Emmanuel Macron đã gây ra cơn địa chấn chính trị trong chính trường Pháp.
Một năm trước, ông là thành viên trong Chính phủ của một trong những vị Tổng thống Pháp không được ưa chuộng nhất trong lịch sử.
Ngày hôm nay, ở tuổi 39, ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống của Pháp, đánh bại các trào lưu chính trị truyền thống trung hữu, trung tả và tư tưởng cực hữu của Marine Le Pen.
May mắn
Theo BBC, không thể phủ nhận ông Macron giành chiến thắng một phần bởi may mắn.
Một vụ bê bối công khai đã loại bỏ ứng cử viên được cho là có cơ hội giành chiến thắng lớn nhất - François Fillon. Trong khi một nhân vật giành được sự ủng hộ khác là Benoît Hamon, đã quá chìm đắm vào những giá trị truyền thống, trong khi cử tri đang tìm kiếm một định hướng mới mẻ.
Marc-Olivier Padis, chuyên gia từ Paris cho rằng, Macron đã rất may mắn, dù từng phải đối mặt với những tình huống hoàn toàn bất ngờ.
Quyết đoán
Tuy nhiên may mắn không phải lý do bao trùm hết sự thành công của Macron.
Nhà lãnh đạo trẻ lẽ ra đã trở thành ứng viên đại diện cho đảng Xã hội Pháp, nhưng ông nhận ra rằng sau nhiều năm cầm quyền, dù muốn đổi mới, tiếng nói của những đảng cũ sẽ không nhận được sự tin tưởng.
Thay vào đó, ông đã quan sát các phong trào chính trị mới nổi ở châu Âu - Podemos ở Tây Ban Nha, phong trào Năm Sao của Ý - và nhận thấy không có lực lượng chính trị nào mang tính chất thay đổi tương tự như vậy ở Pháp.
"Ông ấy đã có thể đoán trước mình đang có một cơ hội khi chưa có ai làm điều đó”, Padis cho hay.
Vào tháng 4 năm 2016, Macron thành lập đảng mới mang tên "En Marche" và bốn tháng sau đó, ông đã trở thành thế lực lớn trong chính trường Pháp.
Thử điều mới mẻ
Theo nhà báo Emily Schultheis tại Paris, sau khi thành lập nên En Marche, ông đã tiếp thu một số bài học từ cuộc vận động bầu cử ở Mỹ năm 2008 của cựu Tổng thống Barack Obama.
Chiến dịch chính đầu tiên của Macron mang tên “Grande Marche” (Big March), khi ông huy động đội ngũ những nhà hoạt động đầy nhiệt huyết nhưng vẫn còn ít kinh nghiệm trong đảng đi gõ cửa 300.000 ngôi nhà trên toàn nước Pháp.
Các tình nguyện viên không chỉ phát tờ rơi thông tin, họ còn thực hiện 25.000 cuộc phỏng vấn chuyên sâu kéo dài 15 phút với cử tri trên cả nước. Thông tin đó đã được nhập vào kho cơ sở dữ liệu lớn để soạn thảo nội dung chiến dịch và đề cương chính sách.
Hoạt động này đã sử dụng các tính toán từ một công ty chính trị đã từng làm việc cho chiến dịch của Obama trong năm 2008 - để xác định các khu vực được cho là tập trung nguồn cử tri quan trọng nhất.
Đội ngũ của Macron đã thành công trong việc thu thập một cách chính xác nhất tâm tư của cử tri và đảm bảo rằng mọi người sẽ sớm có sự kết nối với En Marche - điều trở thành cơ sở cho thành công của ông trong năm nay.
Thông điệp tích cực
Con đường chính trị của ông Macron xuất hiện với những mâu thuẫn.
Từng là “lính mới” dưới sự bảo trợ của Tổng thống Hollande, sau đó trở thành Bộ trưởng Kinh tế trong Chính phủ. Ngoài ra ông cũng là một chuyên viên ngân hàng trước khi là một chính khách trung dung với các chương trình cấp tiến.
Đó là một bia đạn hoàn hảo để đối thủ Marine Le Pen tiếp tục công kích rằng Macron là ứng cử viên thuộc về giới chính trị truyền thống, không phải là người mới như những gì ông từng nói.
Nhưng ứng viên trẻ tuổi từ đảng En Marche đã phủ nhận những lời áp đặt ông rốt cuộc cũng chỉ là một François Hollande phiên bản khác bằng cách tạo ra một màn trình diễn nổi bật khi trao cho các cử tri đang thất vọng về đất nước những điều mới mẻ.
"Ở Pháp, sự bi quan đã trở thành trạng thái phổ biến trong thời gian gần đây và người ta không cần mọi thứ trở nên thái quá. Trong khi ông ấy có một thông điệp lạc quan, tích cực", Marc-Olivier Padis nói.
"Ông ấy còn trẻ, đầy năng lượng. Dù không giải thích bản thân sẽ làm gì cho Pháp, nhưng Macron là người duy nhất gửi tới cử tri thông điệp rằng họ sẽ có cơ hội nhận được một nước Pháp mới mẻ như thế nào”. Padis phân tích.
Ngược lại, thông điệp chống tiêu cực, chống nhập cư, chống EU của Marine Le Pen bị đánh giá là khô cứng.
Bà là người đi theo đường lối chủ nghĩa dân tộc nhưng đang tiến dần tới một sự cực đoan thái quá. Mặc dù được coi là làn gió mới trong chính trường, Le Pen vẫn khiến nhiều người lo ngại về viễn cảnh khi trở thành Tổng thống, sự cách tân thẳng tay của bà có nguy cơ gây mất ổn định và chia rẽ nước Pháp.
Marine Le Pen có thể đã có một chiến dịch vận động hiệu quả cao, nhưng có vẻ như người Pháp chưa đủ thời gian chuẩn bị tinh thần cho những thay đổi quá lớn và đường đột.
Đọc thêm>>> Lý do Triều Tiên tin chắc CIA đang âm mưu ám sát ông Kim Jong-un
Quốc Vinh