Sự thay đổi bất ngờ trong quan điểm với Trung Quốc
Mới đây, Thống đốc bang Iowa (Mỹ), ông Terry Branstad, người ông Trump lựa chọn cho vị trí Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, bất ngờ đưa ra lập trường hoàn toàn “mềm mỏng” với Trung Quốc, trái ngược với những phát ngôn của Tổng thống Trump trước đó.
“Ông Donald Trump có thể sẽ không tiếp tục theo đuổi những tuyên bố cho rằng Trung Quốc là một quốc gia thao túng tiền tệ vì đồng nhân dân tệ mạnh hơn ông ấy tưởng. Tôi nghĩ mọi việc đang đi theo hướng ngược lại với những gì ông Trump mong muốn”, Bloomberg dẫn lời ông Branstad cho hay.
“Ông Trump là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, và Trung Quốc cũng có những người đứng đầu có phẩm chất tương tự. Tôi đều biết họ rất rõ, vì thế tôi hi vọng chúng ta sẽ tìm ra một cách để làm những điều tốt đẹp cho nước Mỹ, nhưng cũng có lợi cho cả Trung Quốc”, ông Branstad nói.
Trước đó, cuối tháng 1, phát biểu tại cuộc gặp các giám đốc điều hành trong ngày công nghiệp dược phẩm, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc và Nhật Bản đang “lợi dụng thị trường tiền tệ”.
Cụ thể, ông Trump cho rằng hai quốc gia châu Á trên đang phá giá đồng nội tệ nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Vị tổng thống Mỹ cũng khẳng định, những nước khác đang lợi dụng Washington “bằng việc bơm thêm tiền để hạ giá đồng nội tệ của họ”, trong khi Mỹ “chỉ ngồi như những kẻ bù nhìn”.
Đáp lại, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngay lập tức đã thể hiện sự sẵn sàng đàm phán với Nhà Trắng về vấn đề này. Còn Bắc Kinh, đối lập với Tokyo, lại tỏ ra bình tĩnh hơn, và vì thế dường như đã thắng thế trong “cuộc chiến cân não” này.
Đây không phải lần đầu tiên ông Trump đưa ra những chỉ trích gay gắt đối với Trung Quốc về vấn đề kinh tế và tiền tệ. Trước đây, trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông từng nhiều lần khẳng định Trung Quốc đã “cướp” việc làm của người Mỹ và gây nhiều ảnh hưởng tới nền kinh tế của Washington.
Mỹ đang muốn thể hiện điều gì?
Theo chuyên gia Nga Nikita Maslennikov tại Viện Phát triển Hiện đại Nga, sự thay đổi đột ngột trong những phát ngôn từ phía Mỹ cho thấy cả Bắc Kinh và Washington đang tìm cách thiết lập những quan hệ hợp tác trong một môi trường chính trị mới.
Cả hai bên đều không muốn tạo ra một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện mà họ chỉ đang đưa ra những “phép thử” trước khi chính thức đàm phán về tương lai quan hệ song phương giữa hai quốc gia.
“Họ đang chia sẻ quan điểm và những tín hiệu cho nhau trước khi bắt đầu một cuộc thảo luận nghiêm túc về tương lai quan hệ hai bên mà được xây dựng bằng cả những cam kết trước khi nhậm chức của ông Trump và những cơ hội của Trung Quốc”, ông Maslennikov nói.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng không loại trừ khả năng Washington có thể sẽ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Nhưng ông tin rằng nếu có tăng thì mức tăng cũng chỉ là 5% chứ không phải 45% như ông Trump từng tuyên bố.
“Ý muốn của Washington đằng sau những hành động này là rất rõ ràng: chúng tôi tăng thuế đúng với mức độ khiến các anh sẵn sàng mở cửa thị trường”, ông Maslennikov giải thích.
Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp tại Viện Châu Âu thuộc Học viện Khoa học Nga (RAS), Trung Quốc và Mỹ nhiều khả năng sẽ xây dựng quan hệ song phương trong tương lai dựa trên nguyên tắc mặc cả.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng Washington và Bắc Kinh hiện vẫn chưa đạt được đồng thuận trong vấn đề thị trường tự do.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tự xác định bản thân là người bảo vệ những nguyên tắc của thị trường tự do, trong khi chính quyền Tổng thống Donald Trump lại đang cân nhắc những biện pháp bảo hộ nhằm thúc đẩy kinh tế trong nước.
Trong khi đó, tướng về hưu Pavel Zolotarev, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ và Canada thuộc RAS nhấn mạnh tầm quan trọng của những mối quan tâm kinh tế giữa hai cường quốc. Ông chỉ ra rằng Branstad là người phù hợp nhất vào thời điểm này có thể giải quyết vấn đề trên với tư cách là đại sứ Mỹ ở Trung Quốc.
“Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc được thiết lập dựa trên cơ sở kinh tế vững chắc”, ông nói, cho rằng nếu không có những tín hiệu rõ ràng và mạnh mẽ từ cả hai phía thì họ khó có khả năng vượt ra khỏi ranh giới đỏ.
Trên thực tế, dù Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng nói trong phiên điều trần phê chuẩn chức vụ rằng Trung Quốc không được phép tiếp cận với những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp trái phép ở Biển Đông nhưng dường như Washington sẽ không hành động theo quan điểm đó.
Hôm 3/2, hãng Bloomberg cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định Nhà Trắng “chưa cần những động thái quân sự ồn ào” ở Biển Đông mà cần ưu tiên những nỗ lực ngoại giao.
Chuyên gia Maslennikov cho rằng Trung Quốc cũng đang đưa ra tín hiệu tới Washington khẳng định sự sẵn sàng bắt đầu một cuộc đối thoại. Theo ông, Bắc Kinh muốn tránh phải đụng độ với một cuộc chiến tiền tệ hoặc thương mại.
Xem thêm: Tham vọng giải phóng Raqqa buộc ông Trump đứng về phía Nga, Syria
Danh Tuyên