g Quốc đã bớt ồn ào hơn nhưng lại tăng cường các “chiêu bài quyến rũ” về lợi ích kinh tế, nhằm lôi kéo các nước trong khu vực. Mặc dù vậy, giới phân tích chỉ rõ chiến lược của Bắc Kinh sẽ chỉ mang đến sự thất bại.
Thắng lợi lịch sử
12/7/2016 là ngày đi vào lịch sử với chiến thắng của luật pháp quốc tế. Chính xác một năm trước, toà Trọng tài Thường trực (PCA) đã được triệu tập để hòa giải những mâu thuẫn về lợi ích trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. Bất chấp sức ép từ một cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, Manila đã giành chiến thắng gần như tuyệt đối, đạt được 14 trong tổng số 15 tuyên bố chống lại Bắc Kinh.
Theo các nhà phân tích, sau quyết định này của PCA, Biển Đông đã có một năm tương đối yên bình. Nhiều chuyên gia ngoại giao và pháp lý nhận định, đây là thời gian yên lặng tạm thời nhằm giảm sức nóng của phán quyết, trong khi tham vọng Trung Quốc sẽ vẫn là một nguyên nhân chính gây căng thẳng ở khu vực trong nhiều năm tới.
Phán quyết của PCA trong đó bác bỏ toàn bộ tuyên bố chủ quyền “đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc. Tham vọng xâm lấn lợi ích của các quốc gia ở Biển Đông là một trong những thất bại ngoại giao lớn nhất của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.
Sau thời gian đầu liên tục đưa ra những tuyên bố ngang ngược phê phán giá trị của phán quyết, giới lãnh đạo Bắc Kinh bắt đầu lựa chọn cách thức âm thầm củng cố và mở rộng sự hiện diện của mình trong vùng biển tranh chấp, thúc đẩy quân sự hóa trên các đảo chiếm đóng phi pháp.
Trong khi Mỹ cùng Philippines vẫn cẩn trọng trước phản ứng đối với các động thái mới đến từ Trung Quốc, Giáo sư Carlyle Thayer từ học viện Quốc phòng Australia bày tỏ lo ngại: “Chừng nào các bên liên quan không có những hành động mới, Bắc Kinh sẽ tưởng rằng cộng đồng quốc tế đã nhượng bộ”.
Nhưng theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp tại viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute) ở Singapore đánh giá, phán quyết của PCA đã thiết lập một tiền lệ quan trọng và sẽ không bị rơi vào lãng quên dù Bắc Kinh mong muốn điều đó. “Phán quyết giống như một vết khắc trên đá, không phải dễ dàng xoá bỏ hoàn toàn, nó sẽ vẫn có tầm ảnh hưởng chiến lược đến chính sách Biển Đông của Trung Quốc trong nhiều năm tới”, ông nói.
Trung Quốc sẽ thất bại
Các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dường như là nhân vật gây bất ngờ lớn nhất khi “chuyển trục” từ Washington sang Bắc Kinh. Jay Batongbacal, một chuyên gia pháp lý tại đại học Philippines cho biết, Trung Quốc và Philippines mong muốn hàn gắn mối quan hệ đang bị tổn hại nhiều năm qua, cả hai đã chọn việc không thảo luận về phán quyết trong các cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo và quan chức đôi bên.
“Cả hai nước nhận thức đầy đủ về tính chất của phán quyết trong vị thế pháp lý của mình ở Biển Đông, nhưng cả hai muốn tạm lắng lại để cải thiện quan hệ kinh tế và chính trị của họ”, ông nói.
Dù vậy, theo Zhang Mingliang, một nhà phân tích khu vực Đông Nam Á tại đại học Tế Nam (Trung Quốc) cho biết, Bắc Kinh hoàn toàn không thể tự mãn vì điều này, bởi tất cả các nước tranh chấp khác bao gồm cả Malaysia và Brunei đều cho thấy họ vẫn không từ bỏ phán quyết PCA, hoặc thực hiện bất kỳ thỏa hiệp nào về chủ quyền lãnh thổ.
Trong khi đó, Mỹ đã cảnh báo về nguy hiểm tiềm ẩn ở Biển Đông đang “nung nấu sự cạnh tranh Mỹ-Trung”. Phía Trung Quốc thẳng thừng nói rằng cách điều phối không hiệu quả đối với sự bất đồng và xích mích vốn có giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể dẫn đến xung đột vũ trang. “Đây là lần đầu tiên trong vòng 100 năm trở lại đây, Trung Quốc và Mỹ đang phải đối mặt trực diện xung đột về lợi ích trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, chuyên gia Trung Quốc đánh giá.
Dù nhiều người đã hoài nghi về chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng Giáo sư Thayer nói rằng, ngày càng có dấu hiệu cho thấy Washington đang tiếp tục gây sức ép đẩy lùi Trung Quốc.
Giới quan sát nhìn nhận, Trung Quốc hiểu rõ điều này và sẽ tăng sức lực trong cách tiếp cận truyền thống “cây gậy và củ cà rốt” tại khu vực, thông qua việc quyến rũ các quốc gia láng giềng bằng lợi ích kinh tế. Mặc dù vậy, một số người tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả lâu dài của chiến lược này.
“Các quốc gia chủ chốt trong khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục hiện đại hóa lực lượng quân sự, đề phòng mối quan hệ nhiều rủi ro với Bắc Kinh và khuyến khích Mỹ tiếp tục tăng cường hợp tác cả về kinh tế và quân sự”, Giáo sư Carlyle Thayer bình luận.
Đọc thêm>>> Trung Quốc tham vọng mở hàng loạt căn cứ quân sự trên thế giới
Quốc Vinh