Giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực
Mới đây nhất vào ngày 11/9, Đặng Ngọc Viết (42 tuổi, đăng ký thường trú tại số nhà 11, ngõ 345, tổ 48, P.Kỳ Bá, TP.Thái Bình) đã xông vào Trung tâm phát triển quỹ đất rút súng bắn vào những người có mặt. Hậu quả, một phó giám đốc trung tâm bị thiệt mạng và 3 người khác bị thương. Sau khi gây án, Viết chạy ra cổng, lấy xe máy chạy về một ngôi chùa là quê gốc của Viết ở ở xã Trà Giang, H.Kiến Xương, Thái Bình và dùng súng tự sát. Được biết, Viết gây án có thể xuất phát từ việc trước đó Trung tâm phát triển quỹ đất giải phóng mặt bằng tại khu ruộng của gia đình Viết. Đội giải phóng mặt bằng có tiến hành giải quyết đền bù cho một số trường hợp, trong đó có trường hợp của gia đình Đặng Ngọc Viết nhưng gia đình Viết không đồng tình với quan điểm giải quyết của cơ quan chức năng. Dù theo quan điểm của cơ quan chức năng, họ đã giải quyết đền bù theo đúng pháp luật, có lý có tình...
Trước đó, đầu năm 2012, huyện Tiên Lãng đã tiến hành cưỡng chế với lực lượng đông đảo hơn 100 người bao gồm cả lực lượng công an và quân đội do Phó chủ tịch huyện Nguyễn Văn Khanh làm trưởng ban cưỡng chế nhưng đã bị gia đình ông Đoàn Văn Vươn chống trả. Gia đình nhà Đoàn Văn Vươn- bị cưỡng chế- đã dùng mìn tự chế và đạn hoa cải bắn trả, hậu quả là 4 công an và 2 người thuộc ngành quân đội bị thương.
Không chỉ trong lĩnh vực liên quan đến đất đai, ở nhiều lĩnh vực khác cũng xảy ra những sự việc người dân dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Vào đêm 4/9 bệnh viện đa khoa Vinh (Nghệ An) đã tiếp nhận sản phụ Nguyễn Thị Vinh mang thai hơn 9 tháng. Không lâu sau, chị Vinh kêu đau bụng dữ dội và được y tá cho uống 3 viên thuốc. Sau đó sản phụ và thai nhi chưa sinh đều tử vong. Phía gia đình bức xúc nên đã gây áp lực với bệnh viện, đập vỡ một số kính ở khoa Sản, buộc bệnh viện phải báo cáo với nhà chức trách nhờ can thiệp.
Hiện trường một vụ đập phá bệnh viện của người nhà bệnh nhân.
Vào ngày 8/8, ông Nguyễn Xuân Hồng nhập viện BV đa khoa Hà Tĩnh để điều trị với chẩn đoán bị viêm xương. Đến trưa 12/8, các y, bác sĩ tiêm thuốc kháng sinh Trikazim và Ciprofloxacin Kabi cho ông Hồng. Ông Hồng tử vong do sốc phản vệ. Trước cái chết đột ngột của ông Hồng, nhiều người thân có mặt tại bệnh viện đã tỏ ra bất bình, đập vỡ một số máy móc, đánh bị thương bác sĩ Mai Văn Lục (Trưởng khoa Hồi sức tích cực) và 3 y, bác sỹ khác của khoa này. Công an TP.Hà Tĩnh phải huy động hơn 40 người mới kiểm soát được vụ việc. Trước đó vào tháng 7 năm 2012, 30 người nhà của một sản phụ bị thiệt mạng khi lâm bồn đã kéo đến bệnh viện Sản Nhi Cà Mau đập phá bệnh viện và đòi làm rõ nguyên nhân cái chết.
Cần tìm ra căn nguyên
Không phải người dân không hiểu luật... "Theo tôi, không phải họ không hiểu biết pháp luật mà như trường hợp của ông Đoàn Văn Vươn là trường hợp bị dồn vào nước đường cùng, họ phải hành động theo cách của họ tự cho là có tác dụng nhất. Hiện nay có nhiều nơi, nhiều chỗ những người làm công bộc hành động nhũng nhiễu gây mất niềm tin của người dân vào hệ thống luật pháp, khiến cho họ không biết tin tưởng vào đâu, không biết ai là người bênh vực quyền lợi của mình. Tuy nhiên, dù chính quyền có làm sai có quan liêu, không quan tâm, xử lý không thích đáng nhưng việc người dân tự phát dùng vũ lực để giải quyết sự việc thì lại thành sai, vi phạm pháp luật. Họ làm như vậy sẽ khiến bản thân họ từ người đúng trở thành người sai và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật" - chuyên gia xã hội học Trịnh Hoà Bình nhận định. |
Tình trạng người dân không giải quyết được vấn đề liên quan đến quyền lợi của bản thân và gia đình đến cơ quan có thẩm quyền, hành hung người thi hành công vụ đang có xu hướng gia tăng.
Trao đổi với báo Người đưa tin về vấn đề trên, ông Hà Tuấn Trung, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra TƯ khóa VII cho rằng: “Nhiều người dân làm theo con đường chính danh, đến các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Những cơ quan này không giải quyết được sự việc, hoặc có giải quyết thì từ cấp cao lại chuyển về địa phương, lòng vòng lâu ngày như vậy khiến cho người dân không còn tin tưởng nữa. Họ cùng quẫn và làm liều. Họ biết họ hành động như vậy có thể tù tội, thậm chí có thể bị tử hình như trường hợp ở Thái Bình. Tuy nhiên sự việc người dân dùng vũ lực cũng là tiếng chuông thể hiện ở trong dân còn nhiều bức xúc chưa được giải quyết. Nếu không tìm ra căn nguyên của vấn đề để chấn chỉnh, sửa chữa thì còn có nhiều vấn đề phức tạp khác nữa”.
Ông Trung cũng cho rằng, những sự việc vụ Đoàn Văn Vươn, vụ Đặng Ngọc Viết (Thái Bình)... như hồi chuông cảnh báo về việc những cán bộ làm việc thiếu trách nhiệm, đứng trên pháp luật khiến cho người dân không còn tin tưởng. Những công bộc của dân mà làm bậy, tham nhũng... nên người dân không tin những người đó có thể giải quyết cho mình theo đúng công lý. Vì không tin nên họ đành phải làm liều, biểu hiện bằng thái độ cực đoan. Những sự việc đó có thể không hay nhưng cũng là điều để cho các cấp biết rằng tình hình hiện nay có vấn đề rồi và không thể coi thường. Cần phải xem lại căn nguyên của vấn đề chứ không chỉ đi tìm nguyên nhân của từng vụ.
Đồng quan điểm với ông Hà Tuấn Trung, TS, luật sư Lương Văn Tuấn, Trưởng văn phòng Luật sư Tân Luật Hà Nội cho rằng: “Hiện nay hệ thống luật pháp của chúng ta còn nhiều kẽ hở. Nhiều vấn đề của xã hội mà luật pháp còn chưa đề cập hết. Đặc biệt, những người, đơn vị thực thi pháp luật đôi khi còn chưa làm hết chức trách của mình. Những người như Đặng Ngọc Viết ở tỉnh Thái Bình, hay Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng cũng đã thực hiện đúng những quy trình như trong pháp luật quy định, tuy nhiên cách giải quyết của cơ quan chức năng khiến họ không tìm được lời giải, gây ức chế. Họ là những người, biết rằng hành động xả súng vào người khác là sai, là có thể bị đi tù, thậm chí là tử hình. Chính vì ý thức được trách nhiệm mình sẽ phải nhận nên sau đó Đặng Ngọc Viết mới tự tử. Vậy thì vì sao họ lại hành động!? Đây là câu hỏi mà những người có trách nhiệm cũng cần xem xét thấu đáo. Tuy nhiên mọi vấn đề chưa thông, chưa rõ thì cần phải có cơ quan có trách nhiệm trả lời, giải quyết, chứ không được phép sử dụng vũ lực như những vụ án đã xảy ra thời gian qua.
Thành Huế