Bạn đọc hỏi: Nhiều người điều khiển xe ô tô khi mở cửa không hề quan sát dẫn đến người đi xe máy phía sau va vào cánh cửa, gây tai nạn. Trường hợp người lái xe gây lỗi không bồi thường thì người bị tai nạn có thể khởi kiện ra tòa được không?
Trả lời:
Hiện nay, theo quy định tại luật Giao thông đường bộ tại điểm đ, khoản 3, Điều 18 thì người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe không được mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn.
Như vậy, việc người điều khiển xe ô tô bất ngờ mở cửa mà không quan sát là hành vi không bảo đảm an toàn về giao thông đường bộ khi dừng đỗ.
Trong trường hợp việc vi phạm về việc mở cửa xe mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì người điều khiển phương tiện bị xử phạt hành chính về lỗi “mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn” theo điểm g, khoản 2, Điều 5, Nghị định 46 năm 2016 của Chính phủ với mức phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.
Còn nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng như gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên; gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 70 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng… hoặc gây ra hậu quả chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ tại Điều 202, Bộ luật Hình sự 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Theo đó, người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Ngoài ra, nạn nhân hoàn toàn có quyền yêu cầu người điều khiển phương tiện bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590, Bộ luật Dân sự 2015.
Nếu tài xế cố tình không bồi thường thì nạn nhân có thể khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
V.Hương