Xem video:
Mẹ chồng là một trong những bộ phim “bom tấn” được trông chờ của điện ảnh Việt cuối năm nay. Bộ phim đánh dấu sự trở lại ghế đạo diễn của Lý Minh Thắng – người từng đoạt giải Cánh diều vàng 2016 hạng mục phim truyện điện ảnh với phim Sài Gòn anh yêu em.
Bộ phim Mẹ chồng sẽ đưa khán giả quay trở về khám phá nét văn hóa đậm chất Nam Bộ, với điểm nhấn là chiếc áo bà ba. Đặc biệt, trang phục truyền thống chính là một trong những yếu tố giúp khắc họa rõ nét tính cách, số phận của từng nhân vật.
Trong cuộc trò chuyện với báo Người Đưa Tin, đạo diễn Lý Minh Thắng đã có những chia sẻ thú vị bên lề bộ phim Mẹ chồng sắp ra mắt vào tháng 12 này.
Lý do nào thôi thúc đạo diễn Lý Minh Thắng đưa chiếc áo bà ba vào bộ phim điện ảnh Mẹ chồng?
Khi quyết định thực hiện dự án phim về ngày xưa, vẽ nên một câu chuyện mang đậm chất truyền thống Nam Bộ, thì áo bà ba là yếu tố đầu tiên tôi nghĩ đến về mặt trang phục.
Về cơ bản, phom dáng vẫn là áo bà ba. Tuy nhiên, mỗi chiếc áo bà ba sẽ mang gam màu và họa tiết riêng, để đảm bảo toát lên được nét điển hình nhất về tính cách, tâm lý, địa vị, số phận của từng nhân vật. Xa hơn nữa, tôi muốn sau khi phim Mẹ chồng, mọi người có thể kết hợp áo bà ba cách tân với những trang phục khác phù hợp.
Những năm gần đây, dường như các nhà làm phim điện ảnh Việt đang “chuộng” đưa yếu tố văn hóa truyền thống lên phim, và anh cũng đang chạy theo xu hướng đó?
Ngay từ khi bước chân vào ngành sản xuất phim, tôi đã định hướng rõ các dự án phim của mình sẽ theo hướng tôn vinh giá trị truyền thống. Qua đó, tôi mong sẽ tạo được hiệu ứng tốt để khán giả hòa nhịp với mình.
Tất nhiên, tôi không xa rời số đông, nhưng phải có định hướng rõ ràng để khán giả có thể chắt lọc và chọn lựa những cái đẹp, cái hay của văn hóa truyền thống.
Tôi cũng có cơ hội được đi du lịch nhiều nơi trên thế giới để học hỏi và tìm hiểu về văn hóa. Tôi thấy, ở các nước bạn, yếu tố văn hóa truyền thống rất được họ coi trọng. Thế nên, trở về nước tôi luôn ấp ủ theo đuổi những giá trị truyền thống, bởi lỡ như các bạn trẻ sau này không còn ai nhắc nhớ tới nữa thì uổng phí lắm.
Vậy lời giải cho “bài toán” làm phim điện ảnh tôn vinh giá trị truyền thống, nhưng vẫn phải bắt kịp với nhịp sống hiện đại, theo đạo diễn Lý Minh Thắng?
Đó cũng là điều khiến tôi trăn trở bấy lâu nay. Tôi ấp ủ tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, nhưng cũng không muốn xa rời nhịp sống hiện đại.
Trong nghệ thuật, có hai yếu tố tồn tại song song, đó là nội dung và hình thức. Muốn tiếp cận và làm những bộ phim khai thác yếu tố truyền thống nhưng vẫn mang hơi thở hiện đại, chúng ta cần học hỏi cách thể hiện của các nước phát triển. Tuy nhiên, về nội dung, bản thân người đạo diễn, nhà sản xuất phải là người tỉnh táo, để cân đối các yếu tố trong từng dự án phim
Với những thể loại phim hài, tình cảm, thậm chí là phim hành động, tôi vẫn có thể lồng ghép những chi tiết văn hóa truyền thống. Điều quan trọng là phải cố gắng tìm được chất liệu phù hợp để đưa vào phim. Chắc chắn cách thể hiện này là không lạc hậu, bởi văn hóa truyền thống Việt vẫn luôn thay đổi, phát triển theo thời gian. Hơn nữa, giới trẻ Việt hiện nay vẫn có nền tảng từ nền văn hóa truyền thống.
Giữa dòng chảy điện ảnh Việt hiện nay, liệu rằng các bộ phim tôn vinh giá trị truyền thống có tìm được “chỗ đứng” trong lòng khán giả?
Những năm trở lại đây nhiều nhà làm phim Việt đã khai thác về yếu tố văn hóa truyền thống. Và tương lai được dự đoán sẽ có nhiều bộ phim về đề tài xưa hơn nữa, có cả phim thần thoại, cổ tích mang câu chuyện của Việt Nam.
Nhưng, muốn thành công thì điều điều cốt yếu phải đảm bảo nội dung thuần Việt với những giá trị cốt lõi về văn hóa, con người Việt Nam, nhưng cách thể hiện phải tiệm cận với ngôn ngữ điện ảnh hiện đại của thế giới để gần gũi hơn với khán giả trẻ.
Cảm ơn những chia sẻ của đạo diễn Lý Minh Thắng!