Các thử nghiệm trước đây
Theo như các kết quả thứ nghiệm mà Lal Shimpi của trang tin công nghệ nổi tiếng AnandTechthực hiện trên một máy MacBook Pro 15-inch hồi năm 2008, thời lượng pin của chiếc laptop thay đổi rất nhiều khi ta thay đổi hệ điều hành. Ba ứng viên được sử dụng hồi đó là OS X 10.5.7 (Leopard), Windows Vista X64 SP1 và phiên bản mới ra mắt của Windows 7. Kết quả cuối cùng cho thấy cỗ máy của Apple chạy được lâu hơn tới 2 giờ trên nền hệ điều hành OS X. Một vài lần thử nghiệm khác từ AnandTech cũng cho thấy MacBook Air 11-inch có thời lượng pin có thể lên tới 11 giờ với tác vụ lướt Web qua Wi-fi thông thường.
Còn trong tuần vừa rồi, Jeff Atwood – tác giả blog Coding Horror nổi tiếng đã tiếp tục chứng minh sự thua kém của Microsoft trong vấn đề quản lý năng lượng. Thực hiện một số thử nghiệm của riêng mình, Atwood cho biết thời lượng pin của Surface Pro 2 chỉ tốt hơn chừng 1/3 so với thế hệ Surface Pro đầu tiên – rơi vào khoảng 6.6 giờ. Các kết quả mà PCWorld thu được từ Surface Pro 2 64GB thậm chí còn đáng thất vọng hơn: 6 giờ 9 phút.
“Surface Pro 2 được trang bị pin 42 Wh, gần tương đương với MacBook Aỉ 11 inch” Atwood viết trên blog của mình. “Tuy thế MacBook Air hiện lại đang cho thời lượng sử dụng gần gấp đôi, với cường độ sử dụng tương đương. Lời biện minh về sự đồng bộ giữa phần cứng và phần mềm giờ đây không còn giá trị khi mà chúng ta đều biết cả máy Surface lẫn hệ điều hành Windows đều là đứa con của Micrsoft. Kết quả này thực sự gây bất ngờ”.
Để kiểm chứng lại sự thua kém rõ rệt của Windows, đặc biệt là khi hoạt động trên nền phần cứng của Mac, trang tin công nghệ PCWorld sau khi tham khảo kết quả của Atwood đã tiếp tục tự mình thử nghiệm trên MacBook Pro 13-inch Ivy-Bridge. 3 hệ điều hành được sử dụng lần này là OSX 10.9 Mavericks, Windows 7 SP1 và Windows 8.1. Công cụ Boot Camp của Apple đương nhiên cần được sử dụng để có thể boot cả 3 hệ điều hành. Tác vụ cơ bản được dùng để thử nghiệm vẫn là lướt web qua Wi-fi (sử dụng trình duyệt mặc định IE và Safari có cái đặt flash). Kết quả thu được vẫn là chiến thắng tuyệt đối của Apple, thậm chí Windows 8.1 còn tỏ ra có phần thua kém hơn Windows 7.
Phản hồi của Microsoft
Để phản hồi lại những kết quả này, Gabriel Ault, giám đốc quản lý phần mềm của Microsoft lên tiếng “Các phép so sánh này thoạt nhìn tưởng chừng như rất công bằng, nhưng trên thực tế hoàn toàn không phải như vậy”. Aul cho biết, Boot Camp hỗ trợ rất kém việc giao tiếp trực tiếp giữa hệ điều hành và phần cứng Mac. Các driver được sử dụng khi cài đặt Windows bằng Boot Camp cũng đều là những driver được viết theo hướng “chung chung”, chưa được tối ưu hóa cẩn thận.
Driver đóng một vai trò cực kỳ quan trọng tới cả hiệu năng vận hành lẫn mức tiêu thụ năng lượng của hệ thống. “Việc tối ưu các firmware và việc truyền tải dữ liệu trên các bus cho từng mức sử dụng năng lượng cụ thể có tác động cực lớn lên thời lượng pin, đặc biệt là nếu trong máy có các linh kiện liên quan tới sóng không dây”.
Ví dụ, một driver Wi-fi mặc định có thể luôn được đặt ở trạng thái khiến card Wi-Fi hoạt động với công suất tối đa để đảm bảo tầm phủ sóng rộng và chất lượng sóng tốt nhất. Hiển nhiên việc này sẽ khiến mức tiêu thụ năng lượng của card Wi-Fi tăng lên đáng kể, kéo theo là thời lượng sử dụng của cả cỗ máy giảm xuống khi Wi-Fi được bật thường xuyên.
“Theo như những gì chúng tôi quan sát được, sẽ là không ngoa khi nói rằng trên một số thiết bị (ám chỉ Mac), các driver hoàn toàn không được quan tâm tối ưu cho môi trường Windows.” Các hãng sản xuất có định hướng tập trung vào phần cứng như Asus, Dell hay HP dĩ nhiên sẽ dành nhiều công sức và tiền của để tinh chỉnh các driver của mình nhằm cân đối giữa hiệu năng và mức sử dụng năng lượng, đặc biệt là cho hệ điều hành chiếm thị phần áp đảo như Windows. Còn về phía Apple, thay vì đầu tư quá nhiều thời gian vào việc này, họ chỉ cần Boot Camp hoạt động và ổn định là được.
Lời giải thích của Microsoft nghe chừng không phải là không có lí. Nhưng liệu chỉ riêng các vấn đề về driver có thực sự có thể dẫn đến cách biệt 2 tiếng về thời lượng sử dụng pin của 2 hệ điều hành?
Số lượng background process "khủng" của Windows.
Những người dùng Windows có kinh nghiệm lâu năm đều biết rằng hệ điều hành này có hàng tá các tiến trình chạy nền. Thử bật Task Manager trên bất cứ máy tính chạy Windows nào, và sẽ không có gì là bất ngờ nếu bạn đếm được tới hơn 100 các tiến trình cũng như dịch vụ chạy nền. Tuy nhiên theo như Aul, “Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian để tối ưu mức ưu tiên khác nhau cho các tiến trình này”. Cụ thể hơn, ngoài việc luôn nằm trong bộ nhớ ở trạng thái chờ thì các dịch vụ này hầu như không yêu cầu sức mạnh xử lí từ CPU hay các thao tác đọc/ghi dữ liệu từ đĩa cứng. Chỉ khi các ứng dụng mà người dùng đang sử dụng có yêu cầu cụ thể nào đó cần đến các dịch vụ này, chúng mới tham gia công việc. “Chúng tôi đã thiết kế để các tiến trình này dừng sử dụng tài nguyên hệ thống ngay khi chúng đã xong phần việc của mình”.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, các ứng dụng của bên thứ ba do người dùng cài vào có thể đóng góp đáng kể vào việc gây tụt giảm thời lượng pin của máy. Aul cho biết thêm “Đối với những người dùng từng hài lòng với thời lượng pin của mình sau đó đột ngột nhận ra sự suy giảm đáng kể, các phần mềm này thường là thủ phạm chính”.
Windows cung cấp nhiều tùy chọn điều khiển mức sử dụng năng lượng.
Aul thậm chí còn đề xuất với PCWorld tiến hành thử nghiệm trên các máy “Hackintosh” – các cấu hình tự xây dựng để chạy Mac OS X trên nền các vi xử lí x86-64. Trong trường hợp này, Aul khẳng định Windows sẽ không tỏ ra thua kém vì Mac OS chưa được tối ưu hoàn toàn cho các phần cứng “ngoài luồng” này. Vị đại diện của Microsoft cũng không quên lưu ý rằng Windows cung cấp cho người dùng nhiều tùy chọn để điều khiển mức sử dụng năng lượng hơn trong Control Panel > Hardware and Sound > Power Options > Edit Plan Settings.
Đài Trang