Tưởng từ "tây" đến "ta" sẽ là một khoảng cách khá dài nhưng mấy năm gần đây, khi tỉ lệ các cặp vợ chồng hiếm muộn và vô sinh ở Việt Nam ngày càng tăng cao thì chuyện mang thai hộ không còn là "hiếm có, khó tìm".
Từ trời tây cho tới trời ta
Cách đây không lâu, dư luận xã hội ồn ào lên bởi chuyện một đại gia đất Cảng bỏ tiền ra thuê người mang thai hộ với giá xấp xỉ 4 tỉ đồng bao gồm 1 căn nhà 3 tỉ và tiền mặt khoảng 700 triệu đồng, chưa tính đến những chi phí qua lại giữa hai bên.
Người được "nhờ" mang thai hộ là một cô ca sĩ trẻ, được đánh giá là gái "lành" trong giới showbiz địa phương. Không biết vị đại gia này muốn "gửi đẻ" (trứng lấy của chính cô ca sĩ nọ) hay chỉ là "gửi phôi" (của hai vợ chồng ông) và kết cục của thương vụ này ra sao nhưng cũng khiến giới truyền thông phải "nhảy vào" đoán già đoán non. Có người thở dài: "Chẳng qua đây là trò câu khách, giật gân, số tiền đó đủ để có thể mua được 1 - 2 cô vợ lẽ rồi về đẻ ra cả đàn con chứ cần gì phải thuê". Cũng có người nhân chuyện đó đã đem câu chuyện y học ra so sánh xem hiệu quả của 4 tỉ và 1 đứa con có thực sự xứng đáng hay không.
Chuyện mang thai hộ đã trở thành một chuyện công khai, thậm chí khiến các cơ quan chức năng phải đau đầu trong việc giải quyết hệ lụy của nó. Trong khi đó, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn và vô sinh hồi hộp theo dõi, khấp khởi mừng lo với hy vọng có một đứa con cho vui cửa vui nhà.
Trong vai một cặp vợ chồng hiếm muộn đến chờ khám ở các bệnh viện chuyên về sức khỏe sinh sản, PV có cơ hội được tiếp xúc với một vài cặp vợ chồng cũng đang gặp khó khăn về chuyện con cái. Khi được hỏi về chuyện nhờ người mang thai hộ, đa phần các cặp vợ chồng này đều tỏ ra ái ngại, tuy nhiên cũng có cặp không giấu nổi sự mong muốn có con nhờ dịch vụ này.
Ngồi tâm sự với tôi, chị N.T.H ở Nam Trực, Nam Định (30 tuổi) than thở về việc vợ chồng lấy nhau đã được 5 năm nhưng vẫn là vợ chồng son vì bản thân chị mắc bệnh tim bẩm sinh nặng, các bác sĩ đều khuyên chị không nên sinh con vì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Gia đình nhà chồng biết chuyện, bố mẹ anh chị em cũng hoàn toàn thông cảm nhưng khát khao được làm mẹ, làm bố của cả hai thì vẫn không thể dừng được. Đi đến nhiều nơi, hai vợ chồng đều được tư vấn về việc nhờ một người nào đó đẻ hộ. Phôi được cấy từ trứng và tinh trùng của hai vợ chồng sẽ được cấy vào một người khác, thai nhi sẽ có cơ hội lớn lên khỏe mạnh và khi ra đời hoàn toàn vẫn là con của hai người.
Để tốt nhất, hai vợ chồng có thể nhờ một chị, em gái hoặc họ hàng thân thiết để tránh những rắc rối hoặc tranh chấp có thể phát sinh. Tuy nhiên, chị H lại là con một, chồng chị cũng không có em gái, việc nhờ người thân trong gia đình là không thể. Anh chị rất muốn nhờ một người nào đó nhưng cũng sợ rắc rối. Tiền bỏ ra cho một ca cấy ghép phôi thai hiện giờ anh chị có thể xoay xở được nhưng tiền để thuê người đẻ hộ thì chưa biết chừng nào. Cả hai đều là cán bộ, viên chức, thu nhập không mấy dư giả. Tuy nhiên, nếu hai vợ chồng chị quyết tâm, hai bên nội ngoại sẽ hỗ trợ tiền để thực hiện mong muốn đó, thậm chí khi cần thì bố mẹ chồng có thể bán cả nhà để lo cho con. Vấn đề đau đầu nhất của anh chị vẫn là tìm được một người mang thai hộ ưng ý.
Từ một nghĩa cử, mang thai hộ đang trở nên có nhiều biến tướng
Ở hầu hết những quốc gia công nhận việc mang thai hộ là một dịch vụ hợp pháp thì quá trình này được theo dõi sát sao và có những quy định thành luật hẳn hoi dành cả cho người thuê và người nhận. Tuy nhiên ở Việt Nam những quy định về lĩnh vực này còn quá mỏng khiến nhiều người e ngại.
Vợ chồng anh T.V.D (vợ 36 tuổi, chồng 40 tuổi) ở Đống Đa, Hà Nội cũng đang trong sự khao khát có được một mụn con. Hai vợ chồng đều có công ty riêng, thời buổi cạnh tranh gay gắt và kinh tế suy thoái như hiện nay, việc có con với họ càng trở nên khó khăn hơn, chỉ cần nghỉ một thời gian ngắn thì công sức cả hai đổ ra mười mấy năm đều sẽ đổ sông đổ bể. Anh chị đành nghĩ đến việc nhờ người mang thai hộ để chị có thể tránh được quãng thời gian thai nghén và con vẫn sinh ra khỏe mạnh.
Yêu cầu của anh chị không cần cao lắm vì: "Con mình thì nó sẽ giống mình cả về hình dáng lẫn trí tuệ thôi, có điều cũng cần phải tuyển người đáng tin cậy". Anh chị đọc sách báo nhiều, thấy có những trường hợp, người mang thai hộ sau một thời gian gắn bó với đứa trẻ thì nhất quyết không trao trả cho gia đình. Cũng có những trường hợp, người mang thai hộ không đúng theo hợp đồng, về sau vẫn lợi dụng việc đã từng mang nặng "chín tháng mười ngày" để vòi tiền. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đứa trẻ về sau. Thế nên cho đến giờ, dù tài chính đã sẵn sàng, khát khao có con mãnh liệt nhưng hai vợ chồng vẫn phải chờ đợi.
Cũng có những lời giới thiệu từ phía "cò" nhưng không biết có phải khó tính quá không mà hai vợ chồng vẫn chưa ưng ý: "Ở nước ngoài có hẳn dịch vụ trọn gói nhưng hiềm nỗi thời gian của hai vợ chồng eo hẹp quá, mình làm sao có thể bay đi bay về liên tục để kiểm tra xem con mình phát triển như thế nào được". Hiện tại, anh chị đang nhờ người tìm một người phụ nữ ở quê đủ tin cậy để thuê mang thai hộ.
Những tưởng chuyện mang thai hộ chỉ dành cho những cặp vợ chồng gặp khó khăn về sức khỏe sinh sản hoặc vì những lý do riêng mà không thể tự sinh con, nhưng khi trao đổi với một bác sĩ chuyên về hiếm muộn chúng tôi lại càng ngạc nhiên hơn nữa khi rất nhiều cặp vợ chồng trẻ hoàn toàn khỏe mạnh cũng "rất quan tâm đến vấn đề này".
Không ít người đã thẳng thừng hỏi bác sĩ về dịch vụ tế nhị này vì lý do người vợ không muốn mang thai. Nguyên nhân bởi khi mang thai không chỉ vất vả mà còn làm "mất dáng, ảnh hưởng tới nhan sắc". Sẵn có tiền trong tay, họ sẵn sàng bỏ tiền ra thuê nếu có người chịu. Yêu cầu duy nhất là người mang thai hộ phải kín tiếng, người vợ sẽ vẫn giả vờ như mình đang mang bầu, đến thời điểm đứa bé sinh ra sẽ đến bệnh viện tư quen biết để nhận con và che mắt xung quanh, tiền nong không thành vấn đề. Tuy nhiên, phần lớn những ca mang thai hộ được công khai hiện nay đều là do người nhà hoặc bạn bè thân thiết giúp hộ, không phải cứ có tiền là thuê được. Không ít lần các bác sĩ phải cáu khi "bệnh nhân" cứ gạ tìm cho được một đối tượng để thuê. Những tiết lộ này khiến chúng tôi chạnh buồn.
Ngồi ở phòng chờ bệnh viện Phụ sản Trung ương và bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bệnh viện Việt Đức và rất nhiều các cơ sở chuyên môn, nhìn những cặp vợ chồng mệt mỏi vì chờ đợi, khao khát có một đứa con đúng nghĩa. Có những người lặn lội từ Huế, Đà Nẵng ra, từ Thái Nguyên, Tuyên Quang... xuống thăm khám hàng chục lần mà ước mơ vẫn chỉ là mơ ước.
Từ một nghĩa cử trở thành dịch vụ thương mại hóa
Tại hội thảo quốc gia về sức khỏe sinh sản và tình dục tổ chức ngày 12/12 tại Hà Nội vừa qua, thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết kết quả điều tra gần 14.400 cặp vợ chồng đại diện cho 8 vùng sinh thái ở Việt Nam cho thấy tỷ lệ vô sinh khá cao, với khoảng 700.000 - 1 triệu cặp vợ chồng (chiếm khoảng 7,7%) trong độ tuổi 15 - 49 tuổi. Tỉ lệ đáng báo động này cho thấy nhiều hệ lụy có thể dẫn tới trong xã hội thời gian tới.
Sự "khát con" ngày càng tăng cao cùng với tỷ lệ vô sinh. Những dịch vụ y tế ăn theo cũng trở nên nở rộ. Bên cạnh những biện pháp khoa học nhằm hỗ trợ cho việc sinh con như: Thụ tinh ống nghiệm, cấy ghép phôi, xin trứng, xin tinh trùng... thì cũng có những biện pháp hoàn toàn đúng theo nghĩa "dịch vụ". Chỉ cần gõ từ "cần tìm người mang thai hộ" trên google, ngay lập tức trong vòng chưa đầy 1 giây đã có tới hơn 1 triệu kết quả. Cũng không khó để có thể tìm ra những địa chỉ đang có nhu cầu tìm người mang thai hộ hoặc người có nhu cầu mang thai hộ. Qua thế giới mạng, những dịch vụ tế nhị cũng trở nên dễ dàng hơn. Người có nhu cầu chỉ cần ghi rõ số điện thoại cần liên lạc, yêu cầu về nhóm máu, tuổi tác, dân tộc, trình độ văn hóa…Thậm chí ở những trang như raovat.com cũng có những quảng cáo lộ liễu "cần tìm người mang thai hộ" như một việc làm bán thời gian, có thỏa thuận hợp đồng đàng hoàng.
Lê la ở các quán nước cạnh các bệnh viện phụ sản, nam khoa và hiếm muộn lớn trong thành phố, "vợ chồng" tôi (nhóm PV) lân la hỏi tìm "cò". Sau khi đã quen chuyện và hết lời nhờ vả "nếu có mối nào chị alô cho em, vợ chồng em để lại số điện thoại, trăm sự nhờ chị cả", chúng tôi mới lại có thêm những thông tin về dịch vụ có một không hai này. Theo những gì được biết, trước kia giá của một ca trung bình từ 50 - 70 triệu đồng, chỉ tính tiền trả cho người mang thai, những khoản thăm khám, chăm sóc, ăn ở thì gia đình phải chịu hết. Nhưng hiện nay bão giá, thấp nhất cũng phải đến cả trăm triệu đồng.
Thời gian gần đây, có thông tin về sửa đổi văn bản pháp luật có liên quan, việc tìm người chịu đẻ thuê khó, giá cũng từ đó đội lên. Thêm nữa, qua báo chí, thấy có nhiều thông tin về việc đại gia này nọ trả cho việc đẻ thuê lên tới cả hàng tỉ đồng khiến cho thỏa thuận của những thương vụ này khó hơn. Gia đình nào có điều kiện, yêu cầu cao hơn về người mang thai thì tùy theo thỏa thuận của hai bên, người môi giới cũng chỉ nhận số tiền chừng dăm đến chục triệu đồng: "Thực ra mình làm như thế cũng chỉ là để tạo phúc thôi. Người thì cần con, người thì cần tiền, cả hai bên đều có lợi cả".
Vẫn biết việc mang thai hộ là một việc làm cần thiết, có thể giúp được cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh và hiếm muộn có được cơ hội làm cha mẹ, cũng là một biện pháp nhằm giữ vững hạnh phúc gia đình nhưng chúng tôi thiết nghĩ, hiện nay khi đã biến thành dịch vụ, hành động đầy nghĩa cử này đang bị biến tướng theo. Bất giác, khi nhìn những người phụ nữ đang mang bầu ngồi chờ đợi đến lượt khám ở hành lang bệnh viện, chúng tôi giật mình: "Trong số họ không biết có ai là người đang mang thai hộ hay không?".
Hón Thỵ