Mẹ chồng được "chiều" quá cũng khổ

Thứ 6, 28/12/2012 00:07

Từ ngày con trai lấy vợ, bà Hòa ít phải xách làn đi chợ hẳn. Một năm sau, mọi việc trong nhà đều do con dâu quán xuyến. Nhiệm vụ chính của bà là phải sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Những thứ vặt vãnh như cơm nước, chợ búa, tay hòm chìa khóa trong nhà, bà cứ để con lo, Yến, con dâu bà Hòa ra tuyên ngôn. Con trai bà cười mãn nguyện: "Mẹ khổ vì con nhiều rồi, giờ là lúc chúng con được báo hiếu mẹ”.

Hàng ngày, bà Hòa dậy từ 3 giờ sáng, thao thức, trằn trọc mãi trên giường, chờ tới 5 giờ để được đi ra hồ tập dưỡng sinh. Hồi đầu, thấy ngứa ngáy chân tay, bà lọ mọ đi quét nhà, mong được đỡ đần cho vợ chồng con trai.

Chúng nó đi làm cả ngày, về lại phải cơm bưng nước rót cho bà, nghĩ cũng tội. Ngờ đâu đúng lúc Yến đi xuống bếp uống nước. Cô nhìn bà cầm chổi quét nhà như nhìn mụ phù thủy cưỡi trên cán chổi vậy.

Yến nói nhỏ nhưng rành mạch, dứt khoát: "Mẹ dậy sớm quét nhà thế này, nhỡ ngã ra đấy thì phải tội bọn con. Ba cái việc lặt vặt, con làm loáng cái là xong, không dám phiền đến mẹ!”. Cái chổi trong tay bà Hòa đột ngột rơi vào tay Yến rồi trở về vị trí của nó, ngay sau cánh cửa ra vào. Chẳng nói được câu nào, bà Hòa đành quay về phòng, lại nằm chờ trời sáng.

Ảnh minh họa

Mỗi lần tập dưỡng sinh xong, bà Hòa thường tìm cách lân la sang nhà hàng xóm chơi, mãi đến giờ ăn cơm mới chịu đứng dậy ra về. “Sướng nhất bà!", những người bạn già tấm tắc khen bà Hòa mát tay, có được cô con dâu vừa tháo vát vừa thảo hiền. Khối người trong cái khu phố này, 70 - 80 tuổi cũng vẫn còn phải lọ mọ hầu các con.

Nghỉ tay ra là chúng nó mát mẻ nọ kia, bê bát cơm lên miệng mà nghẹn đắng, không nuốt nổi. Đâu có ai được như bà Hòa, cơm bưng nước rót ngày ba bữa. Chợ búa không phải nghĩ. Cháu bé thì đã có người giúp việc, cũng chẳng bận đến tay bà. Chỉ tội ông Hòa ngắn số, 50 tuổi đã mất, không được hưởng những ngày an nhàn với sự hầu hạ tuyệt đối của con dâu đảm.

Hàng xóm khen thế thì biết thế, bà Hòa chỉ còn cách cười trừ. Nhìn quanh nhìn quẩn, đúng là không ai được như bà thật. Ngay bên cạnh, có bà Tư, thỉnh thoảng lại thấy mắt đỏ hoe, chạy sang kể tội con dâu lườm nguýt khi bà muốn ăn cháo thay vì ăn cơm nguội mỗi sáng. Ở cuối phố thì có ông Hoạt, nhiều hôm bị con dâu cầm chổi đuổi ra khỏi nhà, ông chỉ biết gào lên: "Tao về tao mách con trai tao”. Gào thế cho đỡ bức xúc, chứ đố dám hé môi với con trai, vì ông biết con dâu ông là người kiếm tiền chính trong nhà.

Chẳng hiểu sao, mấy năm trở lại đây, bà Hòa sút cân trông thấy. Giọng nói miền biển của bà không còn sang sảng như trước kia, nhiều khi phải ghé tai vào mới hiểu bà đang nói gì. Trước kia hăng hái góp chuyện là thế, giờ chỉ thấy bà ngồi im lặng, nghe mọi người kể khổ.

Trong lòng bà có nỗi trống vắng không chịu nổi, nhưng bà biết nếu như bà nói ra, các bạn già sẽ cho rằng bà là người không biết điều, sướng cũng chẳng biết đường mà sướng. Những đêm không ngủ được, bà Hòa nằm nói chuyện một mình. Bà thích tâm sự như thế với người chồng đã mất.

Từ ngày ông bỏ bà lại một mình trên dương gian, bà đã tìm cách khỏa lấp nỗi trống vắng bằng việc chăm chút con trai từng li từng tí. Bà làm việc suốt ngày, tối đến đặt lưng là ngủ, thanh thản.

Sao giờ chẳng phải làm gì thì bà lại không ngủ được. Bà thèm nói chuyện với con trai, nhưng con trai giờ đã ngăn cách bà không chỉ bằng một bức tường, mà bằng cả cái tổ ấm mới của nó nữa. Con trai vẫn tự hào về người vợ giỏi việc nước, đảm việc nhà của mình, nên nó không hiểu cho nỗi khổ của mẹ.

Bà Hòa thấy mình như người thừa, lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình. Cháu cũng chẳng dám bế, vì nhìn vào mắt Yến, bà hiểu, cô sợ tay bà yếu, làm rơi mất cháu. Nhiều khi muốn ôm hôn cháu một tí, nhưng biết Yến sợ mất vệ sinh, người lớn hôn vào má trẻ con là truyền bệnh cho trẻ con, bà Hòa lại thôi.

Tiếng thở dài cứ thế nén vào trong. Để đêm đêm, bà Hòa thủ thỉ một mình: "Tôi ăn sung mặc sướng thế này, mà sao tôi thấy mình khổ quá ông ạ. Tôi thấy mình như người thừa, chẳng giúp ích được gì cho con cháu cả. Giá như một ngày chỉ có 12 tiếng thôi, cho nó đỡ dài”.

Kỳ Thư

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.