Bàn luận về vấn đề nhân bản vô tính, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Cảnh (nghiên cứu viên cao cấp, Chủ tịch hội đồng khoa học học viện Sinh thái & Tài nguyên sinh vật, viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, về mặt kỹ thuật, việc nhân bản với động vật, kể cả nhân bản người đến bây giờ không còn khó vì người ta đã tiến hành thử nghiệm từ những năm 49, 50 của thế kỷ trước.
Trong quá trình nhân bản đó, các nhà khoa học đã đạt nhiều thành công với động vật có vú như cừu Dolly, chuột, bò, dê và gần đây nhất có thông tin Trung Quốc đã tiến hành nhân bản vô tính với khỉ.
Phó Giáo sư Lê Xuân Cảnh bày tỏ quan điểm: “Khỉ thuộc bộ linh trưởng và con người cũng thuộc bộ linh trưởng nên khi đã nhân bản thành công khỉ thì việc nhân bản con người về mặt lý thuyết có thể cũng không phải là khó.
Tuy nhiên, đến nay chưa có tài liệu nào ghi nhận việc nhân bản con người đầy đủ. Với động vật, để nhân bản vô tính thành công người ta thường sử dụng trứng của các loài nhưng với con người thì nguồn tài nguyên trứng không phải dễ khai thác.
Nhưng có lẽ lý do quan trọng nhất khiến người ta không tính đến việc nhân bản người nằm ở vấn đề đạo đức. Kỹ thuật nhân bản người có thể không quá xa so với kỹ thuật nhân bản khỉ, nhưng rất xa nếu xét về ý nghĩa con người, xã hội, đạo đức.
Động vật được nhân bản sẽ khác với động vật tự nhiên về mặt di truyền, có bộ nhiễm sắc thể có thể thay đổi và khả năng chống chịu với tự nhiên thấp. Tỷ lệ sống sót của loài vật nhân bản vì thế sẽ rất thấp. Theo ước tính, tỷ lệ sống sót của các loài động vật nhân bản là chưa tới 1%. Trong khi đó, một khi đã tạo thành một con người, một mạng sống rồi mà để tỷ lệ sống sót thấp như vậy là điều phi đạo đức”.
Khi tạo ra con người mà không có cha mẹ là cả vấn đề lớn xã hội. Không ai muốn những con người sinh ra mà không có cha hoặc có mẹ. Vì lẽ đó, nên các nhà khoa học trong lĩnh vực này đều nhất quyết làm mọi cách để ngăn cản việc nhân bản con người. Hoặc nếu ai có ý tưởng đấy thì cộng đồng khoa học chắc chắn sẽ có ý kiến lên án việc tiến hành nhân bản vô tính con người, ông Cảnh cho biết thêm.
Hiện nay, hệ thống văn bản của các nước đều không nhắc đến nhân bản vô tính con người. Tuy nhiên, giả sử đến một lúc nào đấy có một nhóm khoa học nào có ý định nhân bản con người thì chắc chắn các nhà quyết sách sẽ phải vào cuộc để ngăn chặn việc làm phi đạo đức này.
Bàn luận về khả năng sinh tồn của các cá thể động vật được nhân bản vô tính, Tiến sĩ Lê Khắc Quyết, chuyên gia linh trưởng của tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN cũng cho hay, các cá thể động vật nhân bản vô tính có thể sống sau khi ra đời nhưng chúng cũng chết nhanh chóng ngay sau đó.
Các nhà khoa học thừa nhận gần như lần nhân bản nào, sản phẩm cũng gặp các vấn đề về gene. Động vật được nhân bản vô tính thường mắc những chứng bệnh nghiêm trọng như chậm phát triển, suy yếu hệ thống miễn dịch, bệnh về tim và phổi.
“Từ những thành công trong kỹ thuật nhân bản vô tính động vật, nhiều người đặt ra lo ngại về khả năng nhân bản vô tính người. Tuy nhiên, theo tôi việc nhân bản con người không phải là điều dễ dàng.
Đã hơn hai chục năm kể từ khi nhân bản vô tính thành công cừu Dolly (1996), đến nay chỉ có các nhà khoa học Trung Quốc công bố nhân bản vô tính thành công được 2 cá thể Khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis). Tôi tin là phải rất lâu nữa con người mới có thể nhân bản vô tính được người thành công. Mặc dù vậy, việc nhân bản vô tính con người là rất nguy hiểm vì lý do đạo đức và khoa học.
Nếu nhân bản vô tính con người thành công và bị lạm dụng sẽ có thể gây nên thảm họa diệt vong cho loài người vì sẽ làm mất đi sự đa dạng nguồn gene hoặc xuất hiện những biến đổi di truyền bất lợi cho sự tồn tại của loài người. Hơn nữa, việc nhân bản vô tính con người bị lên án là phi đạo đức. Cá nhân tôi cũng luôn phản đối hành động phi đạo đức này”, ông Lê Khắc Quyết cho hay.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Quyết cũng cho rằng, con người cần phải sống hài hoà cùng với muôn loài trên Trái đất này. Loài người của chúng ta hiện có hơn 7 tỷ người và sẽ có số lượng nhiều hơn nữa, trong khi đó rất nhiều loài sinh vật khác (như chim, thú) hiện có số lượng cá thể ít hơn rất nhiều. Sự chênh lệch số lượng quá lớn giữa con người và các loài động vật đang làm gia tăng sự tuyệt chủng của nhiều loài sinh vật do sự khai thác quá mức của con người.
Xem thêm >> Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Lưỡng bại câu thương