiên, chúng tôi sẽ làm. Đó là tất cả những gì tôi muốn nói".
Các cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump hiện đã hoàn tất việc rà soát các phương án Mỹ áp dụng nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Các biện pháp được đưa ra gồm cả lĩnh vực kinh tế và quân sự nhưng Mỹ sẽ hướng nhiều hơn đến các lệnh trừng phạt mới và tăng cường sức ép đối với Trung Quốc để nước này kiềm chế quốc gia láng giềng, một quan chức Mỹ cho biết vào hôm 2/4.
Theo quan chức trên, không rõ bản đánh giá của uỷ ban An ninh quốc gia của chính quyền ông Trump nêu trên đã được chuyển đến người đứng đầu Nhà Trắng hay chưa.
Nhà Trắng hiện chưa đưa ra bình luận gì về những thông tin trên.
Vấn đề Triều Tiên được coi là nội dung chính sẽ được ông Trump và ông Tập Cận Bình dự kiến bàn về khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau vào ngày 6 và 7/4. Ngoài ra, tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông cũng sẽ được bàn đến trong cuộc gặp sắp tới.
Nhà Trắng hiện xem Triều Tiên là mối đe dọa gần nhất với Mỹ sau khi người tiền nhiệm Barack Obama đã cảnh báo ông Trump về việc Bình Nhưỡng đang phát triển tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân.
"Có một khả năng thực tế là Triều Tiên sẽ có thể tấn công Mỹ bằng tên lửa hạt nhân vào cuối nhiệm kỳ đầu của Trump", KT McFarland, phó cố vấn An ninh quốc gia của Nhà Trắng dự đoán.
Theo một số chuyên gia, để đối phó với cuộc tấn công phủ đầu từ Triều Tiên, Mỹ cần sự trợ giúp của Trung Quốc vì Bắc Kinh có nhiều ảnh hưởng nhất đối với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, Washington có thể cân nhắc các lựa chọn thay thế, từ các biện pháp trừng phạt hiệu quả hơn đến các hành động gây tranh cãi khác.
"Điều Tổng thống Trump đang cố gắng làm ở đây là gây sức ép với Trung Quốc bằng cách cảnh báo họ những gì sẽ đến nếu họ không giúp đỡ hoặc không hợp tác với Mỹ để giải quyết vấn đề này", ông Dennis Wilder, cựu chuyên gia phân tích CIA về Trung Quốc, người từng là một trợ lí hàng đầu tại Nhà Trắng về châu Á dưới thời chính quyền George W. Bush.
"Điều mà ông ấy (ông Trump) đang chỉ ra cho thấy bước tiếp theo là bắt đầu các lệnh trừng phạt thứ cấp, điều mà chúng ta đang tránh. Đây là những biện pháp trừng phạt đối với các công ty và cá nhân Trung Quốc có mối quan hệ với Triều Tiên", ông Dennis Wilder cho biết thêm.
Theo ông Wilder, ông Trump cũng có thể gây sức ép với Trung Quốc để không sử dụng lao động của Triều Tiên, vốn là một nguồn thu nhập cho Bình Nhưỡng.
"Sau đó, bạn sẽ có những lựa chọn khác, nhiều tranh cãi hơn, như thực hiện các hành động bí mật chống lại Triều Tiên, ví dụ như sử dụng tấn công mạng", ông Wilder lý giải.
Những mối quan ngại về Triều Tiên đã được nhấn mạnh khi mới đây khi Rex Tillerson, Ngoại trưởng Mỹ, nói trong chuyến thăm châu Á rằng "chính sách kiên nhẫn chiến lược của Mỹ đã chấm dứt".
Trung Quốc đã cảnh báo về tình hình ngày càng nguy hiểm trên bán đảo Triều Tiên. Tháng trước, Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Vương Nghị kêu gọi Triều Tiên ngừng các chương trình hạt nhân và tên lửa của họ và hối thúc Mỹ ngừng các cuộc tập trận quân sự làm Bình Nhưỡng tức giận.
"Hai bên giống như hai đoàn tàu tốc hành đang tiến về phía nhau mà không bên nào nhường đường. Vấn đề đặt ra là cả hai bên có sẵn sàng va chạm hay không?”, ông Vương Nghị cho biết.
Xem thêm >> Đệ nhất phu nhân Trung Quốc sẽ hoá giải căng thẳng cuộc gặp Mỹ-Trung
Đào Vũ