Sáng 25/1, người dân thường xuyên lưu thông trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP.HCM), đoạn trước sở Y tế TP.HCM vô cùng hoảng hốt khi thấy một số người trong trang phục áo tang đã căng biểu ngữ, đòi cơ quan quản lý làm sáng tỏ cái chết của người thân. PV tìm hiểu về những người dân này thì biết đây là bà Đặng Thị Liên (ngụ phường 8, quận 4, TP.HCM) cùng con trai đến sở Y tế đòi làm rõ nguyên nhân cái chết của chồng là ông Đinh Văn Thường (SN 1963) khi đang điều trị bệnh tại bệnh viện Bình Dân vào thời điểm cuối năm 2012.
3 lần mặc áo tang đòi làm rõ cái chết của chồng
Trao đổi với PV, bà Đặng Thị Liên cho hay: "Đây là lần thứ 3, tôi cùng con mặc áo tang đi khiếu nại các cơ quan chức năng về y tế liên quan đến cái chết bất thường của chồng mình. Trước đó, vào ngày 21/7/2012, chồng tôi đến khám bệnh tại bệnh viện Bình Dân vì sức khỏe giảm sút do đi tiểu rắt kèm đau thận. Tại đây, chồng tôi được bác sĩ tư vấn nên mổ lấy sỏi. Sau khi được chồng và gia đình đồng ý, ngày 31/7/2012, chồng tôi lên bàn mổ, nhưng ca mổ không phát hiện được viên sỏi nào. Chưa dừng lại tại đây, hai ngày sau, các bác sĩ của bệnh viện thông báo chồng tôi bị ung thư ống mật phải tiến hành đặt ống dẫn lưu mật ra ngoài thì mới khỏi được. Tuy nhiên, đến ngày 21/11/2012, chồng tôi bất ngờ qua đời”.
Theo tìm hiểu của PV, đau buồn vì cái chết bất ngờ của chồng, ngày 4/8/2012, bà Liên khiếu nại lên giám đốc bệnh viện Bình Dân, yêu cầu phải làm rõ nguyên nhân cái chết và bệnh tình cụ thể của chồng bà. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng gửi đơn khiếu nại không được giải quyết, bà Liên cùng các con đã nhiều lần gửi đơn và mặc áo tang đến sở Y tế yêu cầu được làm rõ về vụ việc. Trước khiếu nại của bà Liên, ngày 9/1, sở đã lập Hội đồng chuyên môn đánh giá về cái chết của bệnh nhân Đinh Văn Thường và kết luận: "Bệnh viện Bình Dân không sai sót về phẫu thuật nhưng có thiếu sót do không tư vấn cho thân nhân người bệnh trong quá trình phẫu thuật".
Đến ngày 15/1, sở Y tế chính thức có công văn trả lời cho bà Liên về vụ việc. Bà Liên cho biết: "Công văn của sở kết luận rằng: "Các bác sĩ khi thực hiện quy trình chụp MRI gan mật tụy của trung tâm Y khoa Medic được thực hiện đúng, nhưng trong trường hợp này do khối u đường mật không bắt thuốc tương phản nên không thể hiện hình ảnh trên kết quả MRI". Sau khi nhận được văn bản này, đến ngày 25/1, bà Liên và gia đình không đồng tình với kết luận nên tiếp tục đến sở khiếu nại. Bà Liên cho rằng việc các bác sĩ không chẩn đoán ra bệnh nhưng vẫn tiến hành phẫu thuật đã trực tiếp gây ra cái chết của chồng bà. Bên cạnh đó, bà cũng yêu cầu làm rõ các vấn đề liên quan như: Xét nghiệm máu, nước tiểu và chụp MRI của ông Thường đều cho kết quả âm tính, riêng kết quả MRI kết luận ống mật chủ không giãn, không sỏi nhưng khi mổ xong các bác sĩ nói có cục bướu rất to và kết luận ung thư...
Bệnh viện hoàn toàn sai
Vào ngày 25/1, sở Y tế TP. HCM tổ chức buổi tiếp xúc với bà Liên và người thân về cái chết của ông Đinh Văn Thường. Trả lời về vụ việc, PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc sở cho biết, bệnh viện Bình Dân hoàn toàn sai về việc khi mổ cho ông Thường không phát hiện bất thường, có thêm bệnh lý so với chẩn đoán trước khi mổ. Khi phát hiện các vấn đề trên lại không kịp thời thông báo và tư vấn cho thân nhân bệnh nhân.
Tại buổi tiếp xúc, đại diện sở Y tế cho hay, vào thời điểm tháng 7/2012, ông Thường bị tiểu lắt nhắt, đau quặn thận, được gia đình đưa đến khám tại bệnh viện Bình Dân và được các bác sĩ chẩn đoán giãn ống mật chủ, cần phải mổ để lấy sỏi. Sau khi thực hiện ca mổ cho ông Thường, gia đình không thấy sỏi mà lại được các bác sĩ thông báo bệnh nhân bị ung thư. Bệnh nhân sau đó được tư vấn đặt ống dẫn lưu mật ra ngoài. Trước sự việc này, gia đình bệnh nhân bức xúc cho rằng, nếu biết ông Thường bị ung thư, gia đình đã điều trị bằng bằng thảo dược và nhận định ca mổ này khiến diễn biến bệnh của ông Thường tăng nhanh dẫn đến tử vong.
Sở Y tế TP.HCM cho biết, sau khi nhận được khiếu nại của bà Liên, hội đồng KHKT của sở đã nhóm họp và ra kết luận vào ngày 26/12/2012 với nội dung: "Bệnh nhân bị ung thư di căn có khả năng tiên phát từ đường mật... Không có sai sót trong phẫu thuật, có sai sót trong việc tư vấn các diễn biến của ca mổ với bệnh nhân". Sau đó, bà Liên tiếp tục có khiếu nại đòi làm rõ về kết luận chụp MRI của trung tâm y khoa Medic. Ngày 9/1/2013, Hội đồng KHKT sở tiếp tục nhóm họp và kết luận: "Quy trình chụp MRI là đúng, nhưng trong trường hợp này, do khối u đường mật không bắt thuốc tương phản nên không thể hiện hình ảnh khối u đường mật trên kết quả MRI".
Bên cạnh đó, sở Y tế TP.HCM còn cho biết, việc đặt ống Kehr xuyên bướu để thực hiện việc dẫn lưu ống mật trong trường hợp bệnh nhân Thường là phù hợp nhằm giải áp đường mật. Phương pháp này giúp bệnh nhân giảm các biến chứng do tắc mật và không làm bệnh phát triển xấu thêm. Đối với bệnh nhân Thường, nếu bệnh viện không thực hiện phẫu thuật triệt để thì bệnh nhân chỉ có thể sống từ 2 - 315 ngày. PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết nếu không đồng ý với kết luận của sở, gia đình có quyền khiếu nại lên bộ Y tế hoặc đưa vụ việc ra tòa án để giải quyết.
Vì quá bức xúc nên mới làm Khi được hỏi về việc căng biểu ngữ ngoài đường có đông người qua lại, không chịu vào sở Y tế TP.HCM làm việc, bà Đặng Thị Liên cho hay: "Gia đình chúng tôi đã đến đây đề nghị được làm sáng tỏ về cái chết của chồng nhiều lần, nhưng thanh tra của sở Y tế không giải quyết. Trước nỗi bức xúc quá lớn, gia đình mới có hành động như thế. Chúng tôi thực hiện hành động trên với mong muốn sở sẽ giải quyết vụ việc chứ không quậy phá, gây mất an ninh trật tự”. |
Q. Triệu - T. Nguyên