Một ngày sau khi cơn bão lịch sử quét qua, chúng tôi đã có mặt tại vùng thiệt hại nhất của huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Nhặt những vật dụng còn sót lại trong đống đổ nát, chị Nguyễn Thị Hà (40 tuổi), trú thôn Nam Hải, xã Cẩm Nhượng mếu máo kể cho chúng tôi nghe giờ phút kinh hoàng, chị tận mắt chứng kiến những đợt cuồng phong nhấn chìm hết đồ đạc, tài sản trong nhà ra biển khơi.
“5h sáng 16/9, sốt ruột tôi vội vã trở về nhà, lúc này, nước vẫn còn ngập khoảng 1,5m. Những đợt sóng biển vẫn gào rít, gió vẫn thổi rất mạnh. Từ xa, tôi bất lực đứng nhìn đồ đạc, các vật dụng trong nhà bị sóng cuốn trôi ra biển mà không thể níu lại được. Tôi chỉ còn biết gào khóc”, chị Hà nói trong nước mắt.
Cạnh nhà chị Hà là nơi sinh sống bà Hoàng Thị Huệ. Ngồi thẩn thờ bên đống đổ nát, dường như người đàn bà 69 tuổi này không còn chút sức lực nào nữa. Thở những hơi mệt nhọc, bà nghẹn ngào: “Tôi đi bộ đội 6 năm về được xã cấp cho miếng đất này, lúc đó tôi chỉ có thể dựng tạm một cái lều để ở. Dành dụm, chắt góp từng đồng trong suốt 8 năm, cùng với anh em họ hàng hỗ trợ, tôi mới xây được mấy gian nhà, vậy mà giờ tan nát hết cả rồi các cháu ơi…", bà Huệ nói trong nước mắt.
Rồi bà Huệ kể lại, chiều 14/9, bà cùng với hàng trăm hộ dân địa phương được di dời lên trường THPT Cẩm Xuyên để tránh bão. Suốt đêm ở điểm di trú, bà không tài nào chợp mắt. Khoảng 9h ngày 15/9, những đợt gió bắt đầu gầm rít, cửa sổ phòng học dãy nhà 3 tầng va đập vào nhau liên hồi, lòng bà nôn nao khi nghĩ đến căn nhà không có ai trông coi.
“Khi đi thì nhà cửa kiên cố, khi về chỉ còn lại đống đổ nát. Tôi sống ở đây đã 40 năm nhưng chưa bao giờ có một cơn bão mạnh với sức tàn phá khủng khiếp như vậy. Đồ đạc, tài sản cũng bị nước biển cuốn hết rồi, đời tôi không còn cái gì nữa các cháu ơi…”, giọng bà Huệ lạc đi.
Cùng dãy với nhà bà Huệ là gia đình vợ chồng ông Trần Văn Công (73 tuổi). Hoàn cảnh gia đình ông Công hết sức khó khăn. Năm 2016, ông bà được chính quyền xã hỗ trợ 40 triệu đồng để xây ngôi nhà tình nghĩa này. Cảnh già neo đơn, con cái ở xa đứa nào cũng vất vả nên ngôi nhà là tài sản lớn nhất mà cả cuộc đời của ông bà có được.
“Sáng nay (16/9), vợ chồng tôi trở về thì bàng hoàng khi không thấy nhà đâu nữa mà chỉ còn những viên gạch vỡ vụn. Vợ tôi gào khóc thảm thiết dưới đống đổ nát, còn tôi đứng như trời trồng, đầu óc quay cuồng không muốn tin đây là sự thật. Trước bão, vợ tôi mới mua được 5kg gạo cũng bị cuốn trôi hết rồi, giờ trong nhà không còn gì để ăn nữa”, ông Công nghẹn ngào.
Không chỉ mỗi gia đình chị Hà, bà Huệ hay ông Công mà cả dãy nhà ven bờ biển thôn Nam Hải này đều chung số phận sau khi cơn bão tàn khốc Doksuri quét qua. Đi khắp đường làng ngõ hẻm chúng tôi đều thấy cảnh tượng hoang tàn, đổ nát. Có tận mắt chứng kiến, người viết mới thấy được sức tàn phá của cơn bão lịch sử khủng khiếp đến mức nào.
Có mặt cùng với đoàn thanh niên tình nguyện giúp bà con nhân dân nơi đây dọn dẹp, khắc phục những hậu quả sau cơn bão, ông Nguyễn Trọng Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Cẩm Nhượng xót xa: “Những hộ dân ở đây đa phần đều có hoàn cảnh rất khó khăn, bây giờ nhà cửa, mọi vật dụng từ ti vi, tủ lạnh đến các tài sản giá trị đều bị cuốn trôi hết. Chính quyền địa phương xác định trước mắt phải huy động tối đa lực lượng giúp người dân dọn dẹp, tạm ổn định cuộc sống đã rồi sau đó mới có những phương án tiếp theo”.
Cũng theo ông Hà, có 3 thôn gồm: Nam Hải, Bắc Hải và thôn chợ Gò là những vùng chịu thiệt hại nặng nề nhất. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn xã Cẩm Nhượng có 2 chiếc tàu bị trôi, 5 thuyền và 10 xuồng máy bị đắm chìm; 42 ngôi nhà bị sập, 1.500 ngôi nhà bị tốc mái; 750m đường giao thông sạt lở, cuốn trôi; 3 cống thoát nước hư hỏng.... Tổng thiệt hại lên đến hơn 35,5 tỷ đồng.
Mọi sự giúp đỡ xin được gửi về: Văn phòng đại diện tại khu vực Miền Trung và Tây Nguyên - Báo điện tử người đưa tin; Số tài khoản: 220 0101 0767776, Ngân hàng MaritimeBank, chi nhánh Nghệ An. |