Một cá thể voi ma mút cái lông dài được các nhà thám hiểm tìm thấy trong tình trạng đóng băng tại một vùng thuộc nước Nga vào tháng 5 vừa qua. Sắp tới, toàn bộ cơ thể của loài động vật này sẽ được triển lãm tại thành phố Yokohama, miền Nam Nhật Bản từ ngày 13/7 đến 16/9 để công chúng có dịp chiêm ngưỡng một trong những loài thú cổ đại này. Khách tham quan và du lịch sẽ có cơ hội ngắm nhìn những chi tiết thật hơn bao giờ hết của loài vật đã tuyệt chủng này.
Xác voi ma mút.
Thông tin chấn động giới khoa học
Theo các nhà thám hiểm thì, xác của con ma mút này được tìm thấy tại một vùng ở Siberi hay còn gọi là quần đảo Novosibirsk thuộc Cộng hoà Liên bang Nga. Đây cũng là lần đầu tiên, các nhà khoa học tìm thấy một cá thể voi ma mút được "bảo quản" một cách nguyên vẹn nhất. Các nhà nghiên cứu cho biết, có lẽ con voi ma mút này bị sa vào đầm lầy và không thoát ra được. Đó cũng là thời điểm mùa đông khắc nghiệt nhất trong năm ở Siberi. Xác chết do đó được mùa đông cực kỳ lạnh giá của vùng đất này "bảo quản" một cách vẹn toàn nhất. Điều này cũng có nghĩa, hình dáng nguyên sơ của loài động vật khổng lồ này hầu như không có một chút thay đổi so với hình dáng khi chưa qua đời. Theo quan sát của các nhà khoa học, loài ma mút này có lông khá dài, do đó nó được tạm gọi là loài ma mút lông mịn.
Khi được các nhà khoa học phát hiện, một phần thân trên và hai chân trước của con ma mút này bị gặm nhấm bởi các loài động vật khác. Tuy vậy, đó chỉ là một phần nằm trong đất chứ phần lớn thân thể đồ sộ còn lại được "bảo quản" khá tốt bởi lớp băng dày hàng nghìn năm. Khi du khách đến thăm quan hội trường, họ sẽ được chứng kiến một cách rõ ràng phần mõm, chân và thân mình của voi ma mút.
Tế bào gens voi ma mút có thể tái tạo các loài động vật đã tuyệt chủng?!
Các nhà khoa học và các chuyên gia nghiên cứu về di truyền học của động vật thời tiền sử dự định sẽ trích mẫu máu, các tế bào gens của cá thể ma mút này nhằm thực hiện các phân tích, xác định mẫu di truyền cũng như tuổi thọ của nó. Đây là mẫu vật đầu tiên được "bảo quản" tốt nên việc lấy mẫu máu khá thuận lợi và theo như những thông tin khá là lạc quan của các nhà nghiên cứu, có khả năng từ những mẫu máu và tế bào gens có thể được sử dụng trong việc tái tạo các loài đã tuyệt chủng. Ngoài việc mẫu máu được "bảo quản" nguyên vẹn bởi lớp băng dày, các cơ bắp của voi ma mút cái này cũng cho các nhà khoa học biết rằng, khi nó qua đời có lẽ rơi vào khoảng 50 đến 60 tuổi. Một điều khá thú vị hơn nữa là các nhà nghiên cứu còn chỉ ra rằng, bà mẹ voi ma mút này có lẽ đã trải qua khoảng 3-4 lần sinh nở.
Việc tìm thấy xác voi ma mút và cả mẫu máu nguyên vẹn của sinh vật khổng lồ này đã dấy lên những tranh luận khá nóng bỏng về mặt đạo đức của một dự án xây dựng công viên kỷ Jura, nhằm tái tạo lại đời sống, khôi phục một phần nào đó sinh hoạt của các sinh vật thời tiền sử. Các nhà khoa học phục vụ cho dự án xây dựng công viên tiền sử thì một mực giữ vững quan điểm rằng sẽ chẳng bao giờ chúng ta có thể bắt gặp một con ma mút lông mịn đi lang thang ở vùng Siberi hoang vu, lạnh lẽo một lần nữa.
Semyon Grigoriev, Giám đốc của viện Bảo tàng ma mút thuộc viện Sinh thái và ứng dụng của miền Bắc tại trường đại học Liên bang Đông Bắc nói với tờ Thời báo Siberia: "Chúng tôi đã thực sự ngạc nhiên khi thấy máu của loài khổng lồ này và càng vui mừng hơn khi được chiêm ngưỡng những mô cơ được bảo quản trong tình trạng hoàn hảo. "Ông còn ca ngợi một cách không tiếc lời và đầy hứng khởi rằng: "Đây là nguyên mẫu khổng lồ nhất được "bảo quản" tốt nhất trong lịch sử cổ sinh học. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi có được máu của loài vật khổng lồ này. Vì, chưa một ai từng thấy một con voi chảy máu như thế nào".
Tiến sĩ Grigoriev cho biết: "Tuổi đời gần đúng của các loài cổ sinh vật vào khoảng 10.000 năm tuổi nhưng các xét nghiệm vào các lần gần đây dựa trên các mẫu vật thời tiền sử cho thấy, thực tế, có thể sẽ lớn hơn khá nhiều - theo phán đoán một cách táo bạo nhất có lẽ là vào khoảng gần 40.000 năm. Cơ thể con voi ma mút cái này được “bảo tồn” nhờ điều kiện hết sức đặt biệt của vùng Siberi lạnh giá. Một thực tế là trong suốt từng đấy năm, nó không hề được rã đông mà liên tiếp bị các lớp băng phủ lên. Theo như phán đoán của chúng tôi, con ma mút cái này bị rơi xuống nước hoặc bị sa lầy, tự nó không thể giải thoát được bản thân và chết. Vì thế, phần dưới cơ thể, hàm dưới, mô lưỡi được bảo quản khá tốt. Chúng tôi hy vọng và rất mong chờ rằng, ít nhất là có được một tế bào sống của voi ma mút vẫn còn nguyên vẹn. Với chúng tôi mà nói, riêng phần máu được lưu giữ trong cơ thể của voi đã là một sự may mắn ngoài mong đợi và chúng tôi sẽ nghiên cứu nó một cách cẩn thận nhất có thể. Rất có thể, theo như các phân tích ban đầu, trong máu của một số loài cổ sinh vật có một loại chất chống đông nào đó. Các mẫu lấy từ loài ma mút này bao gồm: Máu, mạch máu, mô mềm. May mắn hơn, trong chuyến thám hiểm của chúng tôi, các dụng cụ bảo quản máu chuyên biệt được mang theo đã phát huy tác dụng. Các mẫu máu được chuyển đến Yakutsk, Thủ đô của nước Cộng hòa Sakha, còn được gọi là Yakutia, khu vực lớn nhất trong Liên bang Nga.
Cái xác nặng khoảng một tấn sau đó đã được chuyển vào đất liền của Siberia và được bảo quản trong kho băng trước khi được đưa đến Tokyo. Máu và các mẫu khác đã được lưu giữ trong các phòng thí nghiệm công nghệ sinh học. Nhà khoa học Hàn Quốc Hwang Woo-suk, đã xác nhận là đang làm việc với các mẫu ADN khổng lồ khác trong một nỗ lực để trả lại cho hành tinh chúng ta một mẫu hình voi ma mút cổ đại một cách hoàn chỉnh nhất.
Các kế hoạch cuối cùng mang đầy tính đánh cược là các nhà sinh vật và di truyền học sẽ thực hiện một phương pháp táo bạo, cấy gens vào trứng của một con voi cái đang trong thời kỳ mang thai 22 tháng. Họ hy vọng rằng bộ gens gần giống của voi sẽ cho họ một kết quả khả quan về hình thái của voi ma mút cổ đại.
Phần trên và vòi ma mút.
Quy tụ các nhà khoa học tập trung nghiên cứu
Đầu năm nay, một nhóm các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đã họp hội nghị TED ở Washington (Mỹ), được tài trợ bởi tổ chức Địa Lý quốc gia (National Geographic). Nhóm đang thảo luận về khả năng đưa 24 loài động vật trở lại từ thời bị tuyệt chủng, còn được gọi là "nhóm tuyệt chủng". Các loài động vật bao gồm: Chim dodo, các loài vẹt đuôi dài Carolina, mà lần cuối cùng được con người nhìn thấy là vào năm 1904 ở bang Florida, và Quagga, một vùng đồng bằng nơi các loài ngựa vằn đã từng sống tại Nam Phi nhưng đã tuyệt chủng vào năm 1883.
Trong tháng 5, các nhà khoa học từ đại học Cincinnati cho rằng một thiên thạch khổng lồ rơi xuống trái đất là nguyên chính gây ra sự tận diệt của loài ma mút khổng lồ chứ không phải là do người cổ đại săn bắn lấy thịt như trước đây người ta vẫn lầm tưởng. Họ tin rằng, một thiên thạch khổng lồ bay qua bầu khí quyển của trái đất và vỡ ra thành hàng triệu mảnh có khối lượng mười triệu tấn và bốc cháy dữ dội, các mảnh vỡ này rơi rải rác trên khắp 4 châu lục.
Bên cạnh đó, những mảnh vỡ được cho là đã phát tán khí độc vào không khí, gây ra những đám mây than khổng lồ che lấp mặt trời, từ thực tế này, nhiệt độ trên trái đất lúc đó giảm mạnh, các động vật và cây cối chết trong một thời gian rất ngắn và cảnh quan thay đổi mãi mãi.
Và những tham vọng Năm ngoái, một tỷ phú người Úc bí mật xây dựng kế hoạch cho một Công viên kỷ Jura thực. Ông trùm Clive Palmer, người đã bắt tay vào dự án để xây dựng lại con tàu Titanic, được đồn đại sẽ được làm việc với đội ngũ những người tạo ra cừu Dolly. Nhưng các nghiên cứu cho thấy, những con khủng long có thể phải mãi mãi ở lại trên màn ảnh nhỏ - ADN của chúng là quá già nua để có thể sử dụng. Tuy nhiên, các nhà khoa học Hàn Quốc đang hy vọng rằng các mẫu vật tìm thấy trên vùng Siberia của loài ma mút lông mịn khổng lồ không phải là quá già. Họ có kế hoạch lấy mẫu ADN và lắp ráp chúng thành một bộ gens đầy đủ. Dựa trên điều này, sau đó họ có thể tiêm các tế bào phôi thai đã có ADN của voi ma mút, vào một đại diện sống thích hợp được tìm thấy. |
Bảo Long (Tổng hợp từ các nguồn tin quốc tế)